Biên phòng - Chính trị viên phó Đồn BP Cửa Tùng Ma Văn Trình đưa tôi đi một vòng quanh doanh trại của đơn vị. Doanh trại khang trang, đầy đủ tiện ích: Có nhà công vụ của sĩ quan và chiến sĩ, có nhà ăn, nhà nghỉ, phòng khách, hồ cá, cây cảnh... và cả vườn tăng gia rau củ, quả. Màu sơn xanh của cửa, sơn trắng của tường, mái đỏ của ngói làm cho doanh trại trở nên mát mắt, hòa đồng với những biệt thự, khách sạn kéo dài theo bờ biển của khu du lịch Cửa Tùng.
![]() |
Đôi bờ Hiền Lương trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu |
Thời thuộc Pháp, họ đã khéo chọn nơi này làm trại lính. Đây là điểm cao nhất của cửa biển Cửa Tùng. Bằng mắt thường có thể quan sát một vùng không gian rộng từ cửa biển lên Vĩnh Giang, qua Cát Sơn, Thủy Bạn và một vùng biển mênh mông phía Đông. Không một tàu thuyền nào vào ra cửa biển mà thoát khỏi con mắt quan sát của người lính nơi đây. Nếu đặt mắt vào một ống nhòm thì vùng quan sát được càng rộng lớn gấp bội. Vì ở cửa sông, mép biển, có độ cao nên Đồn BP Cửa Tùng luôn giàu gió mát. Thì ra người Pháp không chỉ chọn địa điểm đắc dụng cho quân sự, mà còn là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời.
Ngày 9-10-1954, tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Hà Nội không còn bóng giặc. Trước đó, ngày 25-8-1954, tên lính Pháp cuối cùng cũng đã rút khỏi cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh sạch bóng quân thù. 100 cán bộ, chiến sĩ, tiền thân của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Vĩnh Linh, đã tiếp quản nơi này và khu vực giới tuyến. Sau đó, 20 chiến sĩ cùng nhân dân địa phương đã dọn dẹp những gì tan nát của đồn binh Pháp ở Cửa Tùng, xây lên tại đó Đồn CANDVT.
Đến tháng 11-2014, Đồn CANDVT Cửa Tùng đã trải qua 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Trong chiến đấu, đồn đã được Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ tuyên dương: "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" (ngày 3-9-1973). Những thành tích mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây đạt được có thể viết thành một cuốn sách nửa nghìn trang giấy: Chỉ tính đến năm 1959, các chiến sĩ Công an Cửa Tùng phối hợp với Công an giới tuyến chặn bắt 22 tên gián điệp Mỹ - Diệm tung ra miền Bắc, chặn bắt 7 tên phản động âm mưu vượt tuyến vào Nam.
Họ đã cùng với quân dân 3 xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Tân đánh hàng chục trận máy bay và tàu chiến địch, thành lập Đội thuyền 26 chi viện cho đảo Cồn Cỏ và đưa đón hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng quân trang, quân dụng vào Nam chiến đấu... Nhiều chiến công đã trở thành huyền thoại.
Nhà văn Xuân Đức có lần nói với tôi: "Thời kỳ chiến tranh khốc liệt ấy, người Vĩnh Linh miềng thường nói với nhau: Chết không có gì lạ, sống mới là lạ". Vậy mà, cán bộ, chiến sĩ Đồn Cửa Tùng sống trong vùng bão đạn ấy, là nơi đầu sóng ngọn gió, họ không những chịu bom đạn từ máy bay quân thù dội xuống, từ các căn cứ địch phía Nam bắn ra, mà còn trực tiếp chịu pháo hạm cực mạnh từ Hạm đội 7 của Mỹ và tàu chiến của quân lực Việt Nam cộng hòa bắn vào. Không những họ sống được, bám trụ được, mà còn đánh trả địch và luôn giành chiến thắng.
Trong phòng truyền thống của đồn hiện trưng bày nhiều hiện vật minh chứng cho truyền thống hiển hách của đơn vị, trong đó có một cây súng bộ binh và một chiếc mũ phi công Mỹ. Đó là cây súng được các chiến sĩ Đồn CANDVT Cửa Tùng sử dụng, ngày 27-7-1966 bắn rơi chiếc máy bay ném bom B57. Đây là một trong những máy bay phản lực hiện đại của không quân Mỹ. Phi công nhảy dù và bị bắt, để lại trong phòng truyền thống của đơn vị chiếc mũ bay bị trầy xước nhiều vết.
Tôi được tiếp chuyện Đại tá Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, một trong những chiến sĩ đầu tiên trong lực lượng CANDVT giới tuyến. Năm nay ông đã 85 tuổi, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng, đặc biệt là trí nhớ cực kỳ minh mẫn. Có thể nói, ông là một từ điển sống của lực lượng CANDVT Quảng Trị.
Khi tôi hỏi về Đồn Công an Cửa Tùng, hình như chạm vào những kỷ niệm lung linh lắm trong ông. Ông nói trong tình cảm xúc động: Đúng là cán bộ, chiến sĩ mình ở đó, trong chiến tranh và trong thời bình, nhiều chiến công, nhiều thành tích lắm. Được như vậy, đúng như Đảng ta đã xác định, trước hết là yếu tố con người. Một trăm chiến sĩ đầu tiên của Công an giới tuyến được tuyển chọn từ những chiến sĩ ưu tú của các Đại đội 340, 348 bộ đội địa phương các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và chiến sĩ quân đội, Công an nhân dân Quảng Trị.
Riêng cán bộ, chiến sĩ Đồn liên hợp Cửa Tùng, vì thường xuyên làm việc với cảnh sát Việt Nam cộng hòa nên được Bộ trực tiếp duyệt lý lịch từng người. Chúng tôi được học tập và rèn luyện rất kỹ càng, chu đáo. Ngoài kiến thức quân sự và chính trị, học các kỹ năng ngoại giao như: Đi đứng, chào hỏi, bắt tay, nâng cốc, cụng ly... và cả ca hát, đánh bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng...
Sau kháng chiến 9 năm chống Pháp, đời sống của nhân dân miền Bắc và của cán bộ, chiến sĩ ta gặp rất nhiều khó khăn. Thời kỳ đó, viện trợ Mỹ đổ vào miền Nam ồ ạt, hàng hóa thị trường đột nhiên phong phú. Cảnh sát bờ Nam sinh hoạt, cá thịt, bơ sữa dư thừa, nhưng chiến sĩ ta bên bờ Bắc không hề thèm khát. Họ sống đúng nghĩa "phú quý bất năng di". Ngược lại, hình ảnh chiến sĩ ta có sức thuyết phục với cảnh sát đối phương. Có lần một cảnh sát đối phương đã thốt lên: Tôi tưởng các ông chỉ có biết đánh trận và cày ruộng, không ngờ...
Có trường hợp như cảnh sát Hồ Thắng được Công an Cửa Tùng thuyết phục đã giác ngộ, khi đổi lên đồn Võ Xá, 3 giờ sáng ngày 18- 11-1966, đã vượt tuyến về với cách mạng, mang theo 1 khẩu súng Tôm-xơn, 1 các-bin, 2 súng ngắn, 1 máy vô tuyến điện, 1 cặp tài liệu mật. Ngày 28-4-1962, một đoàn xe chở cố vấn Mỹ và trung tướng Trần Văn Đôn, bộ trưởng quốc phòng của chính quyền Ngô Đình Diệm xâm nhập trái phép vùng khu khu phi quân sự ở đồn Cát Sơn. Hai chiến sĩ CANDVT là Nguyễn Xuân Dưỡng và Nguyễn Trịnh Vinh đã trực tiếp dùng những lời lẽ pháp lý đuổi chúng khỏi vùng khu phi quân sự.
Ở bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì, các chiến sĩ Đồn Cửa Tùng vẫn là những chiến sĩ trung kiên, anh dũng tuyệt vời. Hai chiến sĩ, đảng viên Mai Văn Toàn (quê ở Hải Ba, Hải Lăng) và Phan Văn Sinh (quê ở Hương Điền, Thừa Thiên Huế) được điều vào chiến trường, lập được nhiều chiến công, hy sinh anh dũng trong chiến đấu, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng viên Lê Văn Đường (quê ở Gio Mỹ, Gio Linh) vào chiến trường bị địch bắt, bị đày ra Phú Quốc, bị tra tấn dã man vẫn quyết không khai báo, không đầu hàng, giữ tròn khí tiết người đảng viên của Đảng cho đến ngày chiến thắng trở về.
Chỉ lên bảng vàng ghi bút tích của Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Cửa Tùng ngày 2-2-1973, Chính trị viên phó Ma Văn Trình nói, sau khi "thay mặt Trung ương Đảng khen ngợi các đồng chí đã có trách nhiệm giương cao ngọn cờ anh dũng", Tổng Bí thư Lê Duẩn có lời: "Chúc các đồng chí giữ vững truyền thống tốt đẹp." Lời chúc đó được nhận thức là yêu cầu, là mệnh lệnh của Đảng. Lớp cán bộ, chiến sĩ bây giờ đã sống ngày càng xứng đáng với lòng mong đợi của Tổng Bí thư Lê Duẩn, với lớp cha anh thời kỳ trước.
Nhìn về phía xa xôi của một chiều biển lặng sóng, anh Trình nói: Thời bình, không còn áp lực của bom đạn, nhưng công việc vẫn cứ bộn bề. Ở nơi này vẫn là đầu sóng đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bão thường đến từ biển khơi, nơi đây hứng chịu sức mạnh tàn phá khủng khiếp nhất của nó. Trong những năm gần đây, những thế lực nước ngoài vẫn rập rình lấn đảo, lấn biển của ta ngoài đó. Chiến sĩ Biên phòng ở đây không bao giờ yên với lo toan cho sự an toàn của hơn 1.000 tàu thuyền đánh cá của dân, tình hình an ninh trật tự trong địa bàn và "sức nóng" lúc nào cũng có thể dội lên từ biển.
Tôi biết những phút nghỉ ngơi thanh nhàn của anh khi ngồi bên tôi lúc này là hiếm hoi, bởi quân số của đơn vị không ít, nhưng hầu hết không có mặt tại đơn vị. Họ đang bám địa bàn để góp sức xây dựng phong trào quần chúng vững mạnh, bảo vệ sự bình yên nơi một vùng đầu sóng. Bởi cũng có thể như một buổi trưa ngày 3-1-2014, khi đơn vị đang trong giấc ngủ trưa, đột nhiên có điện kêu cứu: Tàu đánh cá QB21024TS bị chìm ngoài biển khơi, cả đơn bị bật dậy, ra khơi, bất chấp nguy hiểm, sóng to gió lớn, cứu người và lai dắt tàu chìm vào bờ an toàn, trong sự cảm phục của ngư dân ở địa bàn...
Thời kỳ Đồn liên hợp Cửa Tùng mới xây dựng, tôi là một trong những người có mặt đầu tiên. Mạ và anh trai tôi chở cát sạn theo đường sông về góp công xây dựng đồn từ khi đổ móng tới khi xây tường, lợp ngói, đổ nền. Khi đó, tôi là một chú nhóc thường đến chơi với các chú. Tôi nhìn thấy cảnh sát bờ Nam đổi phiên qua làm việc bên ta, mặc áo ka-ki màu sáng, có tua kim tuyến quàng vai lấp lánh màu vàng, có ca-ra-vát, giày đen bóng lộn. Các chú CANDVT của ta chỉ mặc quần áo vải màu xanh, đội mũ cối, đi giày vải.
"Vì răng các chú không mặc đẹp hơn chúng nó?" - Tôi đã hỏi như vậy. Chú Dưỡng nói với tôi: Cháu đừng lấy đó làm buồn. Công an mình là Công an của Bác Hồ, Công an của dân, phải ăn mặc giản dị như nhân dân. Cảnh sát bờ Nam ăn ngon, mặc đẹp, nhưng dân mình bên đó có được ăn ngon, mặc đẹp đâu".
Đó cũng là nhận thức đầu tiên của tôi về CANDVT ở giới tuyến. Tôi cảm thấy thương yêu và cảm phục các chú. Tình cảm từ thời trẻ thơ sâu đậm tới mãi bây giờ. Về thăm lại Đồn CANDVT Cửa Tùng nơi đầu sóng, như trở lại mái nhà thân thuộc năm xưa, được hưởng một chiều thanh bình gió mát, được tự hào với những chiến công, những thành tích của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên nơi đây đã đổ máu, đổ mồ hôi để viết nên những trang truyền thống của đơn vị bằng vàng.