Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

Kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng

Biên phòng - Kinh tế biển Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển, do có vị trí địa chính trị quan trọng cùng với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Với quyết tâm đưa nước ta trở thành nước mạnh về biển, Đảng và Nhà nước đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam (năm 2007), Luật Biển Việt Nam (năm 2012) và nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, đến nay, kinh tế biển Việt Nam chưa phát triển đáng kể mà đã gây suy thoái nghiêm trọng môi trường và các nguồn tài nguyên biển.

527n_11a
Với nhiều vịnh, vũng đẹp, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển. Ảnh: Đức Anh

Vùng biển giàu tài nguyên

Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Xét về vị thế, vùng biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng, nằm trên tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên – môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá trị cao của địa chính trị vùng biển Việt Nam thể hiện ở chỗ, nó nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Vùng biển Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia vùng hàn đới tới nghỉ dưỡng, tắm biển...

“Tài nguyên vị thế” trên vùng biển Việt Nam còn thể hiện ở giá trị sử dụng của không gian biển. Với vị trí thuận lợi cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, rất thuận lợi làm cảng, không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển rất thuận lợi để phát triển các khu kinh tế. Không gian mặt nước và các bãi bồi ven biển cũng rất thuận lợi để nuôi trồng hải sản, đặc biệt là các hải sản có giá trị kinh tế cao.

Ngoài giá trị về vị thế, vùng biển Việt Nam còn có nhiều nguồn tài nguyên phong phú, trong đó giá trị lớn là dầu khí, nguồn lợi thủy sản... Theo các số liệu thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Ven biển nước ta có trên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu.

Ngoài ra, chúng ta còn có hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ, như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong... rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Bờ biển nước ta cũng có nhiều vũng, vịnh sâu kín gió, rất thuận lợi để làm cảng biển. Việt Nam cũng có tiềm năng và lợi thế rất lớn cho phát triển ngành du lịch biển, đảo với nhiều bãi biển và vịnh đẹp.

Với mục tiêu đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, ngày 9-2-2007, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Theo đó, phấn đấu kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP; 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống cho nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.

bu0e_11b
Các ngành kinh tế khai thác, chế biển thủy hải sản mới chỉ chiếm 2% kinh tế biển. Ảnh: Đức Anh

Kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển, kinh tế biển hiện nay vẫn chưa bền vững và chưa phát huy được các thế mạnh của tài nguyên biển. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở Việt Nam vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có.

Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển.

Tuy nhiên, hiện, sản lượng khai thác dầu khí đang trên đà suy giảm do nguồn tài nguyên dầu khí ngày càng cạn kiệt và điều kiện khai thác khó hơn. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc... bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển, đảo tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp.

Điều đáng lo ngại là việc phát triển kinh tế biển đã gây ra những suy thoái rất mạnh mẽ tới môi trường và các nguồn tài nguyên biển. PGS.TS Vũ Thanh Ca chỉ ra những thách thức, chủ yếu là do chủ quan. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa có quy hoạch sử dụng biển cũng như quy hoạch tổng thể sử dụng vùng bờ biển theo quan điểm quản lý tổng hợp. Điều đó dẫn tới nguồn thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt, các hệ sinh thái biển quan trọng như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm thực vật biển bị phá hoại và suy thoái nghiêm trọng.

Nhận thức của ngư dân còn thấp nên thực hiện đánh bắt cá trái phép, thậm chí đánh bắt hủy diệt tại các vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài nên đã gây ra những ảnh hưởng không tốt tới uy tín của Việt Nam và có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng, điển hình là vụ xả nước thải trái phép ra biển của Công ty Hưng Nghiệp (Formosa) tại Hà Tĩnh, đã gây ra những hậu quả rất lớn tới môi trường biển và kinh tế - xã hội tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế.

Một nghiên cứu công bố quốc tế gần đây cho thấy, Việt Nam là nước đứng thứ 4 thế giới về phát thải rác thải nhựa ở biển và chưa có các chính sách, quy định pháp luật quản lý rác thải nhựa ở biển. Công tác bảo tồn biển còn rất hạn chế. Nguồn tài nguyên du lịch quý giá là các bãi biển đẹp như ở Phú Quốc, Hàm Tiến – Mũi Né, Đà Nẵng đang bị xé nát.

Đức Anh

Bình luận

ZALO