Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Mô hình kiểm tra, kiểm soát “Một cửa, một lần dừng”:

Kinh nghiệm thực tiễn bổ ích ở tầm quốc tế

Biên phòng - Qua 5 năm vận hành, mô hình kiểm tra, kiểm soát “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) – Densavan (Lào) đã góp phần tích cực trong đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính. Trong quá trình thực hiện mô hình tuy vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, song mô hình “Một cửa, một lần dừng” đã tạo nên bước đột phá mới, đem lại những tín hiệu tích cực, tạo điều kiện thông thoáng cho hành khách, phương tiện xuất, nhập cảnh và hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và giao thương qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Quang cảnh cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.Ảnh: Lê Thừa Văn

Trong khuôn khổ Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (gọi tắt là Hiệp định GMS-CBTA), ngày 25-3-2005, Việt Nam và Lào đã ký Bản ghi nhớ về triển khai kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan theo 4 bước.

Năm 2007, hai nước bắt đầu áp dụng thí điểm bước 1: Các bên ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp để cùng nhau kiểm tra hàng hóa một lần tại khu vực kiểm tra chung của nước nhập cảnh. Năm 2012, trên cơ sở tình hình triển khai thực tế, Việt Nam và Lào nhất trí chuyển thực hiện từ bước 1 lên thẳng bước 4. Ngày 6-2-2015 đánh dấu sự kiện quan trọng khi Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào tổ chức khai trương bước 4 mô hình kiểm tra "Một cửa, một lần dừng" (gọi tắt là mô hình SWI/SSI) tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Việc vận hành toàn bộ 4 bước này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong hoạt động xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu với việc rút ngắn được thời gian thông quan cho người, hàng hóa và phương tiện; thủ tục qua lại cửa khẩu được tập trung, đơn giản hóa, tiến hành rõ ràng hơn cho các đối tượng tham gia; minh bạch hóa hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng, chống thất thu thuế, chống sách nhiễu của các cơ quan chức năng do có sự giám sát quốc tế.

Việc triển khai mô hình SWI/SSI tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng tại các cặp cửa khẩu giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) cũng như giữa các nước ASEAN, điều này không chỉ mang lại kết quả có ý nghĩa tầm quốc gia trong xu thế hội nhập khu vực và cải cách hành chính trong lĩnh vực Hải quan, mà còn đem lại kinh nghiệm thực tiễn bổ ích ở tầm quốc tế đối với cơ chế “một cửa” và sau này là cơ chế “Một cửa quốc gia - NSW”, “Một cửa ASEAN - ASW”...

Trong quá trình thực hiện, mô hình SWI/SSI đã bước đầu đạt được những mục tiêu và kết quả quan trọng trong việc cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp và người dân qua lại. Đồng thời, giúp cho hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet tận dụng vai trò đầu cầu của hai nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để bứt phá vươn lên, tạo sự phát triển đồng đều trên mọi lĩnh vực, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.

Cụ thể: Các cơ quan Trung ương hai nước Việt Nam - Lào đã ký kết được nhiều thỏa thuận triển khai thực hiện mô hình SWI/SSI. Các thỏa thuận theo ngành và lĩnh vực đã ký kết bao gồm: Các thỏa thuận về xuất, nhập cảnh giữa Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam và Bộ An ninh Lào; các thỏa thuận về Hải quan giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào; các thỏa thuận về kiểm dịch động vật, thực vật... Chính quyền hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã quyết tâm chỉ đạo và thống nhất việc triển khai mô hình SWI/SSI vào nội dung các văn bản thỏa thuận cấp cao giữa hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet giai đoạn 2014-2016; giai đoạn 2017-2019 và giai đoạn 2020-2022.

Cơ sở hạ tầng tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavan như nhà làm việc và trang thiết bị chuyên ngành cho các cơ quan chức năng hai nước, khu vực tập kết kiểm tra hàng hóa, kết nối mạng tại cửa khẩu được đầu tư đồng bộ. Nhiều hạng mục quan trọng đã được đầu tư, nâng cấp như: Công trình nâng cấp, mở rộng cầu Xà Ợt 2, công trình mở rộng địa điểm kiểm tra chung tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo... với tổng kinh phí đầu tư 141,25 tỷ đồng và 10,3 tỷ kíp Lào.

Nhờ tiến hành bước 4 trong mô hình kiểm tra, kiểm soát theo mô hình SWI/SSI, các cơ quan quản lý chuyên ngành của hai bên đã gần như đồng thời triển khai tất cả các thủ tục liên quan tại nước nhập. Vì vậy, công việc được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn được 40-50% thời gian chờ đợi, di chuyển và làm thủ tục tại cửa khẩu, tạo sự minh bạch trong hoạt động xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu. Lực lượng kiểm soát xuất, nhập cảnh hai nước cùng làm việc tại cửa khẩu của bên nhập cảnh nên việc trao đổi thông tin, cũng như xử lý các vụ việc xảy ra liên quan đến hai bên được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Trong thời gian triển khai mô hình, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho 2.775.419 lượt người, 499.577 lượt phương tiện với 3.060.533 tấn hàng hóa, đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu 1.223 triệu USD...

Để có được sự thành công bước đầu trong việc triển khai thực hiện mô hình như trên là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp, các ngành ở Trung ương; sự phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời, nhịp nhàng giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet. Bên cạnh đó, mô hình cũng đã nhận được sự giúp đỡ, tài trợ từ phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cùng với sự quan tâm của các bên liên quan khác. Cùng với đó, với vị trí địa lý thuận lợi, địa điểm làm thủ tục và kiểm tra chung (CCA) của hai bên nằm liền kề nên thuận tiện cho việc triển khai mô hình này. Ngoài ra, tình hình chính trị hai nước Việt Nam và Lào ổn định, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để triển khai thành công mô hình.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu và những thuận lợi, trong quá trình triển khai mô hình SWI/SSI cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần được xem xét, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ từ các cấp vĩ mô để mô hình được triển khai tốt hơn trong thời gian tiếp theo, đó là:

Các thỏa thuận đã ký giữa các bộ chủ quản chỉ là thỏa thuận quốc tế (cấp ngành, hiệu lực pháp lý chưa cao, không vượt qua được quy định pháp luật hiện hành của mỗi nước), chưa tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lực lượng chức năng của hai bên trong công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực tế hiện nay, các lực lượng chức năng của hai nước có xu hướng ưu tiên áp dụng pháp luật trong nước trước, nhưng các quy định, cơ chế chính sách của mỗi bên còn nhiều điểm khác nhau dẫn đến gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện thỏa thuận chung. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa, phương tiện xuất nhập qua cửa khẩu còn bất cập, chồng chéo, chưa đồng bộ, một số lĩnh vực còn lúng túng; thỏa thuận về xử lý đối với trường hợp vi phạm tại điểm kiểm tra chung đối với hàng hóa, phương tiện còn nhiều bất cập, khó thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế hai nước chưa ký kết thỏa thuận kiểm dịch trong lĩnh vực y tế nên việc triển khai công tác kiểm dịch y tế có tính đặc thù cao tại cửa khẩu chưa được thực hiện theo mục đích chung...

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ thực tế triển khai, để việc thực hiện mô hình SWI/SSI đạt hiệu quả cao và đúng mục đích đã đề ra, tỉnh Quảng Trị đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như sau:

Thứ nhất, Chính phủ hai nước cần sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện mô hình SWI/SSI nhằm đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Qua đó, quyết định việc có nên nhân rộng và triển khai mô hình này tại tất cả các cửa khẩu trên cả nước nhằm tạo điều kiện thực hiện một cách đồng bộ và công bằng để thu hút hàng hóa xuất, nhập khẩu, người và phương tiện xuất, nhập cảnh qua lại giữa hai nước.

Thứ hai, để vận hành mô hình được tốt hơn trong thời gian tới, Chính phủ hai nước cần sớm đàm phán và đi đến ký kết một thỏa thuận chung về thống nhất quy trình kiểm tra, kiểm soát chung theo mô hình SWI/SSI tại cặp cửa khẩu Lao Bảo – Densavan nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc triển khai các quy trình kiểm tra, kiểm soát giữa các lực lượng chức năng của hai bên tại cửa khẩu.

Thứ ba, tổ chức, bố trí các lực lượng cùng tham gia mô hình kiểm tra theo đúng thỏa thuận đã ký kết, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc triển khai thực hiện. Xây dựng và tôn trọng tiến trình công việc của nhau, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, du lịch và các hoạt động khác của người dân qua lại cửa khẩu.

Thứ tư, cần minh bạch các loại phí, lệ phí trong quá trình làm thủ tục thông quan biên giới. Tổ chức phương pháp thu phí khoa học, áp dụng công nghệ thông tin để giảm bớt các đầu mối thu, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, hành khách nhằm đẩy nhanh thời gian thông quan.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế theo hướng hội nhập và hiện đại. Qua đó, không chỉ tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và giao thương qua biên giới, mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, đồng thời, củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và giữa hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet nói riêng.

Võ Văn Hưng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)

Bình luận

ZALO