Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

“Kỷ niệm về “Ngày Biên phòng toàn dân” luôn đọng mãi trong tôi”

Biên phòng - Mỗi khi hoa lê nở trắng biên cương miền Bắc, hoa cúc quỳ vàng rực dãy Trường Sơn, bông hoa súng tím nở rộ trên những dòng kinh miền Tây Nam Bộ và bờ biển gió chuyển hướng nồm nam, mang hơi ấm và vị mặn xa khơi là lúc cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước nói chung, khu vực biên giới nói riêng lại rộn ràng trong “Ngày Biên phòng toàn dân”. Và cũng vào những ngày đó, Thiếu tướng, Tiến sĩ Đặng Vũ Liêm - nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Đại biểu Quốc hội khóa X lại bồi hồi nhớ đến khoảnh khắc mừng vui của quân dân biên giới khi Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT, lấy ngày 3/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng”.

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm (đứng giữa) chụp ảnh cùng các đại biểu về dự “Đại hội thi đua quyết thắng BĐBP” năm 1999. Ảnh: tư liệu

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm chia sẻ, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, nên năm 1961, khi đang là học sinh lớp 9 (hệ 10 năm) của trường Phổ thông trung học Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, ông đã hăng hái xung phong nhập ngũ. Được điều động về nhận nhiệm vụ trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang, ông đã tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ để thi đỗ trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng).

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường làm giảng viên khoa Lịch sử Đảng rồi lần lượt trải qua các vị trí Tổ trưởng bộ môn, Phó khoa, Trưởng khoa Khoa học xã hội và được bầu là Đảng ủy viên dự khuyết của nhà trường. Năm 1987, để tăng cường cho biên giới phía Bắc, Bộ Tư lệnh điều động đồng chí Đặng Vũ Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cao Bằng và sau đó 1 năm giữ vị trí Bí thư Đảng ủy, Phó Chỉ huy về Chính trị BĐBP Cao Bằng.

Thời điểm đó, đời sống của nhân dân trên toàn tuyến biên giới Cao Bằng vô cùng khó khăn, thiếu thốn, tình trạng vượt biên trái phép mua hàng hóa về buôn diễn ra càng lúc càng phức tạp và khó kiểm soát, tình hình nội bộ cũng có nhiều vấn đề nổi lên. “Khi đó chúng tôi không chỉ lo bộ đội đói, khổ mà còn lo họ mất niềm tin. Mất niềm tin là mất tất cả. Mất dân, xa hơn là mất biên giới. Anh em trong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng xác định rõ là phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ: Vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vừa chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đồng thời, theo chỉ đạo của trên, BĐBP Cao Bằng đã thành lập thêm đồn Biên phòng đóng quân tại các xã biên giới, tăng từ 14 đồn lên 32 đồn và thành lập mới 5 Ban Chỉ huy Biên phòng huyện dọc theo tuyến biên giới”, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm nhớ lại.

Đầu mối đơn vị tăng song quân số đảm bảo còn rất mỏng, đồng chí Đặng Vũ Liêm và tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã phân công nhau thường xuyên đến các đơn vị để kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nảy sinh, cũng như nắm bắt tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Đích thân ông cũng đi đến từng đồn Biên phòng, tổ chức sinh hoạt chính trị, đối thoại trực tiếp để nghe anh em bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tự phê bình và phê bình, “hiến kế” giải pháp củng cố, xây dựng đơn vị. Đồng thời quán triệt nghiêm về việc đề cao tinh thần tập thể, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa chỉ huy các cấp và bộ đội và giữa những người lính với nhau.

Khi nội bộ đã ổn định, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị của đơn vị, ông phân tích tình hình và giải pháp ngăn chặn buôn lậu qua biên giới và nhận ra rằng việc gắn kết lại nghĩa tình quân dân cũng như phát huy vai trò của nhân dân trở nên cấp thiết và là nhiệm vụ trọng yếu của BĐBP Cao Bằng giai đoạn này. Chính từ ý chí và suy nghĩ thấu tình đạt lý đó, đồng chí Đặng Vũ Liêm đã tham mưu cho Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng xây dựng mô hình thí điểm “Giao đường biên mốc giới cho các xóm sát biên phối hợp cùng BĐBP quản lý, bảo vệ” tại xã Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Chỉ sau một năm, mô hình đã được nhân rộng ra toàn tỉnh. Điều ý nghĩa nhất là người dân nơi đây cho rằng bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của họ.

Từ thực tiễn của BĐBP Cao Bằng cùng một số tỉnh, thành khác, đã tạo tiền đề quan trọng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT, lấy ngày 3/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng”. Sau này, vào năm 2003, trên cương vị Phó Tư lệnh về Chính trị BĐBP, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã cùng với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham gia xây dựng thành công Luật Biên giới quốc gia, được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI, năm 2003 với việc thông qua Luật Biên giới quốc gia trong đó quy định ngày 3/3 là “Ngày Biên phòng toàn dân”.

Sau khi Luật Biên giới quốc gia chính thức có hiệu lực, sự phối hợp giữa BĐBP với các bộ, ngành trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” ngày càng đa dạng, phong phú, hiệu quả hơn và được chỉ đạo tập trung, thống nhất, thường xuyên, được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc với nhiều cách làm phong phú, đa dạng trở thành Ngày hội Biên phòng trên khu vực biên giới.

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm nhấn mạnh: “Để bảo vệ biên giới quốc gia, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho được “Biên giới lòng dân”, phải thực hiện tốt kế sách mà cha ông ta đã tổng kết, đó là: Giữ dân để giữ nước, giữ nước gắn liền với giữ dân”. 34 năm qua, tại hàng ngàn xóm, bản, khu dân cư ở khu vực biên giới, biển đảo, dịp 3/3 đã trở thành ngày hội của tình quân dân, của các sắc màu văn hóa và các hoạt động tri ân đối với những người đã có nhiều cống hiến cho mảnh đất “tiền đồn phên dậu”. “Ngày Biên phòng toàn dân” đã trở thành ngày cả nước hướng về biên giới, ngày hội thể hiện sức mạnh và quyết tâm của đồng bào các dân tộc nơi biên cương đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên cương giàu đẹp.

Và mỗi lần vui “Tết Biên phòng”, tôi lại nhớ đến nụ cười hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, khúc triết của vị tướng Biên phòng đã dành trọn một đời cống hiến cho biên cương Tổ quốc.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO