Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Ký ức một thời hào hùng của người cựu binh 99 tuổi

Biên phòng - Từ công nhân hỏa xa đến người lính ở mặt trận Trung Lào, Điện Biên Phủ, đến vùng Đặc khu Vĩnh Linh, cuộc đời của Trung tá, cựu chiến binh Công an nhân dân vũ trang Lê Thanh Đạm (bí danh Thanh Sơn), quê ở xã Thanh Châu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (hiện nay đang sinh sống tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một phần trong trang lịch sử BĐBP. Mùa xuân này, cụ Đạm đã bước sang tuổi 99.

Trung tá, cựu chiến binh Lê Thanh Đạm, cán bộ lão thành, đảng viên 72 năm tuổi Đảng. Ảnh: Văn Chương

Năm 1941, tại nhà máy hỏa xa Trường Thi nằm tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, giữa những đoàn công nhân An Nam với chiếc lưng bóng láng, suốt ngày đập gõ trên những khối thép để ráp nối các đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước chạy trên đường ray khổ rộng 1 mét, có chàng thanh niên Lê Thanh Đạm, quê ở tỉnh Hà Nam. Toàn quyền Pháp Paul Doumer từng nhấn mạnh, việc thành lập nhà máy hỏa xa, xây dựng tuyến đường sắt qua các vùng châu thổ Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ, đi qua các vùng đông dân cư, giàu có, nhiều tài nguyên để có thêm nguồn khai thác thuộc địa. Vì vậy, nhà máy này là một khớp nối quan trọng.

Năm 1941, Bác Hồ về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Tại Hội nghị Trung ương 8 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì (tháng 5-1941) nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang...”. Và cũng chính từ nhà máy với hàng ngàn công nhân này đã trở thành “trường học” đầu tiên để người thanh niên yêu nước Lê Thanh Đạm bước vào con đường cách mạng, thông qua các hoạt động rải truyền đơn, đấu tranh tăng lương, tháng 8-1945 tham gia đấu tranh cướp chính quyền, tham gia bộ đội Nam tiến.

Cuối năm 1953, ông Đạm bắt đầu tham gia vào các đơn vị chủ lực tiến ra chiến trường Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy là Tổng Tư lệnh chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ. Sau này, ông Đạm đã nhiều lần được gặp Đại tướng tại Quảng Bình, Quảng Trị. Khi đó, người lính từng dưới quyền của Đại tướng cũng đã trưởng thành, là Đại đội phó Công an nhân dân vũ trang khu 41 Đặc khu Vĩnh Linh.

Trong nhà ông Đạm hiện giờ vẫn còn treo nhiều bằng khen, huân, huy chương và các quyết định phong cấp. Vinh dự đối với ông là quyết định phong cấp Trung úy do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký. Những quyết định này theo năm tháng đã bay mất màu mực ghi mốc thời gian tặng, nhưng chữ ký thì vẫn còn rất rõ. Huân chương Chiến thắng hạng Ba cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký. Ông Đạm thường chỉ tay vào con dấu đỏ để nhắc tên vị tướng huyền thoại. Vì ngoài các chữ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, còn có thêm dòng chữ Tổng Tư lệnh trong con dấu này.

Ở tuổi 99, ký ức của ông Đạm giờ như cuốn phim quay chậm, thước phim dài vô tận, xuyên suốt cuộc chiến nên phải rất lâu thì ông mới hồi tưởng được những chi tiết còn đọng lại. Ông kể, nhớ nhất là khi ở chiến trường Điện Biên Phủ, ông giữ chức vụ Đại đội bộc trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 18 ở mặt trận Trung Lào. Đơn vị của ông có nhiệm vụ phục kích quân Pháp tháo chạy khỏi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Lập nên những chiến công lớn, ông Đạm và đơn vị được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương, khen thưởng, nhưng ước ao được gặp Đại tướng chỉ thành hiện thực khi ông Đạm trở về công tác tại giới tuyến Vĩnh Linh. Mỗi lần gặp mặt, ông Đạm không thể quên sự ân cần của Đại tướng. Nếu xuống đơn vị cơ sở, Đại tướng luôn bắt tay các chiến sĩ, sau đó dặn dò phải cố gắng rèn luyện, học tập để nâng cao khả năng chiến đấu.

Từ năm 1975-1980, Trung tá Lê Thanh Đạm giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bình Thị Thiên (bao gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay). Ông được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba... và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chị Lê Thị Hương, người con gái của ông Đạm lấy ra một xấp kỷ vật là bằng khen, giấy khen, các loại huân, huy chương, quyết định, trong đó, có những quyết định cách đây đã nửa thế kỷ. Ông Đạm run run chạm tay vào từng tờ giấy khen, trong đó có những tờ mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy.

Quyết định phong cấp hàm Trung úy của ông được trang trí họa tiết trang trọng hơn cả tấm huân chương. Ông Đạm cho biết, thời đó, việc được phong cấp là một vinh dự không khác gì nhận huân chương, vì vậy, mỗi quyết định được in rất to, được trao trang trọng và người nhận cũng theo đó xác định nghĩa vụ phải hoàn thành công tác cao hơn trước.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đạm được cấp trên cử sang Trung Quốc học trường quân sự 2 năm. Trong thời gian đó, ở Việt Nam có những diễn biến quan trọng tại vĩ tuyến 17 - ngày 25-8-1954, đại diện quân đội Pháp ký vào biên bản giao vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta. Với quy định này, ngày 25-8-1954, phần đất Vĩnh Linh thuộc Bắc sông Bến Hải với diện tích gần 800km2 được hoàn toàn giải phóng. Từ đó, Vĩnh Linh trở thành khu vực đặc biệt (Ðặc khu Vĩnh Linh) trực thuộc Trung ương. Trở về Việt Nam, ông Đạm được phân công nhận công tác tại giới tuyến, giữ các cương vị: Đại đội phó Công trường D25; Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 25, Công an nhân dân vũ trang Đặc khu Vĩnh Linh.

Tiểu đoàn 25, Công an nhân dân vũ trang Đặc khu Vĩnh Linh là đơn vị được tổ chức huấn luyện rất khắc nghiệt như những đơn vị bộ binh chính quy để triển khai bắt gián điệp, đánh địch xâm nhập, tiêu diệt mục tiêu trên không. Trong các chiến công của Công an nhân dân vũ trang Đặc khu Vĩnh Linh, ông Đạm ấn tượng nhất thành tích đơn vị bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát L19 đầu tiên của địch, ngay khi ông về nhận công tác...

Quyết định phong cấp hàm Trung úy Lê Thanh Đạm do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, có hình thức giống như tấm huân chương. Ảnh: Văn Chương

Những kỷ vật còn lưu giữ trong gia đình ông bây giờ là: Danh hiệu Chiến sĩ giỏi, bơi lội 150 mét, Bằng khen rèn luyện thân thể để bảo vệ Tổ quốc cấp II. Thời đó, bọn lính ngụy ở bờ Nam sông Bến Hải, mỗi lần gặp Công an nhân dân vũ trang ở Trạm giao ban liên hợp thì luôn thể hiện sự nổi trội qua các buổi giao đấu bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, nói câu đối, sử dụng ngoại ngữ... Vì vậy, ông và nhiều người lính khác luôn rèn luyện sức khỏe, giỏi rất nhiều môn thể thao để khi cần thì thể hiện bản lĩnh Công an nhân dân vũ trang.

Ông cho biết, mình còn là người trực tiếp chỉ huy đào địa đạo ở Đặc khu Vĩnh Linh, lợi dụng địa hình, địa vật để tạo ra hệ thống hầm hào bí mật và kiên cố, nên ngày 10-7-1957, ông đã được đơn vị tặng giấy khen và ghi thành tích “công tác cần cù, tích cực chịu khó, lãnh đạo sát sao, có nhiều sáng kiến, được anh em đơn vị mến phục”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO