Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Kỷ nguyên mới từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Biên phòng - Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

a72u_6a
Nhân dân Sài Gòn vui mừng chào đón quân giải phóng. Ảnh: tư liệu

Kỷ nguyên mới từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Chiến dịch mang tên vị lãnh tụ kính yêu

Hơn 45 năm trước, đứng trước thời cơ chiến lược lớn với điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị, tháng 10-1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị khẳng định: Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công trên các hướng, không để chậm trễ vì sẽ không có lợi cả về chính trị và quân sự. Tiếp đó, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị nhận định: Thời cơ chiến lược lớn đã tới, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay.

Với quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241/NQ-TW thành lập Hội đồng chi viện miền Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Các đồng chí: Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng; Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm Phó Chủ tịch. Bộ Tổng Tham mưu cũng quyết định điều động các lực lượng từ nhiều phía chuẩn bị vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. 

Sau khi những tấm lá chắn của địch ở phía Bắc Sài Gòn đã bị quân ta phá toang, con đường tiến về giải phóng Sài Gòn đã rất gần. Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương đã có cuộc họp quan trọng thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn miền Nam với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Trong cuộc họp ngày 6-4-1975, ở căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), Bộ Chính trị đã ra Quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tổng Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng là Chính ủy; các đồng chí: Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh...

Ngày 7-4-1975, Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục chủ trì đã duyệt kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị với Bộ Chính trị được lấy tên Bác Hồ kính yêu cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch. 

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị gửi Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (điện mật số 37/TK), nội dung: “Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Tin chiến dịch được mang tên Người đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch.

Đỉnh cao nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật quân sự

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định, cuộc tổng tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố. Đòn tiến công quân sự có nhiệm vụ chia cắt, bao vây, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội thành; đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các binh đoàn đột kích bằng lực lượng binh chủng hợp thành, cùng với bộ đội đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng nhất là: Dinh Độc Lập; Bộ Tổng tham mưu; sân bay Tân Sơn Nhất; Biệt khu thủ đô; Tổng nha Cảnh sát. Phát động quần chúng nổi dậy phối hợp và phát huy kết quả của đòn tiến công quân sự.

Đúng 17 giờ, ngày 26-4, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch, từ 5 hướng, các quân đoàn lần lượt tấn công Sài Gòn. 5 cánh quân của ta như vành đai siết chặt cổ họng quân địch trong khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Ngày 30-4-1975, với sự hợp đồng chiến đấu của các lực lượng biệt động tự vệ ở vùng ven và nội đô cùng với sự nổi dậy của quần chúng trong và ngoài thành phố, từ khắp các hướng, các cánh quân hùng mạnh của ta đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn - Gia Định như: Bộ Tổng tham mưu; Biệt khu thủ đô; Tổng nha Cảnh sát; sân bay Tân Sơn Nhất; Đài Phát thanh; Bộ Quốc phòng ngụy...

10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn - Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố: Đó là sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; là sức mạnh của truyền thống 4 nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; là ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của cả dân tộc Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là sự kiện quan trọng đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ một đất nước bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm, từ một dân tộc bị nô lệ, Việt Nam đã giành lại nền độc lập dân tộc sau gần một thế kỷ mất nước và trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, có đầy đủ chủ quyền được quốc tế thừa nhận. 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thắng lợi là đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật quân sự trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Lần đầu tiên quân và dân ta tiến hành một chiến dịch có quy mô lớn gồm nhiều binh đoàn chủ lực mạnh, có trang bị kỹ thuật hiện đại, tiến công bằng phương thức tác chiến hợp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, với sức cơ động cao, tấn công vào một tập đoàn phòng ngự lớn nhất và là sào huyệt cuối cùng của địch, có trang bị hiện đại. Chúng ta đã phối hợp nhịp nhàng giữa tiến công và nổi dậy, kết hợp giữa các cánh quân chủ lực mạnh từ ngoài đánh vào với các lực lượng tại chỗ như đặc công, biệt động, an ninh tự vệ, các lực lượng chính trị, tổ chức quần chúng..., chủ động đánh chiếm, giữ các vị trí xung yếu, phối hợp tấn công.

Phương Vy

Bình luận

ZALO