Biên phòng - Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã về với "thế giới người hiền". Ông là một trong những nhà lãnh đạo mà cuộc đời hoạt động cách mạng đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Ông sống chân thành, giản dị, gần gũi quần chúng, luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới và quần chúng. Là lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng khi được sống gần ông, chúng tôi cảm thấy như không có khoảng cách.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trưởng thành từ cơ sở, kinh qua các cuộc chiến tranh, trải qua nhiều chức vụ, ở vị trí nào ông cũng để lại dấu ấn tốt đẹp với cấp dưới và nhân dân. Ông là một tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, một tấm lòng kiên trung với Tổ quốc, với Đảng, với chế độ, luôn thể hiện rõ ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia cách mạng từ rất sớm. Mười lăm tuổi đồng chí đã tham gia phong trào Việt Minh, mười tám tuổi đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhiều cán bộ sống cùng thời hoặc được làm việc dưới quyền chỉ đạo, chỉ huy của ông đều có nhận xét chung: Ông là một cán bộ lãnh đạo rất bản lĩnh, nhanh nhạy trước diễn biến tình hình, mạnh dạn và quyết đoán. Khi còn công tác trong quân đội, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn sát cánh cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), quan tâm xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, ông rất coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ cấp cao. Ở đồng chí Lê Khả Phiêu, giữa lý luận và thực tiễn xoắn quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn, ít khi nghe đồng chí nói hoặc có một bài huấn thị “đặc sệt” lý luận, mà bao giờ cũng từ thực tiễn sinh động gắn với những quan điểm cơ bản của Đảng và lý luận gốc để làm sáng tỏ vấn đề, giúp người nghe dễ hiểu và nắm chắc những điều cốt lõi.
Có lẽ thời gian hơn bốn mươi năm công tác trong quân đội đã rèn cho đồng chí Lê Khả Phiêu lòng kiên nghị, tính thẳng thắn, sự rõ ràng và mạch lạc, nên khi đảm đương cương vị Tổng Bí thư, ông vẫn giữ được phong cách gần gũi, tự tin và chính kiến rất rõ ràng trước các diễn đàn, sự kiện lớn về đối nội và đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Khi ấy, có ý kiến cho rằng đôi khi Tổng Bí thư dường như hơi cứng, nhưng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân lại rất tán đồng, thích phong cách, thích nghe ông phát biểu. Chính ông là người khởi xướng và quyết liệt trong xây dựng Nghị quyết Trung ương 6, lần hai, nhưng khi quán triệt nghị quyết lại bằng cách nói giản dị, chân tình như: Sinh hoạt Đảng không phải là sinh hoạt câu lạc bộ, hay tắm gội phải từ trên đầu xuống, ý nói kiểm điểm phê bình phải làm từ cấp trên đến cơ sở, từ người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên và không được nhẹ trên, nặng dưới.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng là một trong những nhà lãnh đạo rất trọng nhân tài. Với cương vị là Tổng Bí thư, về vấn đề lựa chọn cán bộ, ông từng nói: “Bộ trưởng không nhất thiết phải là đảng viên”. Sau đó có ý kiến hỏi lại, ông vẫn khẳng định mình đã nói như vậy. Ông cũng để lại ấn tượng tốt đẹp với giới trí thức qua câu chuyện ông viết báo về Giáo sư, Tiến sĩ Tôn Thất Bách...
Tôi có vinh dự được làm việc với đồng chí Lê Khả Phiêu một số lần khi ông còn là Thường trực Bộ Chính trị. Lúc đó tôi là Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 1. Có lần gặp tôi, ông hỏi: “Cậu nói lại cho tôi nghe về chuyện báo cáo với ông Đoàn Khuê (Đại tướng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) xem thế nào?”. Lúc đó, Quân khu 1 đang giải quyết vụ việc liên quan đến cán bộ cấp cao có đơn thư tố cáo, Đại tướng Đoàn Khuê có hỏi tôi, tôi đã báo cáo rõ diễn biến của sự việc, nguyên nhân và dự kiến cách giải quyết của Thường vụ Đảng ủy quân khu. Quá trình báo cáo, tôi đã nhấn mạnh đến tính đặc thù của quân khu miền núi, có nhiều dân tộc, nhiều sĩ quan là con em người dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nghe xong, ông cười và nói: “Cách nghĩ và cách giải quyết của quân khu như vậy là được đấy”. Nghe xong, tôi hiểu rằng, ông hết sức quan tâm tới cán bộ là người dân tộc thiểu số và địa bàn chiến lược như Quân khu 1. Thật đáng suy ngẫm!
Sau này, tôi được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), lúc đó, đồng chí Lê Khả Phiêu đã là Tổng Bí thư. Thời gian này tôi được tiếp xúc với ông nhiều hơn, không phải vì công việc mà vì trước đó, ông nguyên là Chủ nhiệm TCCT, dù trên cương vị Tổng Bí thư nhưng ông vẫn dùng phòng làm việc cũ của cơ quan. Phòng làm việc của tôi nằm sát phòng làm việc của ông nên tôi có dịp tiếp xúc với ông thường xuyên hơn. Những lần như vậy, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thường căn dặn tôi nhiều điều. Có lúc, ông nêu vấn đề cho tôi phản biện ngay tại hiên nhà; có lúc ông nêu vấn đề còn đang tranh luận rồi hỏi ý kiến của tôi thế nào? Tôi hiểu đây là cách gián tiếp ông bồi dưỡng cho cấp dưới. Tính cách đó của ông khiến cấp dưới thêm gần gũi và quý trọng ông hơn.
Có những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Đó là khoảng cuối năm 1999, cơn bão số 5 gây hậu quả nghiêm trọng tại khu vực miền Trung. Bộ Quốc phòng cử tôi trực tiếp chỉ huy lực lượng quân đội giúp dân chống lụt, gồm các đơn vị: Quân khu 4, Bộ đội Công binh, Quân chủng Phòng không-Không quân. Sau trận thiên tai đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như nhân dân đánh giá rất cao vai trò của quân đội. Khi trở về, ông đã hỏi tôi rất kỹ về khó khăn của nhân dân vùng lụt. Sau khi nghe tôi báo cáo, vẻ mặt của ông đượm buồn. Cuối năm đó, Đài Truyền hình Việt Nam có tổ chức cầu truyền hình: “Thiên niên kỷ”. Bộ Quốc phòng cử tôi tham dự, tôi suy nghĩ sẽ nói gì và nói như thế nào cho toát lên được tinh thần và sự hy sinh của bộ đội trong chống lụt giúp dân. Nhưng trước giờ đến đài truyền hình, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, thư ký của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp tôi nói lại: Ý của Tổng Bí thư là, hôm nay đồng chí xuất hiện trên cầu truyền hình, nói gì thì nói nhưng phải có lời cảm ơn nhân dân. Tôi quyết định bỏ bài viết đã chuẩn bị sẵn và sẽ trả lời trực tiếp về những hình ảnh, việc làm, con số, kết quả giúp dân của bộ đội đều đã có sẵn trong tôi. Xong chương trình, vừa bước ra cửa phòng máy, tôi đã gặp ngay anh Nguyễn Chí Trung, anh nói: “Phát biểu của Đăng được đấy, mình sẽ báo cáo lại với Tổng Bí thư". Bất giác, tôi suy nghĩ, Tổng Bí thư bận bao nhiêu việc lớn mà vẫn quan tâm đến từng chi tiết nhỏ như vậy. Đúng là trong ông luôn đánh giá cao sức mạnh của dân và bộ đội. Có làm được việc đó cũng nhờ sự hợp tác của dân. Một bài học quý mà tôi ghi nhớ.
Khi Việt Nam chuẩn bị ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2000, biết tôi được Bộ Quốc phòng và TCCT giao cùng một số nhà khoa học trong quân đội nghiên cứu và đề xuất ý kiến về nội dung của bản hiệp định, Tổng Bí thư đã nhiều lần trực tiếp hỏi tôi về thái độ, quan điểm của quân đội đối với vấn đề này. Tôi báo cáo với Tổng Bí thư rằng: “Qua tổng hợp ý kiến của toàn quân và một số nhà khoa học trong quân đội, anh em đều đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước, cần hòa nhập để phát triển đất nước, song cũng còn nhiều băn khoăn trước sức mạnh kinh tế của Mỹ, liệu ta có đủ sức chống chọi hay không? Mặt khác, kinh nghiệm chưa nhiều, sợ bị sơ hở hoặc bị cài những điều khoản bất lợi”. Ông bảo, suy nghĩ như vậy là đúng nhưng ta phải làm, phải mở cửa, chấp nhận cuộc chơi nhưng vẫn cần tỉnh táo và cảnh giác. Cho đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy chủ trương của Đảng mà ông là người đứng đầu có những quyết định rất kịp thời và chính xác.
Khi biết tin có một số cựu chiến binh (CCB) ký tên vào đơn kiến nghị với Đảng, Nhà nước, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhắn tôi ra nhà và muốn nghe tôi nói rõ về chuyện đó. Tôi đã báo cáo đầy đủ với ông. Nghe xong, ông nói lại với tôi: CCB là những người lính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường, họ sẵn sàng hy sinh xương máu vì nhân dân, vì Tổ quốc, nhưng có một số anh em khi về lại nảy sinh tư tưởng công thần, kiêu ngạo, đó là thói xấu. Hội CCB cần phải giáo dục đấu tranh và phê phán.
Ông nói: “Hội CCB là một tổ chức chính trị-xã hội, tập hợp những người lính đã hoàn thành nghĩa vụ trở về. Cán bộ hội từng là các sĩ quan, nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp, thói quen chỉ huy quân sự đã ăn sâu vào máu thịt, hoạt động hội phải đổi mới phương thức và phong cách lãnh đạo, phải vận động, thuyết phục là chính, phải gần gũi lắng nghe, không áp đặt mệnh lệnh nhà binh vào một tổ chức chính trị-xã hội. Cùng với đó, hội cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tháo gỡ chính sách ở tầm vĩ mô để giúp những gia đình có con đi chiến đấu hy sinh đến nay đang còn mất tin, mất tích; cho thương binh và nạn nhân chất độc da cam chưa được hưởng chế độ. Anh em thiệt thòi lắm, hội phải quan tâm nhiều hơn”. Những quan tâm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến Hội CCB Việt Nam thật là tâm huyết và đó cũng là nỗi trăn trở của ông với đồng chí, đồng đội về những việc mà đến nay, Đảng, Nhà nước ta chưa kịp làm để ghi ơn những người đã xả thân cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm. Khi còn công tác hay khi trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn là tấm gương sáng về sự kiên trung với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Dẫu biết rằng sống-chết là quy luật tự nhiên nhưng sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với Đảng và dân tộc. Nhiều người sẽ luôn nhớ về ông, một Tổng Bí thư dũng cảm trong đổi mới, kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi; là người khởi xướng việc củng cố và xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới, đồng thời cũng là vị lãnh đạo luôn gần gũi và kính trọng nhân dân. Vĩnh biệt ông-nguyên Tổng Bí thư đáng kính!
Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Theo QĐND