Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 09:22 GMT+7

Ký ức của người lính Sư đoàn 10 về những ngày tháng Tư lịch sử

Biên phòng - Chiến tranh đã đi qua 44 năm, vào đúng những ngày tháng 4 lịch sử này, 5 cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi, thế hệ đi sau không biết tới chiến tranh, nhưng may mắn được trò chuyện với những người lính năm xưa tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ký ức của những người lính Sư đoàn 10 anh hùng về những trận đánh khốc liệt ngay cửa ngõ Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí họ…

d3jt_1a
Đội hình xe tăng, xe thiết giáp của Trung đoàn xe tăng 273 cùng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 chiếm giữ Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sáng 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 10 được Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một trong 5 mục tiêu trọng yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là một sân bay dân sự đơn thuần, mà còn là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn Dù, Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân ngụy.

Vào những ngày cuối tháng 4-1975, sân bay Tân Sơn Nhất như một trại lính khổng lồ. Việc phòng thủ ở đây ngoài lực lượng bảo vệ có từ trước, quân ngụy còn tăng cường thêm lực lượng của Lữ đoàn Dù 2 và lính biệt khu Thủ đô. Xung quanh sân bay, chúng dựng lên rất nhiều hàng rào và các lô cốt nhằm bảo vệ bằng được mục tiêu quân sự quan trọng này. 

Sự có mặt của Trung đoàn 24 cùng một lực lượng lớn xe tăng của ta ngay trong nội đô Sài Gòn đêm 29-4 làm cho địch hết sức bất ngờ, hoảng sợ. Ngay trong ngày 29-4-1975, Sư đoàn 320, thuộc Quân đoàn 3 đã tiêu diệt được Sư đoàn 25 ngụy và chiếm được căn cứ Đồng Dù. Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đã áp sát sân bay Tân Sơn Nhất nên Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy trở thành nhiệm vụ chính của Quân đoàn 3, không phải nhiệm vụ hợp đồng với Quân đoàn 1 như kế hoạch ban đầu. Sư đoàn 10 vinh dự được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 giao trọng trách này. 

h5up_4a
Những cựu chiến binh của Sư đoàn 10 gặp nhau sau hơn 40 năm xa cách. Ảnh: Kim Nhượng

Ông Nguyễn Đình Thi nhớ lại: “Ngay trong đêm 29-4-1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 10 quyết định giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy cho Trung đoàn 28. Mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh của sư đoàn vào 2 mục tiêu này được gấp rút chuẩn bị ngay trong đêm. Sở chỉ huy dã chiến của Sư đoàn 10 do Sư đoàn trưởng Đoàn Hồng Sơn chỉ huy trong ngay đêm cũng cơ động áp sát phía sau đội hình Trung đoàn 24. Ngay từ mờ sáng 30-4, mũi thọc sâu của Trung đoàn 24 là Tiểu đoàn 5 cùng xe tăng bắt đầu đột phá đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền. Tại ngã tư này, địch tổ chức phòng thủ khá vững chắc, lính dù, lính biệt khu Thủ đô được bố trí dày đặc ở cả dưới đất và trên các nóc nhà. Chúng bố trí nhiều hỏa lực mạnh như hỏa tiễn chống tăng X202, M72 và các loại xe tăng phục sẵn ở những vị trí có vật che khuất, che đỡ xung quanh ngã tư. Cuộc đột phá ở ngã tư Bảy Hiền diễn ra rất quyết liệt. Gần một giờ chiến đấu quyết liệt, Trung đoàn 24 mới chiếm được ngã tư này và nhanh chóng đánh về hướng cổng sân bay Tân Sơn Nhất”.

Cũng theo lời kể của ông Thi, tại Lăng Cha Cả, phía trước cổng số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 và Trung đoàn 273 với địch. Có thể nói, đây là trận đánh ác liệt nhất giữa ta và địch trong ngày 30-4, tại Sài Gòn. Tới 11 giờ, ngày 30-4, các cánh quân của Trung đoàn 24 mới làm chủ được sân bay. 

Trong lúc cuộc chiến đấu của Trung đoàn 24 ở Lăng Cha Cả diễn ra quyết liệt, xe tăng ta bị địch bắn cháy trên đường Võ Tánh chặn mất lối sang Bộ Tổng tham mưu ngụy. Chỉ huy Trung đoàn 28 quyết định chuyển hướng tấn công, đánh theo đường Trương Minh Ký qua nhà thờ Tân Sa Châu rẽ sang đường Thái Ngọc Hậu rồi ngoặt vào đường Võ Tánh để tiến vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. 9 giờ 40 phút, phân đội đi đầu của Trung đoàn 28 là Đại đội 10 cùng xe tăng ra tới đường Võ Tánh thì bị 3 xe tăng địch phục ở phía trước cổng Bộ Tổng tham mưu ngụy bắn chặn quyết liệt, bộ binh địch ở trên các nóc nhà 2 bên đường bắn xối xả vào đội hình Đại đội 10. 

Bất chấp nguy hiểm, Đại đội 10 do Chính trị viên Lê Công Vững chỉ huy đã triển khai đội hình chiến đấu thành 2 mũi tấn công. Một mũi cùng xe tăng đánh vào khu vực bệnh viện, một mũi vượt lên đánh vào khu vực ngã ba đường Võ Tánh. 

Sau 20 phút chiến đấu quyết liệt, 1 xe tăng M48 của địch bị bắn cháy, một số lính dù phòng thủ ở đây cũng bị tiêu diệt. Thấy vậy, số xe tăng, xe thiết giáp của địch còn lại hoảng sợ bỏ chạy. 

Thừa thắng, Đại đội 10 cùng xe tăng truy kích đánh thẳng về hướng Bộ Tổng tham mưu ngụy. Địch dùng xe tăng và bộ binh bịt cổng chính và dùng một mũi từ phía Nam tới phản kích. Xe tăng 819 do Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy dẫn đầu đội hình xông thẳng vào trận địa phòng ngự của địch tấn công, bắn cháy 1 xe tăng M48 và 1 xe thiết giáp M113. Một đại đội địch thấy vậy vội vã buông súng đầu hàng, số còn lại hoảng loạn tháo chạy.

Khoảng 10 giờ, Trung đoàn tổ chức thành 2 mũi tấn công vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Mũi thứ nhất gồm 2 xe tăng và 1 xe bọc thép K63 cùng một trung đội bộ binh của Đại đội 10 đánh vào hướng Đông Nam Bộ Tổng tham mưu ngụy. Mũi thứ 2 gồm 3 xe tăng, 5 xe K63 cùng bộ binh đánh thẳng theo cổng chính vào bên trong. Toàn bộ quân địch bảo vệ tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy đã nhanh chóng bị tiêu diệt, số sống sót bỏ chạy. Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, Trung đoàn 28 đã chiếm xong tòa nhà Tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu ngụy và cắm cờ tại đây. 

 “Tôi còn nhớ, 17 giờ, ngày 29-4-1975, sau khi tiêu diệt toàn bộ quân địch chặn suốt từ Dầu Tiếng, Củ Chi, Hóc Môn trên một chặng đường dài tới 60km, mũi thọc sâu của Sư đoàn 10 là Trung đoàn 24 đã áp sát sân bay, chốt giữ tại ngã ba Bà Quẹo. Đây là mũi thọc sâu có mặt ở nội đô Sài Gòn sớm nhất trong 4 cánh quân đánh vào Sài Gòn trong ngày 29-4-1975” – Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi, nguyên cán bộ Sư đoàn 10 kể.

Cũng tại Bộ Tổng tham mưu ngụy, cánh quân của Sư đoàn 390B, Quân đoàn 1 đánh vào cổng sau. Khi tiến đến tòa nhà chính của Bộ Tổng tham mưu ngụy thì đã thấy Sư đoàn 10 chiếm xong và đang chốt giữ tại đây.

Vào những ngày của tháng 4 lịch sử này, những người lính của Sư đoàn 10 năm xưa lại tổ chức gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm về một thời sống và chiến đấu kiên cường.

Những mái đầu đã bạc trắng, người còn lành lặn, người để lại một phần cơ thể của mình nơi chiến trường, có người mãi mãi không trở về, tuổi thanh xuân của họ hòa vào đất trời Tổ quốc. 

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi khi quay lại Tây Nguyên để thăm chiến trường xưa, thắp nén hương thơm cho đồng đội tại khu tưởng niệm của sư đoàn, kính cẩn nghiêng mình những ngôi mộ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10, ông nói: “ Ở dưới kia là cả một sư đoàn đang ngủ yên trong lòng đất”.

Kim Nhượng 

Bình luận

ZALO