Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 10:15 GMT+7

Ký ức hào hùng của “Điện Biên năm ấy”

Biên phòng - “Điện Biên năm ấy” là chủ đề của cuộc triển lãm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức từ ngày 3 đến 19-5, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019). Triển lãm đưa người xem về với những tháng ngày gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, gặp gỡ những con người bình dị mà vĩ đại đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

fg0k_1a
Họa sĩ Trần Khánh Chương giới thiệu tác phẩm “Đường lên Điện Biên” tại triển lãm. Ảnh: Thanh Thuận

Sống mãi với thời gian

Đến với triển lãm được tái hiện sống động qua 39 tác phẩm của 26 tác giả được sáng tác trong và sau thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, tranh giấy, bột màu, điêu khắc...

Trong những năm tháng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với những đoàn quân ra trận còn có nhiều nghệ sĩ đã trực tiếp tham gia chiến dịch. Bằng những cảm nhận và sự sáng tạo, họ đã ghi lại chân thực, sinh động hình ảnh cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ của quân và dân ta, thể hiện qua chùm 6 bức ký họa: “Đèo Lũng Lô”, “Bộ đội nghỉ trong hang”, “Chuẩn bị đi chợ”, “Hành quân qua suối”, “May áo”, “Hoan hô” của danh họa Tô Ngọc Vân và “Bộ đội họp” của Nguyễn Trọng Hợp...  

Trong những ngày tháng gian khổ, khốc liệt ấy, nhiều chiến sĩ đã anh dũng trong chiến đấu, hy sinh quên mình cho chiến thắng của dân tộc. Đây là đề tài được các họa sĩ thể hiện với lòng biết ơn sâu sắc, điển hình như tác phẩm “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh và tác phẩm “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” của Lê Vinh.

Những chiến sĩ vượt đèo kéo pháo, đẩy pháo lên cứ điểm Điện Biên Phủ đầy nhọc nhằn, gian truân nhưng không kém phần lãng mạn trong tác phẩm “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh; những người lính băng rừng, lội suối, cần mẫn hành quân xuyên đêm trong tác phẩm “Hành quân qua suối” của họa sĩ Tô Ngọc Vân, “Hành quân đêm” của Trần Đình Thọ; những trận đánh thể hiện nghệ thuật quân sự đỉnh cao của quân dân ta trong các tác phẩm “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của Thế Vy, “Đánh chiếm điểm cao” của Lê Vinh, “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm...

Đặc biệt, các nghệ sĩ còn khắc họa hình ảnh vị cha già dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh và hình ảnh vị Đại tướng của nhân dân - Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm: “Bác Hồ” của Lê Lam, “Hồ Chủ tịch lội suối đi công tác” của Bùi Văn Hoan, “Bác đi chiến dịch” của Nguyễn Đức Dụ...

Không ngừng sáng tạo

Không chỉ dừng lại ở thế hệ nghệ sĩ thời kháng chiến, sau này, mảng đề tài về Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là niềm hứng khởi, mạch nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công các tác phẩm mỹ thuật như: Trần Đình Thọ với tác phẩm “Kéo pháo Điện Biên”, Phạm Thanh Tâm với “Đẩy pháo”, Cao Trọng Thiềm với “Điện Biên năm ấy”, Trần Khánh Chương với “Đường lên Điện Biên”, Mai Văn Hiến với “Tiếng hát mùa chiến dịch”... 

t19e_9b
Tác phẩm sơn dầu “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của họa sĩ Thế Vỵ. Ảnh: Thanh Thuận

Họa sĩ Cao Trọng Thiềm là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, từ vốn sống thực tế tại chiến trường xưa mà ông đã có những tác phẩm giá trị về đề tài Điện Biên Phủ như: “Điện Biên năm ấy”, “Nắng chiều” (1994) và “Pha Đin” (2003), tái hiện sống động cảm xúc khí thế toàn dân tham gia kháng chiến một thời. Trong đó, tác phẩm “Điện Biên năm ấy” được chọn làm chủ đề của cuộc triển lãm lần này.

Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - tác giả của bức tranh sơn mài “Đường lên Điện Biên” cho biết, tác phẩm này được ông sáng tác năm 2005 và trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại ngay sau đó. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ những chuyến đi bằng ô tô của ông lên Điện Biên.

Trong những chuyến đi đó, ông rất ấn tượng với con đường lên chiến trường xưa. Từ đó, ông có suy nghĩ phải vẽ lại con đường lịch sử đó trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn với công binh mở đường và dân công, xe thồ cùng nhau vận chuyển lương thực, súng đạn lên mặt trận. Cũng tại triển lãm này, ông có dịp được ngắm lại tác phẩm và giới thiệu đến người xem bức tranh tâm huyết của mình về đề tài Điện Biên Phủ. 

Những tác phẩm mỹ thuật về Chiến dịch Điện Biên Phủ sáng tác sau này của các nghệ sĩ (trong đó có các nghệ sĩ trẻ) dù vẫn chọn thể hiện những câu chuyện truyền thống của quân và dân ta trong thời kỳ đó nhưng đã mang phong cách mới, góc nhìn mới của thời đại nên có sự thành công và được công chúng biết tới nhiều hơn. Đó là sự tiếp nối, không ngừng sáng tạo của thế hệ sau biết trân trọng quá khứ và những con người đã làm nên lịch sử cho đất nước hôm nay mãi mùa xuân thanh bình.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “39 tác phẩm tại triển lãm có thể nói là những họa phẩm sống mãi với thời gian, lưu giữ những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử dân tộc. Triển lãm đã tái hiện quá khứ anh hùng, một bài học lịch sử sinh động quý báu, tất cả sẽ còn được ghi nhớ, trân trọng và truyền lại cho thế hệ mai sau. Triển lãm cũng là dịp để mỗi người bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để chúng ta có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay...”.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO