Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Kỹ thuật đan mâm cơm của người Cơ Tu

Biên phòng - Trong những lần đến các thôn, làng của đồng bào Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam, chúng tôi rất ấn tượng với một vật dụng thông thường nhưng rất độc đáo, đó là chiếc mâm đan bằng mây và lồ ô dùng để bày các món ăn trong bữa cơm hằng ngày của gia đình...

djke_8a
Nghệ nhân Bh’ling Bai trình diễn kỹ thuật đan mâm cơm bằng mây. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn 

Mới đây, trong một lần lên xã Lăng, huyện Tây Giang công tác, chúng tôi được chị Coor Thị Hơn - Chuyên viên Văn phòng Thống kê xã Lăng giới thiệu anh Bh,ling Bai (59 tuổi), ở thôn Pơ Ning, người được đồng bào Cơ Tu vùng cao Tây Giang tôn vinh là nghệ nhân đan mâm cơm giỏi và đẹp nhất vùng. Anh Bh,ling Bai cho biết, người Cơ Tu sinh sống trong rừng thường có nhiều cây mây, tre, lồ ô, nứa, giang... Từ các nguyên liệu đó, đàn ông Cơ Tu có thể tạo ra nhiều sản phẩm được làm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên phục vụ  nhu cầu sinh hoạt trong gia đình như: Gùi đựng lúa, gùi củi, gùi măng, gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm... đến nia, nong, rỗ, gùi ba ngăn. 

Đặc biệt, mâm cơm (tiếng Cơ Tu gọi là a pâ) được làm kỳ công và mất nhiều thời gian nhất. Chiếc mâm cơm thường được đan bằng cây mây và cây lồ ô (đan bằng cây mây gọi là a pâ mây, còn đan bằng cây lồ ô thì được gọi là a pâ lồ ô). Người Cơ Tu xem chiếc mâm là vật dụng thân thiết và không thể thiếu để bày các món ăn truyền thống trong bữa cơm hằng ngày của gia đình. Trong ngày tết, lễ hội truyền thống, họ dùng mâm cơm để các lễ vật, đồ cúng tế tổ tiên, ông bà. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ xưa, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam làm ra những chiếc mâm cơm xuất phát từ nghề đan lát truyền thống, là nét văn hóa của dân tộc mình. Nhưng không phải người đàn ông Cơ Tu nào cũng đan cùng một lúc hai loại mâm cơm bằng mây và bằng lồ ô. Để tạo ra hai loại mâm cơm này, thì từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng thành sản phẩm, bà con phải mất nhiều thời gian lặn lội vào tận rừng sâu mới tìm chọn được những cây mây cám, mây nếp, mây song đạt yêu cầu. Họ leo lên cây cao, tìm những cây có màu vàng hoặc xanh và những cây lồ ô già, thẳng, không bị kiến đục lỗ, rồi đem về làm nguyên liệu.

Để đan được một chiếc mâm cơm bằng mây như ý, đòi hỏi người đan phải kiên trì, chịu khó, nhất là khâu chọn cây mây. Mây khai thác từ rừng về, được chặt ra từng đoạn dài khoảng 3 đến 4m, gác dọc trên xà nhà, khi cần mới lấy xuống, đem nhúng nước, chẻ ra thành những sợi mây đều, chuốt bóng. Khi đan, tiếp tục ngâm nước cho sợi mây mềm thì mới dễ đan. Và với chiếc mâm cơm đan bằng lồ ô, sau khi đã lột được cật của cây lồ ô, người đan dùng dao vót những đường cật thật tinh xảo và khéo léo cho từng sợi nan, rồi bỏ trên giàn bếp. Khi đan, lồ ô được lấy xuống vót lại cho thật phẳng phiu, vừa bóng. Vì nếu không lựa được những sợi mây đều, hay phần cật của sợi nan lồ ô kém phẳng phiu thì khi đan xong, chiếc mâm không đẹp và rất nhanh bị hỏng. 

Công đoạn gầy nan để đan cho hai loại mâm cơm này thì phải đúng tâm mặt mâm đến cách tạo hoa văn hình tứ giác, trong đó, kỹ thuật xâu xiêng thì người đan đã nghĩ trong đầu trước đó. Đây là kỹ thuật phức tạp và ít người đàn ông dân tộc Cơ Tu nào làm được trong quá trình đan hai loại mâm cơm này. Hoa văn tạo sự luân chuyển không ngừng trong mặt mâm, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường đan, tạo ra đường hoa văn nổi và những dãy hoa văn hình tứ giác tiếp nối nhau độc đáo. Đến công đoạn buộc dây mây tạo viền cho mâm cơm đòi hỏi độ khó cao, cần sự tinh tế, khéo léo của người đan, không chỉ đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ, mà nó còn làm cho sản phẩm chắc chắn.

Nhìn chung, dù đan chiếc mâm cơm bằng mây hay bằng lồ ô thì mỗi chiếc mâm cơm đều có 2 phần chính: Mặt mâm và đế mâm. Bề mặt của hai loại mâm cơm này đều có hình tròn. Mâm cơm lớn hay nhỏ là tùy vào người đan và mục đích sử dụng. Mặt mâm cơm bằng mây thường có đường kính khoảng 58-60cm, còn mặt mâm bằng lồ ô có đường kính khoảng 60-62cm. Phần lòng của hai loại mâm này được bố trí lõm xuống, còn viền bao xung quanh nhô lên một chút so với lòng mâm. Đường viền của cả hai loại mâm cơm có thể dùng những sợi mây dẻo, dai để bọc vừa bền chắc, vừa đẹp. Đế của hai loại mâm cơm này cao khoảng 10cm. 

Theo anh Bh,ling Bai, đối với mâm cơm được đan bằng mây, sau khi hoàn thành, nó được quét lên màu vàng chế tác từ cây a hứ, rồi đặt lên bếp lửa để hong khói, tạo độ bền mà không bị mối mọt. Tuổi thọ của mâm cơm tùy thuộc vào chất lượng vật liệu, tay nghề của người đan. Nếu đan đúng kỹ thuật, chất liệu và người dùng đúng cách thì nó có thể sử dụng được trên 25 năm, thậm chí 30 năm. Còn mâm cơm bằng lồ ô, sau khi đan xong, nó được ngâm với nước muối một ngày để tạo màu trắng đẹp. Nếu mâm cơm chưa dùng ngay, có thể treo lên giàn bếp để xông khói chống mối mọt và đảm bảo cho chiếc mâm vừa khít các đường đan, láng bóng. Nhờ vậy, mâm cơm bằng lồ ô cũng có tuổi thọ sử dụng trên 20 năm.

Với người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam, từ bao đời nay, chiếc mâm cơm là vật dụng thân thiết và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Không chỉ là một vật dụng sinh hoạt, chiếc mâm cơm còn thể hiện tập quán sinh sống hòa hợp với thiên nhiên của đồng bào Cơ Tu, cũng là biểu hiện về tinh thần đoàn kết, bao bọc, gắn kết cộng đồng lẫn nhau trong cuộc sống.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO