Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 08:30 GMT+7

Kỷ niệm những chuyến đi

Biên phòng - Làm báo là một nghề nguy hiểm. Nguy hiểm do đối tượng vi phạm pháp luật bị vạch trần báo thù; nguy hiểm do quá trình tác nghiệp ở địa hình khí hậu của các vùng đất đến công tác. Rồi chữ nghĩa, “sai một ly đi một dặm”. Mỗi chuyến đi có biết bao tình huống xảy ra, muôn hình vạn trạng. Nhưng trên hết, đó là kỷ niệm, là vốn sống cho những trang viết. Nguy hiểm nhưng có lẽ đó chính là niềm vinh dự của nghiệp báo.

 29312a.gif
Nhà thơ Đỗ Hoàng (thứ 2, phải sang) phỏng vấn đội công tác đỉnh Phù Quặc, Nghệ An.  Ảnh: P.K
“Tớ vẫn ngon”

Khi đến đồn Biên phòng Môn Sơn, nghe tin phải vượt qua 47 thác để đến được bản Búng, nơi tộc người Đan Lai sinh sống, tôi và nhà thơ Đỗ Hoàng nhìn sang nhau xem ý tứ thế nào. Thấy nhà thơ Đỗ Hoàng gật gật đầu, tôi yên tâm. Được cái, nhà thơ Đỗ Hoàng nguyên là lính chiến thời chống Mỹ, đã công tác ở Tây Nguyên một thời gian dài nên cũng yên tâm. Và, trong số các nhà văn mà tôi quen biết, có lẽ ít ai “máu” đi công tác nơi khó khăn gian khổ như anh.

Đường lên vượt 47 thác đã nguy hiểm nhưng có lẽ, khi xuống, sự nguy hiểm còn gấp nhiều lần. Khi lên, nếu có sao thì tốc độ của “nốc” cũng chậm, nếu có va đập cũng ít nguy hiểm hơn. Còn khi xuống, nước chảy xiết, va đập là cầm chắc bị nước cuốn đi. Khi đó, chuyện làm bạn “hà bá” là có thể xảy ra.

Khó khăn lắm chúng tôi mới lên đến được bản Búng. Mặc dù khi lên, mấy anh chỉ huy đồn Môn Sơn đã sắm cho mỗi người cái áo mưa nhưng vẫn bị ướt. May là máy ảnh và cuốn sổ tay phóng viên được bọc trong túi nilon nên vẫn tốt. Vì khi đi, nghe dự báo thời tiết xấu, có mưa nên sau khi làm việc xong, mấy anh em lại gói ghém “phương tiện tác nghiệp” rút về đồn. Nếu trời mưa, có lũ, chuyện nằm lại đồn dăm bữa nửa tháng là chắc.

Vì khi lên, gặp mưa nên khi xuống, nước chảy rất xiết. Chiếc nốc nhiều khi gần như lao xuống như tên bắn. Chiến sĩ đứng mũi, tay cầm chiếc sào, hết quơ bên này lại quơ sang bên kia chống cho chiếc nốc không lao vào vách núi. Chiếc đầu sào dập toe toét như búi rác. Tôi và nhà thơ Đỗ Hoàng, máy ảnh quàng cổ, cuốn sổ bọc trong túi nilon kẹp vào kẽ sàn còn hai tay, bám thật chặt vào hai bên mạn nốc thế mà vẫn lắc như lên đồng. Khi xuống được khoảng nửa quãng đường, đúng chỗ quặt gấp, mặc dù chiến sĩ lái nốc là tay kỳ cựu chạy “tuyến Búng” nhưng do lượng nước chảy xiết, chiếc nốc cứ nhằm vách núi mà lao vào. Phương án an toàn nhất lúc này có lẽ là tăng ga cho nốc lao vào dải cát phía đối diện.

Có một tình huống mà có lẽ từ lái nốc cho đến người đứng mũi chống sào không tính được đó là, ẩn bên dưới lớp cát vàng là những hòn đá gộc nằm kế bên nhau như chờ cơ hội như thế này. Chiếc nốc lao trượt lên dải cát rồi bị những tảng đá hộc “kê dưới đáy” giữ lại. Chiếc nốc nghiêng ra phía dòng chảy như muốn lật. Thấy thế, nhà thơ Đỗ Hoàng và tôi nhảy vội ra khỏi nốc để lên bờ. Khi nhà thơ Đỗ Hoàng nhảy ra khỏi nốc, không ngờ, nhảy phải đúng viên đá hộc có rêu, trượt chân ngã dọc theo nốc.

Ngã sấp dọc theo nốc nhưng nhà thơ Đỗ Hoàng vẫn kịp với tay bám lấy mạn nốc. Thế là cả nốc và anh Hoàng bị nước lôi đi trên những lớp đá đó. Thấy vậy, tôi vội nhảy ra, túm vội cổ áo anh Hoàng. Vì nước chảy mạnh, đá trơn, tôi ngã qụy đầu gối và anh Hoàng vừa gượng đứng dậy lại ngã sấp xuống dọc theo nốc. Lúc này, chiếc nốc đã vuột khỏi tay anh Hoàng. Đỡ anh Hoàng đứng lên. Thấy anh Hoàng nhăn nhó, lấy tay chống gối. Lại nhớ, mấy chuyến trước đi tìm dân, trên đường đi gặp lũ, đã có 3 cán bộ, chiến sĩ biên phòng hy sinh. Tôi vừa đỡ anh Hoàng vừa hỏi: Có sao không? Anh Hoàng kéo quần qua đầu gối, nhìn tôi cười: Tớ không sao. Vẫn ngon. Chưa vỡ bánh chè là ngon rồi.

Lúc này, mấy anh em đã đưa được nốc vào sát bờ. Men theo dải cát, tôi và anh Hoàng lần lên. Sau khi đã ngồi yên vị, anh Hoàng kiểm tra lại những chỗ va đập khi ngã xuống đá. Những vết đỏ do đập vào đá cứ tím tím dần. Anh Hoàng giơ chân co ra duỗi vào kiểm tra lại các vết ngã rồi quay sang tôi: Vẫn ngon. Tháng sau nếu có đi Lai Châu, gọi tớ đi cùng nhé.

“Cấp 6 hay cấp 8 như nhau cả”

Đó là năm 2006, tôi đang ở tòa soạn thì nhận được điện mời ra Quảng Ninh tham gia chuyến tuần tra biển. Tháng 3 bà già đi biển, ấy thế mà năm đó, suýt nữa thì ở lại với Hạ Long mãi mãi.

Khi tàu rời bến, nắng chang chang. Nếu không có gió ở biển thổi lên, chắc nóng nổ bong bóng. Đi biển mùa hè, mét mẻ, ai nấy trong đoàn kéo nhau ra ngồi trên mũi tàu hay lên boong ngắm cảnh vịnh. Mấy người hứng chí còn đem cả ấm trà ngồi bệt xuống boong tàu. Thanh bình và hạnh phúc biết bao.

 73112b.gif
Làng chài trên vịnh Hạ Long.

Nhưng có lẽ, tính khí của biển cả như gái muộn chồng đỏng đảnh. Tàu vừa rời bến chưa đầy 15 phút thì có gió mạnh. Ban đầu, tàu chỉ hơi lắc chút rồi mỗi lúc lắc càng mạnh hơn. Đại úy Nguyễn Văn Dược, lúc đó là Hải đội phó, thuyền trưởng thông báo mọi người vào trong buồng, đóng chặt các cửa. Khi mọi người đã vào hết trong khoang thì sóng nổi lên. Sóng chồm lên mũi, tràn lên boong, phủ kín cả cái cửa kính như lỗ tò vò trước buồng lái. Bộ xoong nồi bát đĩa của anh em thủy thủ dùng để nấu ăn loảng xoảng phía đuôi. Có tiếng ai đó xuýt xoa tiếc. Có tiếng ai đó động viên có dịp sắm mới, dùng đồ mới. Chúng tôi đứng trong khoang, phải đứng giang hai chân, tay bám thật chắc vào bậu cửa, các gờ vách của tàu mà người vẫn cứ đung đưa như có ai đưa lên sàng mà xoay mà lắc. Đưa mắt nhìn qua cửa ra ngoài, chỉ thấy mưa là mưa, gió và gió, sóng đập, chồm lên hết đợt này đến đợt khác. Tầm nhìn xa không qua khỏi mũi tàu.

Len mọi người, tôi lên chỗ anh Dược, hỏi nhỏ: “Sóng này cấp 8 đấy, thuyền trưởng nhỉ?”. Anh Dược nhìn tôi một thoáng, nháy nháy mắt, nói to: “Không. Sóng này chỉ cấp 6 thôi”. Nói xong, anh Dược lại tiếp tục lái tàu lựa sóng mà đi.

Khi tàu cập bến, buông neo để lên đảo. Mưa lúc này cũng đã tạnh, gió lúc này cũng đã vãn, các lớp sóng lăn tăn lại xô nhau tìm về bờ nô giỡn. Khi mọi người đã lên hết, tôi nói với anh Dược: “Lúc nãy gió cấp 6 gì mà ghê thế. Cứ như cả núi nước đổ lên tàu vậy”. Anh Dược nhìn tôi cười cười: “Lúc anh hỏi tôi là gió cấp 8 đấy. Tàu của mình, khi chế tạo chỉ đảm bảo an toàn hoạt động khi gió cấp 6 thôi. Nếu mà mọi người biết gió cấp 8 lại lo. Mà gió cấp 6 hay gió cấp 8 như nhau cả. Gió nào chả là gió”. Rồi, như để chuyển hướng câu chuyện, anh Dược kể cho tôi nghe những chuyến ra khơi của các anh mỗi khi nhận lệnh tham gia trong các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Nghe anh kể mà đã thấy biết bao nguy hiểm. Nếu được chứng kiến, không biết sẽ như thế nào. Chỉ biết rằng, những lúc như thế, sự sống và cái chết luôn cận kề bên nhau.

Tối hôm đó, sau khi lên đảo làm việc xong với Ban chỉ huy đồn biên phòng, tôi lủi xuống tàu. Ngồi quây quần quanh chiếc chiếu trên boong, phía đầu tàu, mấy anh em thủy thủ uống nước trà, bên cạnh có rổ khoai luộc. Nhìn trăng sáng vằng vặc, những cơn gió tràn về lành lạnh có hơi biển mặn mòi. Mấy thủy thủ trẻ trêu nhau về người bạn gái rồi cười. Tiếng cười lẫn trong tiếng sóng táp mạn rào rào.

Lù Pò Khương

Bình luận

ZALO