Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950:

Kinh nghiệm tiến hành công tác chính trị trong Chiến dịch Biên giới 1950

Biên phòng - Tiến hành công tác chính trị là một trong những nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt mọi thời kỳ, giai đoạn và mọi nhiệm vụ của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), công tác chính trị góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 (Quân khu 1) tham quan, học tập tại Nhà truyền thống Chi đoàn cứu quốc đầu tiên trong quân đội. Ảnh: QĐND

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng và mưu trí, Chiến dịch Biên giới năm 1950 đã giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược và tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến; đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Đồng thời, thắng lợi của chiến dịch để lại những kinh nghiệm quý về tiến hành công tác chính trị, biểu hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội-yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của chiến dịch.

Để bảo đảm thắng lợi Chiến dịch Biên giới năm 1950, vấn đề giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng và củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội là một nhiệm vụ được Trung ương Đảng hết sức coi trọng. Đầu tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra mặt trận, bám sát tình hình để kịp thời chỉ đạo Bộ chỉ huy (BCH) chiến dịch và động viên bộ đội chiến đấu. Tổng cục Chính trị nhanh chóng biên soạn tài liệu “Mấy vấn đề về công tác trong chiến dịch” và có hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ về công tác chính trị, công tác tư tưởng cho bộ đội để chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện.

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, trước chiến dịch, Đảng ủy Mặt trận đã xác định công tác chính trị, tư tưởng là vấn đề trung tâm, phải “tăng cường lãnh đạo tư tưởng trước, trong và sau khi chiến đấu” và phải tiến hành bằng những biện pháp rất cụ thể. Trước mỗi trận và mỗi đợt chiến đấu, BCH chiến dịch đã ban hành các văn bản chỉ đạo để vừa phổ biến kinh nghiệm về công tác chính trị, vừa bổ khuyết những vấn đề tồn tại. Trong quá trình tác chiến chiến dịch, Đảng ủy Mặt trận xác định yêu cầu của công tác tư tưởng là: “Làm cho tất cả cán bộ và đội viên kiên quyết quả cảm, anh dũng chiến đấu đến cùng, triệt để phục tùng mệnh lệnh đến cùng, đánh mạnh, xông mạnh, đuổi mạnh để tiêu diệt sinh lực địch”. Cùng với đó, chúng ta đã coi trọng lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền cổ động, thi đua lập công trong từng trận, từng đợt của chiến dịch; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thăm hỏi, thực hiện tốt chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ..., qua đó giáo dục, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu cho bộ đội, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch.

Hai là, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng hệ thống các tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết đối với thắng lợi của chiến dịch.

Ngày 25-7-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận và BCH chiến dịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Ngày 21-8-1950, Đảng ủy Mặt trận quyết định thành lập đảng ủy lâm thời ở các đại đoàn, trung đoàn tham gia chiến dịch. Sau khi được kiện toàn, đảng ủy các đại đoàn, trung đoàn đã tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm các quy định về nền nếp làm việc, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng. Các chi bộ lãnh đạo việc duy trì hoạt động tổ 3 người; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng binh sĩ và ban công tác chính trị đại đội; khắc phục tình trạng làm việc hình thức, quan liêu, không có kế hoạch, không có trọng tâm. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chiến dịch; phản ánh bước phát triển mới của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong quân đội.

Cùng với kiện toàn tổ chức đảng, công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ được Đảng ủy Mặt trận lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, công khai, dân chủ, với phương châm “Mạnh bạo đề bạt và điều chỉnh cán bộ cho hợp lý để tránh tình trạng thiếu cán bộ... nhằm sẵn cán bộ có năng lực, tư cách để khi tác chiến sẽ đề bạt lên thay thế cho cán bộ hy sinh, tăng cường cán bộ cho các đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt; phân phối đảng viên để nắm vững cho được các đơn vị, đặc biệt là tổ 3 người”. Nhờ đó, cán bộ được đề bạt luôn phát huy tốt khả năng, sở trường, nâng cao năng lực lãnh đạo đơn vị. Các tổ chức quần chúng dần được hình thành và phát triển, hoạt động ngày càng nền nếp và hiệu quả.

Ba là, làm tốt công tác dân vận, phát huy tốt vai trò của lực lượng dân công phục vụ và nhân dân các địa phương tham gia chiến dịch.

Trước chiến dịch, Đảng ủy Mặt trận đã lãnh đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc quan điểm chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng gian khổ, khó khăn, sẵn sàng tham gia phục vụ chiến dịch. Trong giai đoạn thực hành chiến dịch, công tác dân vận tập trung vào việc động viên bộ đội chấp hành nghiêm các chính sách, quy định, kỷ luật về mối quan hệ quân-dân khi tiếp quản các vùng mới giải phóng. Đối với nhân dân ở các địa bàn mở chiến dịch, công tác dân vận đã góp phần thực hiện tốt sự phối hợp giữa cấp ủy, đơn vị chủ lực với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức sử dụng dân quân, du kích hiệp đồng chiến đấu. Bằng việc chấp hành nghiêm chính sách dân tộc, tôn giáo, kỷ luật dân vận và công tác địch vận... làm cho nhân dân ngày càng tin yêu bộ đội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của chiến dịch; tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Sau khi kết thúc chiến dịch, Đảng ủy và BCH chiến dịch lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bình công, báo công, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong chiến đấu; tuyên dương thành tích của các thương binh, anh hùng liệt sĩ và các gia đình chính sách, người có công; tổ chức cho bộ đội giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất; phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương duy trì trật tự trị an, trấn áp lực lượng phản động, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân; thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Chính phủ với những người từng làm cho địch nhưng tình nguyện ở lại với cách mạng..., qua đó góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa bộ đội với nhân dân.

Bốn là, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng gian, bảo mật; công tác địch vận.

Trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành chiến dịch, công tác phòng gian, bảo mật được Đảng ủy Mặt trận rất coi trọng khi ra Chỉ thị “Về vấn đề giữ bí mật”, tổ chức quán triệt đến cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, từ đó nâng cao ý thức phòng gian, bảo mật nhiệm vụ, tổ chức, lực lượng, phương châm tác chiến; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giữ bí mật, nhất là đối với các xã có bộ đội đóng quân..., bảo đảm bí mật mọi hoạt động của chiến dịch.

Đảng ủy, BCH chiến dịch đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Trung ương Đảng, coi công tác địch vận là “vấn đề chiến lược”, là một cuộc vận động cách mạng để làm tan rã địch về tư tưởng và tổ chức. Quá trình tổ chức thực hiện, tập trung khai thác vào những điểm yếu của địch để tiến hành tuyên truyền, vận động, cảm hóa những người bên kia chiến tuyến, hướng dẫn họ hành động có lợi cho chiến dịch. Trong tác chiến, ta đã kết hợp tác chiến với địch vận, vừa đánh vừa gọi loa phóng thanh, rải truyền đơn, dùng khẩu lệnh nghi binh để làm tan rã binh lính địch. Đây là chiến dịch đầu tiên ta sử dụng phương pháp thả tù binh, thương binh địch ngay tại trận địa (nhưng trong phạm vi không để lộ bí mật về vũ khí, tác chiến); sử dụng họ như những kênh để tuyên truyền ở những nơi địch còn chống cự. Nhờ vậy, có những trận đánh, địch tự nguyện hạ vũ khí đầu hàng quay về với cách mạng.

Từ những kinh nghiệm tiến hành công tác chính trị trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, để tiếp tục xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.

Thực tiễn lịch sử và trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 đã chứng minh: Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội vừa là nguyên tắc, vừa là nhân tố quyết định, bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với QĐND, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Do vậy, toàn quân tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW, ngày 17-11-2005 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với việc thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”. Đây là điều kiện để tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, tạo cơ sở vững chắc để xây dựng quân đội vững mạnh trong tình hình mới. Cần tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với thực hiện tốt chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị; góp phần nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị và xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Chú trọng xây dựng đội ngũ chính ủy, chính trị viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thực sự mẫu mực, tiêu biểu, có kiến thức toàn diện, xứng đáng là “người chủ trì về chính trị”; nắm chắc và vận dụng sáng tạo các quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành có hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị; có trình độ tổ chức, vận hành và phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Đảng, cơ quan chính trị và các tổ chức quần chúng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội cho cán bộ, chiến sĩ.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội nhằm tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Quân đội ta mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu..., thì nâng cao trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ là vấn đề đặc biệt quan trọng. Muốn vậy, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn nữa mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bồi dưỡng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ âm mưu, bản chất phản động của các thế lực thù địch, kịp thời đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, những biểu hiện dao động, thiếu lòng tin vào sự nghiệp đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội, nhận thức mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc... để làm cơ sở thống nhất về tư tưởng, củng cố vững chắc lòng tin của cán bộ, chiến sĩ đối với sự nghiệp đổi mới, tạo ra vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc, vô hiệu hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác dân vận gắn với thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, góp phần xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Trước hết, cần quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Tiếp đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần nhận thức đúng, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ tiến hành công tác dân vận; giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ ý nghĩa, nội dung, phương pháp tiến hành công tác dân vận, nhất là các đơn vị đóng quân trên địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng biên giới, hải đảo. Cùng với đó, phải quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, coi đó là một nội dung quan trọng để xây dựng QĐND, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Thứ tư, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong bảo đảm an toàn thông tin, bí mật quân sự.

Toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, nâng cao cảnh giác phòng gian, bảo vệ thông tin, bí mật quân sự trong tình hình mới. Cùng với đó, cần làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đặc biệt là đối với các cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật; thực hiện nghiêm quy định của Bộ Quốc phòng trong quan hệ, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân nước ngoài và quy định về trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; quy định về sử dụng internet; quản lý chặt chẽ công văn, tài liệu, vũ khí, khí tài, trang bị và tài sản của quân đội; đấu tranh, phòng, chống mọi biểu hiện, hoạt động của địch nhằm lợi dụng quan hệ, hợp tác quốc phòng để thu thập thông tin bí mật, cài cắm, móc nối, lôi kéo người trong nội bộ ta.

Phát huy những kinh nghiệm tiến hành công tác chính trị trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nói trên sẽ tạo cơ sở, nền tảng quan trọng để chúng ta xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

Bình luận

ZALO