Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 02:51 GMT+7

“Kim chỉ nam” xây dựng “lũy thép biên cương”

Biên phòng - Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 29-8-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 33) ra đời trong bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nghị quyết số 33 đã thể hiện nhiều nội dung sâu sắc, toàn diện, khoa học, bao hàm nhiều vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước. Để bạn đọc hiểu thêm về ý nghĩa của Nghị quyết số 33, nhân dịp Tết Canh Tý 2020, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.

zv74_12a
Thượng tướng Võ Trọng Việt. Ảnh: Viết Hà

- Thưa Thượng tướng, Nghị quyết số 33 có ý nghĩa như thế nào đối với lực lượng BĐBP nói riêng và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới nói chung? 

- Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, qua đó giúp các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương thống nhất được nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghị quyết ra đời đã tạo cơ sở để Chính phủ, các địa phương có biên giới ban hành cơ chế chính sách, tạo nguồn lực, vật lực, xây dựng và bảo vệ biên giới tốt hơn, vững chắc hơn. Đồng thời, đây là “kim chỉ nam” để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại trên biên giới, phát huy sức mạnh toàn dân xây dựng “lũy thép biên cương”. 

Đối với BĐBP, đây là cơ sở hết sức quan trọng để tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền các địa phương ban hành nhiều chính sách xây dựng biên giới như: Đưa nhân dân lên biên giới; xây dựng cơ sở hạ tầng trên biên giới; gắn kết nhân dân hai bên biên giới bằng chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới… Qua đó, tạo nền móng vững chắc để xây dựng địa bàn biên giới ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, vững chắc về quốc phòng - an ninh.

- Hiện nay, lực lượng BĐBP đang nỗ lực xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, kịp thời các chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia. Thượng tướng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Việt Nam đã ký Hiệp ước biên giới, Nghị định thư về phân giới cắm mốc với 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hiện nay, đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và hoàn thành 84% việc phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia. Giao thương qua lại biên giới ngày càng phát triển, đoàn kết nhân dân hai bên biên giới được tăng cường và phát triển. Ngoài ra, Quốc hội đã xây dựng, Nhà nước đã ban hành các luật liên quan về biên giới, Biên phòng như: Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát Biển Việt Nam... Hoạt động của BĐBP ảnh hưởng trực triếp đến quyền con người và quyền công dân. Tất cả quyền con người, quyền công dân phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Do đó, Pháp lệnh BĐBP không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Vì vậy, Luật Biên phòng Việt Nam khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết tốt các vấn đề về biên giới, biển đảo.

- Để thực hiện thắng lợi quan điểm “nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia” được nêu trong Nghị quyết số 33, lực lượng BĐBP cần tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Thượng tướng?

- Lực lượng BĐBP muốn hoàn thành vai trò chuyên trách thì phải dựa vào dân, vì nhân dân là chủ thể, “cột mốc sống”, nhân chứng lịch sử trên biên giới, nhân dân là sức mạnh tổng hợp để thực hiện mọi chính sách bảo vệ biên giới. Vì vậy, lực lượng BĐBP phải dựa vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, chăm lo cho nhân dân thì nhân dân thương yêu, đùm bọc, và lúc đó BĐBP mới hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

2xha_12b
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, BĐBP Đồng Tháp và Đồn Công an bảo vệ biên giới Bontiachaccray, Tiểu đoàn Công an bảo vệ biên giới 607, Ty Công an tỉnh Prey Veng, Campuchia phối hợp tuần tra song phương. Ảnh: Viết Hà

- Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển vùng biên giới, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Là người có nhiều năm gắn bó với lực lượng BĐBP, theo Thượng tướng, lực lượng BĐBP cần tham mưu như thế nào với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương để hoàn thành mục tiêu đề ra?

- Trên biên giới, đời sống của đồng bào các dân tộc vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Đây là trí tuệ tập thể, quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội nhằm tập trung nguồn lực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, dần đưa miền núi tiến kịp với đồng bằng. Nghị quyết cũng nêu rất rõ vai trò, vị thế của BĐBP trong việc thực hiện đề án.

Tôi tin chắc rằng, BĐBP sẽ tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách và chủ động nghiên cứu, có nhiều chương trình hành động về biên giới, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu mỗi đồn Biên phòng có một chương trình, BĐBP tỉnh có một đề án, cả lực lượng BĐBP sẽ có nhiều bài học quý giá để chăm lo, giúp đỡ nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Mối quan hệ “máu thịt” giữa nhân dân với BĐBP là sức mạnh tổng hợp, không có thế lực nào có thể phá hoại được.

- Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Viết Hà - Trần Đức (thực hiện)

Bình luận

ZALO