Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 10:29 GMT+7

Kinh tế ASEAN “bứt phá” với nền tảng và động lực vững mạnh

Biên phòng - Giới chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá, trên bình diện toàn cầu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là tổ chức khu vực giữ vững thành công phát triển trong bối cảnh năm 2023, kinh tế thế giới phải trải qua nhiều “sóng gió”.

Phương tiện bốc xếp hàng container liên vận quốc tế tại Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Trúc

“Nhà máy” kinh tế thế giới

Năm 2023 được nhìn nhận là năm thế giới phải đối mặt sự suy yếu về kinh tế. Trong bức tranh toàn cầu, ASEAN được kỳ vọng là một “điểm sáng” với nhiều khả năng sẽ giữ vững vị thế phát triển, như một “nhà máy” kinh tế sở hữu nhiều yếu tố phát triển trên khắp không gian kinh tế và đầu tư.

Trên thực tế, ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu với GDP đạt 3.100 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 6.600 tỷ USD để đạt vị trí thứ 4, vượt Đức. Theo báo cáo mới đây của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) về đầu tư của ASEAN, các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Đông Nam Á đã tăng 42% lên 174 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc. Sự phục hồi của vốn FDI đã củng cố niềm tin vào một khu vực Đông Nam Á trỗi dậy kiên cường sau đại dịch Covid-19.

Theo giới chuyên gia kinh tế quốc tế, triển vọng tăng trưởng của ASEAN sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới. Đáng chú ý trong đó là 5 nền tảng mà khi viết liền chữ cái đầu tiên trong tiếng Anh của 5 nền tảng này sẽ là “TIGER”, gồm: Công nghệ (technology); thu nhập (income); chuyển đổi xanh (green); hạ tầng năng lượng (energy); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trước hết, về công nghệ hay nền kinh tế số hóa, giới chuyên gia nhận định, từ nay đến năm 2025, khu vực sẽ chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ, nền kinh tế số có thể đạt 330 tỷ USD vào năm 2025. Động lực quan trọng cho nền kinh tế số của ASEAN chính là lực lượng lao động trẻ. Cụ thể, ASEAN có 680 triệu dân, là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 9% dân số thế giới.

Đặc biệt trong đó, ASEAN có nhân khẩu học thuận lợi với gần một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30. Lực lượng lao động được ước tính chỉ đạt đỉnh vào năm 2045, sau Trung Quốc khoảng 3 thập kỷ. Lớp lao động trẻ này được đánh giá là sẽ hiểu biết về kỹ thuật số, có năng năng suất cao và đang phát triển sẽ cung cấp một lộ trình dài cho sự phát triển của khu vực.

Về nền tảng thu nhập, theo giới phân tích, tầng lớp trung lưu của ASEAN đang gia tăng mạnh mẽ, trở thành một động lực kinh tế lớn bậc nhất thế giới. Tầng lớp này cũng được dự báo sẽ tăng gấp đôi chi tiêu dùng lên 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Về nền tảng chuyển đổi xanh và hạ tầng năng lượng, phân tích của giới chuyên gia chỉ ra rằng, chuyển đổi xanh của ASEAN có thể mang đến hơn 1.000 tỷ USD trong các cơ hội kinh tế hàng năm. Trong khi đó, ASEAN hiện đang đặt mục tiêu đạt 23% năng lượng tái tạo trong nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp vào năm 2025.

Đối với nền tảng từ RCEP, việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này là minh chứng rõ nét cho thấy sức hội nhập mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong các lĩnh vực thương mại và thúc đẩy đầu tư cho khu vực. RCEP sẽ cho phép tiêu chuẩn hóa các quy định xuyên biên giới, từ đó đẩy mạnh hiệu quả kinh tế.

Phân tích của giới chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cần tìm kiếm những địa điểm mới để hiện thực hóa các tham vọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sự cải thiện đáng kể về mức độ thuận lợi trong kinh doanh và hồ sơ nhân khẩu học thuận lợi của ASEAN là đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp toàn cầu. Trên thực tế, ASEAN là một khu vực có các thế mạnh bổ sung cho nhau, đồng thời có vị thế tốt để đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong một thế giới ngày càng đa cực, nơi sản xuất ngày càng bị phân mảnh.

Động lực tăng trưởng chính

Các nhà kinh tế thế giới cùng chung nhận định, các cường quốc phương Tây ngày càng coi trọng động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Trong đó, một phần đáng kể xuất khẩu từ các nước ASEAN sang Trung Quốc được tái xuất sang Mỹ và châu Âu để là nơi tiêu thụ cuối cùng. Từ đó có thể thấy, các nền kinh tế phương Tây là động lực thúc đẩy chính cho sự tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á, bất chấp ảnh hưởng ngày càng gia tăng xuất phát từ những diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Tàu vận chuyển container hàng hóa di chuyển trên sông Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Trúc

Công ty quản lý tài sản Amundi của Pháp vừa qua công bố báo cáo đánh giá đầu tư toàn cầu, trong đó nêu nhận định, sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á nói chung đang tạo ra yếu tố tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mối quan hệ mật thiết với Mỹ và châu Âu với các mối liên kết thương mại, tài chính và kinh doanh mạnh mẽ.

Nhà kinh tế học Vishrut Rana (Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings) nhìn nhận, trong ASEAN, Việt Nam, Singapore và Thái Lan có mức độ tiếp xúc toàn cầu cao nhất, với nhu cầu bên ngoài chiếm hơn 40% nền kinh tế của mỗi quốc gia. Theo sát những nền kinh tế này là Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc) với giá trị gia tăng đi đến các thị trường bên ngoài thấp hơn 40% trong các nền kinh tế của mình.

Mặt khác, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản là những nền kinh tế hướng nội hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỗi nền kinh tế này có chưa đến 8% giá trị gia tăng của họ tiếp xúc với Mỹ, khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) và Trung Quốc cộng lại. Hơn 80% tổng giá trị gia tăng của các nước này bắt nguồn từ trong nước.

Trung Quốc cũng nằm trong số các nền kinh tế hướng nội, với khoảng 86% giá trị gia tăng phụ thuộc vào nhu cầu trong nước. Tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là một điểm đến xuất khẩu thể hiện mạnh mẽ nhất đối với Australia. Nhu cầu từ Trung Quốc chiếm khoảng 7% nền kinh tế nước này, so với 3% của Mỹ và Eurozone cộng lại.

Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng năm 2023 sẽ chậm lại ở 2 khu vực chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo đồng USD danh nghĩa là Mỹ và châu Âu. Trong đó, châu Âu tăng trưởng chậm lại với lãi suất cao hơn, tuyển dụng giảm và thị trường nhà ở yếu hơn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Ở Mỹ, lãi suất cao hơn cũng dẫn đến hoạt động kinh doanh chậm hơn và tiết kiệm hộ gia đình đang giảm dần. Ngược lại xu thế này, sự đồng thuận của thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 5% trong năm 2023 sau khi từ bỏ chính sách “Zero-Covid”.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO