Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:47 GMT+7

Ký kết Công ước về Quy chế pháp lý của Biển Caspi

Biên phòng - Ngày 12-8 vừa qua, tại thành phố Aktau, Kazakhstan, lãnh đạo năm quốc gia ven Biển Caspi đã ký kết Công ước về Quy chế pháp lý của Biển Caspi – hồ nước khép kín lớn nhất thế giới, tiềm tàng một nguồn dầu khí khổng lồ.

qcj1w7z35h-3242_1451915474436394691_Anh_bai_chinh_BP_65
Các nhà lãnh đạo năm nước ven biển Caspi tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 12-8 vừa qua. Ảnh: PИA НОВОСТИ

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspi lần thứ 5, diễn ra tại thành phố Aktau, Kazakhstan ngày 12-8 vừa qua kết thúc, lễ ký kết Công ước về Quy chế pháp lý của Biển Caspi đã được tiến hành long trọng. Dưới văn bản Công ước là chữ ký của các nhà lãnh đạo năm quốc gia ven Biển Caspi, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Là kết quả của 22 năm bàn thảo giữa các quốc gia, bản Công ước được đánh giá là một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử, “phản ánh sự cân bằng lợi ích” của các quốc gia ven Biển này.

Tuy tên gọi là Biển Caspi, song đây là hồ nước lớn nhất thế giới tính về cả diện tích và thể tích. Trước đây, Biển Caspi chỉ giáp Iran và Liên Xô, với quy chế được quy định trong thoả thuận giữa hai nước này. Sau khi Liên Xô tan rã, các quốc gia ven biển mới xuất hiện và tìm kiếm lãnh thổ riêng của mình tại khu vực này. Câu hỏi về tình trạng pháp lý của Biển Caspi lại được đặt ra, gây trở ngại cho nhiều dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt xuyên Caspi. Trước tình hình đó, năm 1996, 5 nước ven Biển Caspi đã bắt đầu đàm phán để giải quyết vấn đề này.

Theo Công ước, phần mặt nước Biển Caspi được coi như vùng nước quốc tế, thuộc sử dụng chung của các bên, được chia thành các vùng nội địa và vùng khu vực, vùng đánh cá và vùng nước chung; đáy Biển và lòng đất dưới Biển Caspi được phân chia thành các phần lãnh thổ của các quốc gia ven Biển. Trao đổi với các phóng viên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết việc phân chia đáy biển cũng như nguồn khoáng sản giàu có dưới đáy biển sẽ được quy định trong các thỏa thuận bổ sung. Bên cạnh đó, Công ước định ra ranh giới của vùng trời trên Biển Caspi, đồng thời quy định, các nước không giáp Biển Caspi không được phép triển khai tàu quân sự tại khu vực này.

Thỏa thuận đạt được ngày 12-8 vừa qua được đánh giá góp phần làm giảm căng thẳng khu vực khi đưa Biển Caspi chỉ thuộc về các nước trong vùng; đồng thời hứa hẹn mở đường cho các dự án lắp đặt đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên qua khu vực.

Việc Công ước được ký kết cũng cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Nga. Tuy không có tranh chấp lãnh thổ đáng kể tại Biển Caspi, Moscow vẫn luôn phản đối việc phân định Biển Caspi, do những lo ngại về quân sự và kinh tế. Nga lo ngại việc tách Biển Caspi thành các phần lãnh thổ của các nước sẽ hạn chế lực lượng hải quân của nước này tại phía tây bắc. Ngoài ra, trong thời kỳ hậu Xô Viết, Nga phản đối việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa Turkmenistan và Azerbaijan, trích dẫn những lo ngại về môi trường (dù nước này đã từng xây dựng những đường ống tương tự như vậy ở vùng biển Đen và Biển Baltic). Khi đường ống trên được xây dựng, nó sẽ cho phép khí đốt của Turkmenistan đi vòng qua Nga và tới châu Âu, cạnh tranh với Nga tại thị trường rộng lớn này.

Theo giải thích của ông Shota Utiashvili, chuyên viên cao cấp từ Quỹ Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược Rondeli tại Georgia, Nga đồng ý giải quyết vấn đề liên quan đến vùng Biển Caspi sau ba thập kỷ phản đối, không phải vì những áp lực liên tiếp của phương Tây mà vì cạnh tranh thương mại ngày càng lớn từ chính sách Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc. Thương mại trong và ngoài Trung Á đã chuyển hướng, không phải tới Nga mà tới Iran, với sự chống lưng của Trung Quốc. Một số công ty xuất khẩu năng lượng từ Trung Á cũng tới Trung Quốc, thay vì tới Nga, do những khó khăn trong việc xuất khẩu qua Biển Caspi.

Trong khi bản Công ước đã giải quyết về quy chế của mặt nước biển Caspian, và đưa ra công thức để phân chia các nguồn tài nguyên dưới biển, việc phân định biên giới mới có thể gây tranh cãi. Nga, Kazakhstan và Azerbaijan đã phân chia vùng đáy biển ở phía bắc; nhưng Iran, Turkmenistan và Azerbaijan vẫn đang tranh chấp các mỏ dầu ở phần phía nam của vùng biển này, trong bối cảnh lưu vực Caspian được coi như một nguồn dầu mỏ quan trọng cho các thị trường rộng lớn bên ngoài Trung Đông.

Mỹ Linh

Bình luận

ZALO