Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Ký ức đẹp của một người lính Biên phòng

Biên phòng - Thấm thoắt đã 40 năm, ngày tôi (Nguyễn Duy Hiến, cán bộ của Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên, nay là BĐBP Quảng Trị) nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (ngày 3-3-1979), nay là BĐBP. Sau khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc (ngày 17-2-1979), tôi đang lao động ở Hợp tác xã thủ công nghiệp gạch ngói Thọ Lộc, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thì số bạn cùng trang lứa đều có giấy gọi nhập ngũ.

gc6h_15a
Quân y Đồn Biên phòng Tà Pét, BĐBP Bình Phước khám bệnh cho đồng bào dân tộc S’tiêng, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Ảnh: Duy Hiền

Riêng tôi, vì đã có anh trai đang công tác trong Quân đội nên được miễn gọi nhập ngũ. Biết đợt tuyển quân lần này sẽ đưa vào Khe Sanh, huyện Hướng Hóa để thành lập Tiểu đoàn Cơ động Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Bình Trị Thiên. Đấy là hướng chiến lược của Bộ Tư lệnh CANDVT và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Trị Thiên, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn lậu, vượt biên trái phép qua biên giới đang ngày một nóng lên trên tuyến biên giới Việt - Lào, giữa hai tỉnh Savannakhet và Quảng Trị (Bình Trị Thiên).

Rất nhiều thanh niên ngày ấy rất mê được nhập ngũ vào CANDVT. Tôi cũng vậy nên đến nhà ông Xã đội trưởng nì nèo. Ông nheo nheo mắt nhìn tôi nói:

- Nhà cháu có anh trai đang ở bộ đội, gia đình lại quá nghèo và chỉ còn mình cháu là con trai, nếu cháu đi nữa thì ba cháu làm sao cáng đáng nổi mọi việc. Thôi, cháu cứ yên tâm ở nhà lao động phụ giúp ba, đợt sau chú cho đi cũng chưa muộn.

- Nhưng cháu rất thích đi đợt này, chú ạ. Chú xin cho cháu đi đợt này nhé!

Nhìn ngoài sân có đống gốc phi lao và cái búa để bên, tôi chạy ra xắn tay áo hì hụi bổ hết. Vợ ông Xã đội trưởng nhìn tôi cười nói:

- Thằng này được đấy, ông ạ. Thanh niên nhiệt tình, khỏe mạnh, chịu khó như hắn tốt cho Quân đội. Hắn thích thế thì ông xin cho hắn đi đợt này. Thanh niên vậy mới đáng mặt!

Đúng là “lệnh ông không bằng cồng bà”. Ông Xã đội trưởng nghe lời vợ vội vàng đạp xe vào Ban Chỉ huy Quân sự huyện xin cho tôi đi bộ đội. Được chấp thuận, ông Xã đội trưởng quay về bổ sung thêm tôi vào danh sách được tuyển quân đợt này. Tôi cầm giấy sức khỏe của ông đưa, mừng quá chạy ra đường đón xe vào Bệnh viện huyện khám sức khỏe. Chỉ hơn một giờ đồng hồ, tôi đã khám qua các phòng chuyên khoa của Bệnh viện huyện. Cầm giấy sức khỏe, kết quả tốt, tôi mừng rơn vội quay về lễ phép đưa cho ông Xã đội trưởng. Ông vỗ vỗ vai tôi:

- Thế là mọi việc đã xong nhé. Về nhà lựa lời động viên ba cháu. Vào bộ đội nhớ rèn luyện, học tập cho tốt đấy! Sáng mai, đúng 8 giờ, cháu phải có mặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện để làm lễ giao quân. Nhớ có mặt đúng giờ nghe cháu!

- Dạ, cháu nhớ rồi, cảm ơn chú nhiều!

Thực ra, không phải đến lúc đó tôi mới có mơ ước trở thành chiến sĩ CANDVT. Ước mơ cháy bỏng đó có lẽ bắt đầu từ những trang sách truyện. Khi đang còn học cấp 2 trường làng, tôi đã là con “mọt sách”. Nhà nghèo, không có tiền mua sách, tôi đi mượn của các anh chị, bạn bè về đọc. Những cuốn truyện anh trai mình mượn về đọc xong chưa kịp trả, tôi lại mượn tiếp để đọc. Có lúc, cả hai anh em cùng đọc một quyển truyện. Công việc nhiều, tôi phải tranh thủ đọc mọi lúc, mọi nơi. Đi hái củi tôi cũng mang theo sách để đọc lúc rảnh tay. Vừa nấu cơm, tôi vừa đọc sách là chuyện thường. Tôi còn lén đọc sách trong cả giờ học. Đêm đến, khi cả nhà đã ngủ rồi thì tôi và anh trai còn cắm cúi đọc sách bên ngọn đèn dầu hỏa vàng hoe. Có lúc, tôi vừa ăn cơm, vừa để cuốn sách bên mâm cơm, thỉnh thoảng ghé mắt đọc. Đôi khi, mải xem sách, tôi quên cả nhai cơm, bị ba mắng cho.

Tôi thích nhất những cuốn sách viết về CANDVT như Nhóm rắn lục; Bên dòng Păng Pơi; Thiếu tá đặc nhiệm; Dưới chân núi Trắng... Được cái, tôi có trí nhớ tốt, đọc đâu thuộc đấy. Có lần, tôi đọc vanh vách một đoạn văn trong truyện Nhóm rắn lục cho đám bạn thân nghe, đứa nào cũng trầm trồ thán phục.

Rất tự nhiên, tôi yêu người lính Biên phòng qua những câu chuyện kể, cuốn sách và cả khi gặp các anh ở ngoài đời. Còn điều này nữa, tôi muốn vào CANDVT để được học võ. Võ đánh kẻ thù và võ phòng thân. Với tôi, cả hai đều cần thiết.

Những năm tháng gia nhập BĐBP giúp tôi được chứng kiến và trải qua nỗi gian truân, vất vả, khó khăn của chiến sĩ nơi cửa ngõ, phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi độ Xuân về, Tết đến, người lính Biên phòng thường có mặt trên mỗi cột mốc, đường biên. Trong sương lạnh, mưa lũ, gió ngàn..., các chiến sĩ Biên phòng vẫn vững tay súng giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, giữ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân...

Là cộng tác viên Tạp chí Văn nghệ - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Báo Bình Phước, Báo Quân đội nhân dân, Báo Biên phòng và Báo điện tử Quân khu 7..., tôi đã có dịp được đến và viết về cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Phước. Từng là người lính Biên phòng, những bài viết của tôi về các anh rất chân thực, tự nhiên, không nhân cách, tô phóng màu mè... Trong mỗi bài viết có cả sự yêu thương, trân trọng những hành động, việc làm thắm thiết nghĩa tình quân - dân của các anh nơi vùng biên, cửa khẩu...

Đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu, tôi đã có bút ký Ấm áp vùng biên đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Đến Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tôi đã có bút ký Hoa Lư, cửa khẩu biên giới bình yên đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Đến Đồn Biên phòng Đắc Quýt, tôi đã có bài Tận tâm lo cho dân và Gắn bó với biên cương sẵn sàng nhận việc khó đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Đến Đồn Biên phòng Tà Pét, Đồn Biên phòng Đắc Quýt và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP tỉnh, tôi có bài Nhân viên Quân y tận tụy; Thượng úy Điểu Bưa tận tụy với công việc... đăng trên Báo Bình Phước. Đến Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP tỉnh, tôi có bài đăng trên số Tết Xuân Kỷ Hợi của Tạp chí Văn nghệ Bình Phước.

Một số bài thơ Bếp lửa vùng biên; Dưới ánh sao đêm; Lửa nồng biên cương; Lớp học vùng biên; Thức những vì sao... đã được đăng trên Báo Bình Phước, Báo Biên phòng và Báo Dân tộc phát triển. Tôi cũng đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết “Trăng lạnh”, viết về BĐBP Bình Trị Thiên, gửi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân...

Đã 40 năm tôi vinh dự là người lính Biên phòng. Trải qua những năm tháng ấy, đối với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp vẫn luôn sống động, không bao giờ phai nhạt. Tôi vẫn đau đáu viết về người lính Biên phòng, trong đó có một chút hình bóng của mình, ve áo một thời sáng đôi quân hàm xanh màu cây lá.

Duy Hiền

Bình luận

ZALO