Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Ký ức của Tiểu đội trưởng Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương

Biên phòng - Trong những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Tưởng Thị Diên (sinh năm 1949), nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường cùng đồng đội tiến lên bắn hạ 15 máy bay của giặc Mỹ. Đơn vị của bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bức ảnh chụp Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên (người cầm súng) năm 1968. Ảnh: Tư liệu

Vào những năm 1965-1972, đế quốc Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc nhằm chặt đứt nguồn chi viện cho chiến trường miền Nam của quân và dân ta. Mỗi ngày, có hàng chục tốp máy bay đánh phá nhà cửa, căn cứ, kho thóc và một số tuyến đường vận chuyển huyết mạch của ta. Lúc bấy giờ, xã Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là một trận địa huyết mạch. Thế trận ở đây vừa có rừng, lại có biển, địa thế cách trở bởi đèo Ngang, bởi vậy, quân Mỹ ra sức oanh tạc hòng chiếm trận địa này.

Để ngăn chặn những trận đánh phá điên cuồng của quân đội Mỹ, năm 1966, Xã đội Kỳ Phương thành lập một tổ thanh niên xung phong gồm 13 người: 9 nữ và 4 nam; nam trực pháo và nữ đánh phòng không. Đến năm 1967, tổ chia tách thành Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương với 9 thành viên tham gia trực đánh phòng không và tổ nam gồm 4 thành viên tham gia đánh tàu khu trục hạm. Từ đó, Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương ra đời gồm 9 cô gái tuổi từ 17 đến 19. Sau khi thành lập, Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương do Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên chỉ huy được biên chế 1 khẩu trung liên có nhiệm vụ tham gia đánh phòng không. Đến năm 1968, Tiểu đội được biên chế 3 khẩu súng 12,7mm để bắn máy bay địch.

Từ tháng 7-1968, đế quốc Mỹ liên tục cho máy bay đánh phá miền Bắc và miền Trung. Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương và các lực lượng khác cũng bắt đầu tổ chức đánh máy bay địch. Với chiến thuật “bắn chẻ đầu”, từ ngày 26-7 đến ngày 21-8-1968, Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên đã chỉ huy chị em trực tiếp bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 12 máy bay. Các cô gái đã chiến đấu kiên cường suốt 180 ngày đêm, đánh 170 trận lớn, nhỏ, bảo vệ an toàn các mục tiêu giao thông, trận địa pháo cao xạ, pháo bờ biển. Sau đợt này, Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Sau khi nhận quân khí, chúng tôi được bộ đội chính quy về hướng dẫn cách bắn súng. Họ phát cho 3 viên đạn vạch đường rồi thả dù bay lên để chúng tôi ngắm bắn. Sau nhiều lần bắn trúng đích, chúng tôi ra trận địa thực chiến. Tuy nhiên, để có thể bắn rơi được máy bay quân địch, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ chiến thuật. Phải chờ khi nào máy bay địch xuống thấp nhất thì bắt đầu ngắm bắn để đạn có thể găm thẳng vào máy bay Mỹ” - bà Diên nhớ lại.

Giọng bà bất chợt chùng xuống khi nhắc đến cô em út của Tiểu đội là Hoàng Thị Văn - người duy nhất trong 9 cô gái đã hy sinh. “Đó là mất mát lớn nhất của Tiểu đội trong những ngày chị em sát cánh cùng nhau chiến đấu. Sau nhiều lần bắn rơi máy bay địch, chúng tôi bị quân Mỹ phát hiện và quay lại tập kích. Chúng điên cuồng tìm nơi chúng tôi ẩn nấp và liên tục thả bom. Toàn bộ căn hầm trú ẩn bị đánh sập, cả 9 chị em đều bị thương. Văn là người bị nặng nhất và nhanh chóng được đưa về trạm quân y điều trị, nhưng không qua khỏi. Thật đau xót...” - câu nói của bà Diên chợt đứt quãng, bà đưa tay lau nhanh giọt nước mắt.

Năm 1968, trong một lần về thăm Hà Tĩnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe chuyện về Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương đã tặng Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên chiếc bi đông đựng nước làm kỷ niệm. Bà Diên cũng là người vinh dự được thay mặt Tiểu đội đi gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Bà là một trong 5 người được báo cáo thành tích với Bác. Sau khi nghe bài phát biểu về thành tích của Tiểu đội, Bác Hồ liền gật đầu: “Người nhỏ như hạt mít mà đánh giặc giỏi ghê” và Người gửi tặng mỗi cô một Huy hiệu Chiến sĩ giải phóng.

Bà Tưởng Thị Diên xem lại bức ảnh chụp 9 cô gái trong Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương anh hùng. Ảnh: Phan Trâm

Sau ngày đất nước giải phóng, Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục xây dựng quê hương. Đến nay, người còn, người mất, người đi làm ăn xa, nhưng những người ở lại quê hương vẫn thường xuyên gặp nhau hàn huyên chuyện cũ, cùng góp quỹ để hỗ trợ, giúp đỡ nhau vay vốn làm ăn, sản xuất. Riêng Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên tiếp tục tham gia các hoạt động tại địa phương. Bà làm Bí thư Đoàn xã rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kỳ Phương. Đến thời kỳ nghỉ hưu, bà Diên vẫn tích cực đóng góp, đi đầu trong các phong trào. Năm 2010, khi địa phương thực hiện di dời tái định cư, bà Diên tích cực vận động bà con thực hiện chủ trương này. Bà là một trong những người đầu tiên tự nguyện dỡ bỏ hàng rào để hiến đất xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chiến công oanh liệt, lẫy lừng của Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương và người Tiểu đội trưởng anh hùng ngày nào trong những năm tháng ác liệt nhất của đất nước, vẫn còn vang vọng mãi cho đến bây giờ. Trở về với đời thường, bà Tưởng Thị Diên tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương giàu mạnh. Tấm lòng của người Tiểu đội trưởng ấy thật đáng quý, đáng trân trọng và là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Khánh Chi

Bình luận

ZALO