Biên phòng - Tiến độ tiêm chủng vaccine nhanh chóng cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các lĩnh vực, ngành sản xuất đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Sản xuất phục hồi mạnh mẽ
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế và cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6,44%). Nhìn chung, sản xuất công nghiệp quý I năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%. Khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại.
Sự phục hồi kinh tế còn thể hiện ở số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I năm 2022 rất ấn tượng. Bộ Công thương cho biết, cả nước có gần 34,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn là hơn 471 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 25,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó, vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II năm 2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I. Đây là kết quả quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một chỉ số khác phản ánh sự phục hồi kinh tế, đó là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Theo số liệu thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài là 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tăng tốc
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine..., nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I năm 2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt hơn 176 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.

Trong quý I năm 2022, có 15 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch XK (có 5 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD, chiếm 58%). Về thị trường XK hàng hóa quý I năm 2022, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD; tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 11,21 tỷ USD, tăng 16,3%; thị trường ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%; Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6%.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch XK nông lâm thủy sản trong 3 tháng đầu năm rất tốt, đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Tăng trưởng XK chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng XK nông sản đạt 19%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Gần đây nhất liên quan đến mặt hàng trái cây XK qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.
Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến XK, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
Về kế hoạch tiêu thụ nông sản cho nông dân, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, cơ quan này đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản. Bộ Công thương cũng giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam, đây sẽ là kênh thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương và thông qua môi trường mạng hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ số bán hàng online và đã kết nối với nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Global Selling... mà Bộ Công thương đã ký hợp tác. Đây sẽ là xu hướng tiêu thụ hàng hóa sẽ được đẩy mạnh trong tương lai.
Thu Hằng