Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 05:45 GMT+7

Kiên trì đưa khoa học vào từng bản

Biên phòng - “Hiện nay, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi, biên giới tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Phải nói rằng, chính sách đang “chồng” chính sách, nhưng vẫn chưa thay đổi căn bản nếp nghĩ, nếp làm cũ của đồng bào các dân tộc. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ chọn con người, chọn dự án thực hiện thiết thực, lâu dài, mới tạo bước đột phá lớn”.

Đại tá Trịnh Thanh Bình. Ảnh: Hải Luận

Đó là mở đầu trao đổi của Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình với phóng viên Báo Biên phòng. Đại tá Trịnh Thanh Bình nói tiếp: “Từ dự án phát triển lúa nước ở vùng đồng bào dân tộc Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, đã tạo nên nhiều “cái được”: Được lương thực tại chỗ, đảm bảo dự trữ lúc mùa mưa bão và giáp hạt; được tiếp cận kỹ thuật trồng lúa nước hiện đại, hiệu quả hơn trồng lúa rẫy; được xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại trợ cấp của Chính phủ...”.

Lấy sinh lợi kinh tế hộ gia đình làm “chuẩn”

- Hôm vừa rồi, tôi chứng kiến đồng chí vừa bước xuống xe, đã có nhiều người dân xã Thượng Hóa đến bắt tay rất niềm nở, chào đón giống như người anh em lâu ngày gặp lại. Hình ảnh đó bắt nguồn từ đâu?

- Cách đây 10 năm, tôi làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng, là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án khai hoang phát triển vùng lúa nước ở Rục Làn, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hằng ngày tôi cùng bộ đội và bà con dân bản lao động trên đồng ruộng, ban đêm xuống nhà dân vận động bà con tham gia làm ngày công hợp tác xã, đến khi có lúa thu hoạch, chia đều cho các hộ dân, ai cũng mừng vui. Từ đó đến nay, mỗi năm làm được hai vụ ăn chắc. Bây giờ, tôi giữ chức Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, xuống đây bà con vẫn coi như anh đồn trưởng lội ruộng gieo lúa ngày nào.

- Là người đã đặt lát cuốc, lát rựa đầu tiên cho vùng lúa nước Rục Làn, sau 10 năm, đồng chí thấy đời sống kinh tế ở đây phát triển như thế nào?

- Công cuộc khai phá vùng lúa nước Rục Làn là cả một câu chuyện rất dài, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu của bộ đội. Tôi chỉ nêu vài chi tiết, đồng bào Rục trước đây đa phần ở trong hang đá, nguồn sống chủ yếu ở trong rừng, sau đó, ra định cư ở dưới chân núi, họ thấy phân bò rất sợ, nhưng khi làm lúa, chúng tôi đi hốt phân bò đổ ra ruộng lúa, bà con miễn cưỡng làm theo. Qua thời gian, họ thấy lúa có hạt nhiều, thu hoạch thành cơm ăn thật. Từ miệng bộ đội nói, tay bộ đội làm đến cơm bà con ăn là cả một quá trình. Bây giờ, ruộng lúa của bà con đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ, cái lớn nhất là bà con đã tự ý thức và chủ động trong sản xuất. Những việc khó bộ đội vẫn còn làm giúp, như ủ giống lúa về mùa Đông, phun thuốc trừ sâu, sử dụng máy cày, điều tiết nước tưới tiêu...

- Nếu bà con chỉ bám vào diện tích lúa nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, những năm gần đây có phát triển gì thêm để tăng thu nhập?

- Bà con đã có niềm tin vào hạt thóc, Đồn Biên phòng Cà Xèng cùng với chính quyền địa phương tích cực vận động bà con chăn nuôi bò, trâu. Bây giờ, đại bộ phận bà con đã có ý thức và biết cách sinh lợi từ con bò, con trâu, con gà. Nhiều hộ từ một con bò được tặng để xóa đói giảm nghèo ban đầu, nay đã nhân lên thành đàn bò 5 - 15 con. Tôi rút ra kinh nghiệm, trong mọi cuộc vận động, mọi dự án, phải lấy sinh lợi kinh tế hộ gia đình làm “chuẩn”, sẽ tạo ra mọi trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của những người tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn.

Xây dựng “bản đời sống mới”

- Tháng 11-2019, Quốc hội đã có Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Qua hoạt động thực tiễn, theo đồng chí, vùng biên giới tỉnh Quảng Bình cần phát triển như thế nào cho đạt hiệu quả cao?

- Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giống như đầu tư vào “rừng sâu”. Đây là vấn đế rất khó khăn, chứ không phải đơn giản. Chính phủ cần có đánh giá, tổng kết lại thực tiễn toàn bộ những chương trình, chính sách trước đây đã triển khai trong dân, xem nó được và chưa được chỗ nào. Từ đó mới đúc rút ra bài học kinh nghiệm, nhiều dự án trồng cây, vật nuôi... đến bây giờ có bao nhiêu phần trăm cây sống được và đã sinh lợi kinh tế như thế nào? Trên cơ sở đó, khảo sát thật kỹ lưỡng ở từng vùng dân cư, từng vùng đồng bào dân tộc, thậm chí từng bản. Cần quy hoạch lại khu dân cư, sắp xếp lại sao cho có khoa học nếp sống mới. Xây dựng lại hương ước, tập tục của bản làng, những cái căn cốt về bản sắc văn hóa của bản làng cần giữ gìn và phát huy, những thứ lạc hậu cần loại bỏ. Ví dụ như uống rượu say xỉn, mê tín dị đoan... cần loại bỏ.

Lựa chọn trưởng bản trẻ, có học vấn, dễ dàng tiếp thu các tiến bộ khoa học mới và truyền đạt lại cho người dân. Tạo ra ý thức tự vươn lên, không sống dựa dẫm vào các nguồn trợ cấp xã hội. Cần xây dựng điểm “bản đời sống mới”, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra nhiều nơi.

- Theo đồng chí, xây dựng “bản đời sống mới” cần làm như thế nào?

- Từ câu chuyện làm lúa nước ở Rục Làn, không phải ngày một, ngày hai là làm được ngay. Để làm thay đổi một tập tục, một thói quen cũ ở một bản đồng bào dân tộc, thay vào những tiến bộ khoa học trong sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt... cần có thời gian dài 5 – 10 năm, thậm chí lâu hơn. Vấn đề then chốt nhất, xuyên suốt nhất là con người và lực lượng nào đủ sức theo sát, kiên trì bám trụ cùng bà con cho đến ngày thành công.

Bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, những năm trước chỉ có vài con trâu, bò, đến nay, đã nhân lên hàng trăm con. Ảnh: Hải Luận

Tiêu chí thành công ở đây, sau khi lực lượng thực hiện dự án rút đi, người dân trong bản tự đứng ra tổ chức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong bản không còn người uống rượu say xỉn. Hôm nay, chúng ta nỗ lực làm, mai sau sẽ làm thay đổi nhận thức thế hệ trẻ dọc biên giới biết làm giàu tại chỗ.

Muốn vậy, cần có những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến cụ thể của các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty... triển khai ngay tại thôn, bản. Nó vừa là mô hình trình diễn kinh tế sinh lợi, vừa làm trung tâm đào tạo cho người dân trong vùng, đặc biệt lớp trẻ cần phải đào tạo kỹ lưỡng và chuyên sâu. Kiên trì đưa khoa học vào từng bản mới xây dựng thành công “bản đời sống mới”.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Hải Luận (thực hiện)

Bình luận

ZALO