Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 11:26 GMT+7

Kon Tum phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Những năm qua, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện tốt. Từ đó, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò, vị thế của mình trong đời sống đồng bào DTTS.

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum biểu dương, tôn vinh người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Tùng Lâm

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, từ năm 2012 đến nay, có 7.900 lượt người có uy tín trên địa bàn tỉnh được bình xét, công nhận. Riêng năm 2022, toàn tỉnh có 678 người có uy tín được công nhận, trong đó có 217 người là đảng viên. Việc bình chọn được thực hiện một cách công khai, dân chủ, đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, theo quy định, quy trình thủ tục hành chính và có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương. Qua đó, những người có uy tín được bình chọn luôn nhận được sự ủng hộ của dân làng, có tiếng nói trong đời sống đồng bào DTTS.

Để người có uy tín phát huy được vai trò, vị thế của mình, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo đó, tổng kinh phí kế hoạch giao để thực hiện các chế độ, chính sách cho người có uy tín và công tác quản lý trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, giai đoạn 2012-2022 là hơn 21,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 13,8 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 7,45 tỷ đồng.

Đến nay, tổng kinh phí đã thực hiện hơn 19,3 tỷ đồng, đạt 90,6% so với kinh phí được cấp. Trong đó, ngân sách Trung ương thực hiện hơn 12,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương thực hiện hơn 7,2 tỷ đồng để cấp 358.555 tờ báo Dân tộc và Phát triển cho 4.596 lượt người có uy tín và 40.692 tờ báo ảnh Báo Kon Tum cho 1.491 lượt người có uy tín; chúc Tết, tặng quà, thăm hỏi 16.873 lượt người có uy tín ốm đau, gặp khó khăn; tổ chức 41 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 2.941 lượt người uy tín; tổ chức 9 đoàn với 269 lượt người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Nhờ thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín, mà nhiều người có uy tín đã phát huy được vai trò, vị thế của mình trong đời sống đồng bào DTTS. Điển hình như bà Y Gar, 63 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy - người luôn phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Bà Y Gar cho biết: “Là cán bộ mặt trận, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức, được gặp gỡ, trao đổi với nhiều cán bộ chuyên môn về y tế nên tôi nhận thức được việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong độ tuổi vị thành niên hoặc hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người mẹ và con trẻ. Chính vì thế, những năm qua, tôi luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh, tập trung học hành, không được kết hôn sớm và kết hôn với người cận huyết thống. Tôi cũng tích cực phổ biến về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và các vấn đề về giới tính bằng cách lồng ghép qua các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt tại trường hoặc đến nhà vận động, nếu phát hiện các thanh thiếu niên có quan hệ tình cảm”…

Người có uy tín luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong đời sống đồng bào DTTS. Ảnh: Tùng Lâm

Còn ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, ông A Blong, 64 tuổi, người có uy tín luôn phát huy được vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Rơ Măm. Ông A Blong chia sẻ: “Thời gian qua, dân tộc Rơ Măm ở làng Le luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhờ vậy, cuộc sống của chúng tôi đã ổn định và từng bước thoát nghèo. Khi cuộc sống không còn thiếu đói, bà con người Rơ Măm sẽ giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và người có uy tín luôn đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền bà con. Tôi cùng ông A Ngốc - một người uy tín trong làng luôn cố gắng duy trì các hoạt động cộng đồng như hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao tại nhà rông văn hóa của làng Le; phối hợp với chính quyền địa phương sưu tầm, phục dựng những lễ hội, thiết chế văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, làng Le vẫn còn lưu giữ được 34 bộ cồng chiêng quý; duy trì được các lễ hội truyền thống như “Thổi tai”, “Ma chay”, “Bỏ mả”, “Lễ phát rẫy”, “Trỉa lúa”, “Mở kho lúa”. Bên cạnh đó, tôi tuyên truyền cho bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng”.

Cùng với bà Y Gar, ông A Blong, trên địa bàn tỉnh còn nhiều tấm gương người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ông U Minh Nam, Phó Trưởng ban Dân tộc nhận định: “Thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với người dân, là điểm tựa tinh thần trong cộng đồng đồng bào các dân tộc, cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chính quyền tại cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi hủ tục, ngăn chặn luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước”.

“Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh mong muốn người có uy tín trong cộng đồng đồng bào các dân tộc tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, góp phần giúp tỉnh Kon Tum thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Ban Dân tộc tỉnh cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín được phát huy tối đa vai trò của mình trong đời sống cộng đồng” - Ông U Minh Nam nhấn mạnh.

Tùng Lâm

Bình luận

ZALO