Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Kinh tế biển, đảo đang trở thành động lực phát triển đất nước

Biên phòng - Sớm nhận thức được vai trò của kinh tế biển (KTB), trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển KTB, các vùng biển, ven biển và hải đảo. Với những bước đi đúng đắn, nắm bắt tốt thời cơ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KTB, vùng ven biển và hải đảo, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Khai thác và nuôi trồng thủy sản góp phần giải quyết lao động cho người dân ven biển và đóng góp quan trọng vào xuất khẩu. Ảnh: Trí Văn

Việt Nam có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, gấp 3 lần lãnh thổ với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Trên 50% dân số Việt Nam sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều khu vực bờ biển, cũng như các đảo ở nước ta có tiềm năng và vị trí địa lý rất trọng yếu đối với phát triển kinh tế và quốc phòng-an ninh.

Nhận thức được vai trò quan trọng của vùng biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối, quan điểm về phát triển KTB, hải đảo. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua (2016-2020), Đảng ta đã thể hiện rất rõ quan điểm, đường lối về biển, đảo nói chung và định hướng phát triển KTB nói riêng. Trong đó, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, về Chiến lược phát triển bền vững KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 4 quyết định quan trọng liên quan tới phát triển KTB.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhận định: Nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện. KTB, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước.

Quá trình thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KTB đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt vùng ven biển và hải đảo của nước ta. Các địa phương đã chú trọng, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của các cảng hàng không, cảng biển, phát triển dịch vụ du lịch, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản để phát triển KTB...

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KTB, đảo được cải thiện rõ rệt, nhất là các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đến nay, quy mô KTB và vùng ven biển tăng lên rõ rệt, có bước phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của cư dân một số địa phương ven biển tăng lên nhanh và cao hơn thu nhập bình quân cả nước như: Kiên Giang tăng từ 1.603USD năm 2015 lên 2.504USD năm 2020; thành phố Đà Nẵng 4.433USD/người/năm; Quảng Nam 3.600USD; Quảng Ninh 6.700USD; thành phố Hải Phòng đạt 5.836USD, gấp gần 2 lần mức thu nhập bình quân chung cả nước.

Nhìn nhận một cách cụ thể hơn, trong 5 năm qua, hạ tầng biển đảo đã có bước phát triển vượt bậc. Cả nước hiện có 272 bến cảng, 45 cảng biển, gồm 3 cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế; 11 cảng đầu mối khu vực và 17 cảng tổng hợp địa phương, chưa kể hệ thống cảng chuyên dùng cho các khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế. Tổng công suất thiết kế của hệ thống cảng biển đạt trên 534,7 triệu tấn/năm.

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, đạt hơn 689 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019.

Không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, Việt Nam cũng đầu tư hiện đại hóa đội tàu biển, nhất là đội tàu container, chú trọng phát triển dịch vụ logistics. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 12-2020, đội tàu biển Việt Nam có 1.516 tàu (trong đó, tàu vận tải là 1.049 tàu) với tổng dung tích 5,7 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT. Hiện, đội tàu Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Tuổi tàu bình quân là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,8 tuổi so với thế giới.

Về hạ tầng giao thông, hệ thống sân bay được phân bổ khá dày ở các tỉnh ven biển. Trên tuyến đường bộ, ngoài Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh chạy từ Bắc tới Nam, chúng ta có hàng loạt các tuyến đường xương cá kết nối các tỉnh, thành, các khu công nghiệp, khu kinh tế với các cảng biển và sân bay. Nhiều địa phương đã xây dựng các tuyến đường bộ ven biển, giúp cho giao thương thuận lợi hơn.

5 năm qua, cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và dịch vụ biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch phát triển nhanh ở các tỉnh ven biển. Du lịch biển trong những năm qua tăng trưởng nhanh cả về doanh thu và số lượt du khách.

Năm 2019, du lịch biển chiếm 70% lượng khách và 60% doanh thu của toàn ngành du lịch. Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng và khai thác hải sản phát triển mạnh mẽ, bên cạnh đóng góp quan trọng vào xuất khẩu của cả nước, còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 đạt khoảng 8 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 7,3 tỉ USD.

Cơ cấu ngành nghề KTB cũng có sự thay đổi, với sự xuất hiện một số ngành/lĩnh vực kinh tế mới. Trong đó, các ngành công nghiệp vùng ven biển được quan tâm đầu tư, xây dựng. Hiện, cả nước có 18 khu kinh tế được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển đến năm 2020 với tổng diện tích cả mặt đất, mặt nước là 726.603ha. Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác từng bước khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Với tiềm lực sẵn có, vùng ven biển và hải đảo Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO