Biên phòng - “Từ bé, chúng tôi được ba kể cho nghe những câu chuyện về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Ông kể nhiều về đồng bào các dân tộc đã kề vai, sát cánh, nuôi nấng cách mạng trong những năm kháng chiến gian khổ nhất và những tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam. Với ba tôi, ông luôn thương bộ đội như con, tin yêu đồng bào các dân tộc thiểu số như người thân ruột thịt” - Đó là những chia sẻ của anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phóng viên Báo Biên phòng khi nhắc đến người cha kính yêu của mình.
Trong khuôn viên tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội trong những ngày đầu tháng 8, những giỏ phong lan vẫn xanh tốt, y nguyên như thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống. Anh Võ Hồng Nam nói với chúng tôi: “Cha tôi rất yêu phong lan, yêu thiên nhiên và luôn muốn hòa mình vào thiên nhiên”. Những giỏ phong lan này là món quà giản dị được gửi về từ những vùng quê Tây Bắc, vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa, nơi mà Đại tướng đã gắn bó trong những năm tháng hoạt động cách mạng.
Anh Võ Hồng Nam chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, tôi thường thắc mắc, tại sao nhà mình nhiều người đến nói chuyện với ba thế. Không chỉ các tướng lĩnh trong Quân đội, mà còn có cả bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau này khi lớn lên, có dịp đi với ba tới các vùng như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn..., nghe ba kể về những ký ức khi hoạt động cách mạng, tôi mới thấy, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn yêu thương, trân trọng ba tôi như người nhà”.
Ba thường nói với chúng tôi: "Trước khi định làm điều gì thì phải cố gắng làm cho thật tốt, phải luôn ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống cho Tổ quốc, giúp đỡ con cháu của họ, giúp đỡ đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Được nuôi dạy và lớn lên như vậy, tôi luôn tâm niệm phải sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước, giúp được đồng bào các dân tộc càng nhiều càng tốt. Khi sắp xếp được công việc, tôi lại cùng những người bạn tổ chức những chương trình thiện nguyện như tặng quần áo, các nhu yếu phẩm cho các cháu học sinh tại Cao Bằng, Thái Nguyên - những vùng quê cách mạng mà ba tôi gắn bó. Sau những chuyến đi, tôi thường chụp ảnh rồi cho ba xem, ông rất vui!”.
Trong những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua, gia đình anh Võ Hồng Nam cũng đã gửi những phần quà nhỏ bé như đèn năng lượng mặt trời tặng cho các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của BĐBP các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Anh Võ Hồng Nam cho biết, đó là những món quà nhỏ mà gia đình Đại tướng muốn gửi gắm để chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra” (trích Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuất bản năm 2006), Đại tướng không chỉ nói đến Quân đội, mà còn nói đến những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, trong số 34 chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) thì có tới 29 người là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong cuốn hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, Quân đội từ nhân dân mà ra, khi chiến tranh, đói khổ được đồng bào nuôi giấu, bao bọc. Khi hoạt động cách mạng tại chiến khu Việt Bắc, địch nhiều lần khủng bố, nhưng đồng bào vẫn bao bọc mình, thậm chí còn chọn cái chết để bảo vệ mình, xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, thì phải lo giúp đồng bào.
Nghe những câu chuyện về sự giản dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với đồng bào các dân tộc thiểu số mà anh Võ Hồng Nam chia sẻ, bỗng tôi chợt nhớ lần bản thân mình được chứng kiến cảnh gia đình Đại tướng đón bà Bàn Thị Chủ, ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng về Hà Nội chữa bệnh vào tháng 12-2020. Khi tới cổng số 30 Hoàng Diệu, bà Bàn Thị Chủ đã ôm anh Võ Hồng Nam khóc nức nở.
Sau cuộc trò chuyện với gia đình Đại tướng, tôi mới biết, bà Bàn Thị Chủ là người dân tộc Dao, bà là người nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Cũng chính bà đã cùng người dân tiếp tế đạn dược và nấu cơm cho bộ đội đánh trận Phay Khắt, Nà Ngần, làm nên chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào năm 1944. Bà Bàn Thị Chủ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên là Kim Sơn, tên mà bà lấy làm bí danh khi hoạt động cách mạng tại Cao Bằng những năm kháng chiến chống Pháp.
Anh Võ Hồng Nam nhớ lại: “Năm 1994, tôi có dịp cùng ba tôi lên thăm Cao Bằng, lúc đó, đường sá đi lại khó khăn. Thế nhưng, khi biết ba tôi đến thăm, người dân ùa ra đón, người thì mừng, người khóc, có người mang biếu ba tôi chai mật ong, người thì biếu mấy quả trứng. Ba tôi nhận và nói: "Bà con có nuôi được tôi không?". Mọi người đồng thanh đáp: "Nuôi được, bác cứ ở đây với đồng bào đi!". Chứng kiến cảnh đó, tôi thật sự hạnh phúc. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004), biết được ba tôi lên thăm Điện Biên, một cụ ông người Dao đã gần 80 tuổi vượt hàng trăm cây số để gặp ba rồi nắm tay ba tôi khóc. Ông là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, quả thật rất xúc động...”.
Nhiều vùng đất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đi qua, mấy chục năm xa cách khi trở lại, đồng bào vẫn nhớ thương Đại tướng, coi Đại tướng như người thân ruột thịt của mình. Chính vì tình cảm của Đại tướng dành cho đồng bào các dân tộc đã trở thành tấm gương sáng để anh Võ Hồng Nam suốt đời phấn đấu, học tập và noi theo. “Có lần, ba nói với tôi: Đồng bào còn nghèo, còn vất vả, nhiều vùng còn khó khăn, Nhà nước không lo hết được, nên mọi người phải cùng nhau chung tay giúp đồng bào. Mình hứa với đồng bào cái gì thì phải làm cho kì được” - anh Nam chia sẻ.
Để giúp nhân dân xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có điều kiện sản xuất, ngày 30-9-2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thủy lợi Loọng Luông. Trong thư, Đại tướng viết: “Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn. Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời, góp phần giữ gìn di tích của chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho đồng bào xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng xây dựng dự án trên”.
Có lẽ, chính vì tình cảm sâu nặng mà Đại tướng dành cho đồng bào các dân tộc nơi đây nên bà con gọi cánh rừng là “rừng Đại tướng”, hồ cũng là “hồ Đại tướng”, cả xã có 5 trường thì đã có 3 trường mang tên Võ Nguyên Giáp. Để ghi nhớ lời dặn của Đại tướng: “Hãy làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế”, bà con các dân tộc xã Mường Phăng, tỉnh Điện Biên đã mang “tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ” ấy nỗ lực trong sản xuất và phát triển kinh tế, đưa đời sống ngày một ấm no hơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, lỗi lạc đã đi xa sau hơn một thế kỷ cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân với những công lao đã được ghi tạc trong lịch sử. Hình ảnh vị tướng tài ba, người anh Cả của QĐND Việt Nam anh hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vẫn luôn còn mãi trong tâm trí người dân Việt Nam, còn mãi trong tâm trí của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Kim Nhượng