Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 12:17 GMT+7

Kinh tế năm 2022 - nỗ lực phục hồi

Biên phòng - Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng và giảm sút cả tổng cầu, tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công, thất nghiệp… Trước những thách thức chưa từng có từ dịch Covid-19, Chính phủ đã triển khai linh hoạt nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, với nỗ lực sớm phục hồi được nền kinh tế ngay trong năm 2022.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ được đà tăng, trong đó, xuất khẩu hàng hóa tăng 4%. Ảnh: Minh họa

Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 khởi đầu ngày 27-4-2021 và kéo dài tới nay, với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, khiến hàng triệu người mắc và hơn 20.000 người tử vong, gây di hại lâu dài về sức khỏe thể chất và tâm thần. Những tổn hại về kinh tế và xã hội do dịch Covid-19 đã gây ra là vô cùng lớn.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, dịch bệnh trong 2 năm 2020-2021 đã gây tổng thiệt hại cho nền kinh tế cả nước ít nhất khoảng 40 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, khiến 2 năm liên tiếp Việt Nam không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, suy giảm cả về lượng và hiệu quả hoạt động...

Tuy vậy, về tổng thể, theo Chính phủ, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát... Năm 2021, năng suất lao động xã hội của Việt Nam vẫn tăng 4,71%. Ngành nông nghiệp đã khẳng định và có nhiều cải thiện trong vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu tới gần 50 tỷ USD. Bình quân một tháng có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Quá trình chuyển đổi số và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam được ghi nhận cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn...

Thị trường tài chính ghi nhận sự khởi sắc khá ấn tượng. Tổng FDI tính đến ngày 20-12-2021 đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng 28,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.

Tổng thu Ngân sách Nhà nước bằng 113,4% và tổng chi bằng 109% dự toán năm. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4% so với năm 2020. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới ước tính đến hết tháng 12-2021 đạt 68% (tăng 5,6% so với năm 2020).

Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát. Đồng thời, Việt Nam cũng nhận được nhiều vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm tham quan hàng đầu châu Á; Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á và Công viên quốc gia hàng đầu châu Á...

Theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cả nước đã chính thức chuyển hướng chiến lược chống dịch từ phòng ngự sang tấn công, chủ động và linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.

Nghị định thể hiện sự phân cấp rõ ràng và tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, sự linh hoạt kịp thời trong triển khai chính sách chống dịch bệnh quốc gia; đẩy mạnh tiêm chủng, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, lấy người dân là “chiến sĩ”, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; triển khai các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn và các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà...

Với tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine được nâng cao và đã đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng sớm, Việt Nam được đánh giá là một trong 6 nước thành công nhất trên thế giới về phủ rộng vaccine miễn phí trong toàn dân.

Hàng nghìn doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Ảnh: Minh họa

Để phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài chính-tín dụng cũng được triển khai đồng bộ, với việc huy động tổng hợp các nguồn lực. Theo Chính phủ, ước tính năm 2021, tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP.

Mới đây, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phê duyệt gói kích thích kinh tế mới trị giá gần 350.000 tỷ đồng, sẽ triển khai trong 2 năm 2022-2023, nhằm tăng tốc phục hồi và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 6-6,5% GDP.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, như Y tế, Quân đội, Công an..., với sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh; duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế được đẩy mạnh rõ rệt theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác.

Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi, giải trí từ xa... ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trên cả nước... Với những giải pháp phù hợp, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi ngay trong năm 2022.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Bình luận

ZALO