Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá vi phạm khai thác hải sản trên biển

Biên phòng - Ngày 11/5, Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau do Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh; xã Khánh Bình Tây và thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Sông Đốc kiểm tra thực tế tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Lê Khoa

Đoàn công tác tập trung kiểm tra công tác quán triệt, triển khai đấu tranh, ngăn chặn khai thác IUU; kiểm tra tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm; tàu cá mất kết nối nằm bờ, mất kết nối ngoài khơi, tàu cá vi phạm IUU, tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU.

Thiếu tá Trần Thanh Vạn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Khánh Hội thông tin, địa bàn đơn vị quản lý hiện có 824 phương tiện lớn nhỏ đang hoạt động các nghề đánh bắt khai thác thủy sản, trong đó có 234 phương tiện có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%, số còn lại hoạt động các vùng gần bờ. Đơn vị thường xuyên kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu vực biên giới biển; tuyên truyền ngư dân nâng cao hiểu biết về pháp luật và cam kết đánh bắt khai thác thủy sản đúng vùng tuyến, đặc biệt không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, do cửa biển Khánh Hội bị bồi lắng, làm cho luồng lạch bị cạn gây khó khăn cho việc ra vào của ngư dân. Cửa biển cạn còn kéo theo hệ lụy như các phương tiện lớn của địa phương phải vào các cửa biển khác trong tỉnh, hoặc các tỉnh khác, đồng thời phương tiện của địa phương khác cũng không vào địa bàn, các cơ sở thu mua, chế biển thủy sản ở địa phương không có nguồn hàng để thu mua; các hang nước đá, xăng dầu…. các hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu khác cũng gặp khó khăn. Thiếu tá Trần Thanh Vạn, cho biết và đề xuất các cấp, các ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn này cho địa phương.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc (Đồn Biên phòng Sông Đốc) quản lý 561 phương tiện, trong đó có 183 tàu thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (gồm 2 xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời). Ngư dân chấp hành nghiêm việc lắp đặt và duy trì kết nối thường xuyên, liên tục; hoạt động đúng giấy phép quy định.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc quản lý hơn một ngàn phương tiện, trong đó có hơn 900 phương tiện thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; ngoài ra tại cửa biển Sông Đốc thường xuyên có trên 100 phương tiện các địa phương khác ra vào hoạt động, giao lưu hàng hóa trên địa bàn.

Hiện nay các đơn vị đều đã được triển khai phần mềm kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến và hệ thống giám sát hành trình tàu cá; đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện và đảm các quy định phòng chống IUU, các Trạm Kiểm soát Biên phòng đều xây dựng được hệ thống sổ sách theo dõi, ghi chép đầy đủ từng người đi trên tàu ra vào cửa biển. Duy trì nghiêm hệ thống thông tin liên lạc với ngư dân để kịp thời kêu gọi, thông báo khi phát hiện tàu đánh cá của ngư dân có nguy cơ vi phạm, cũng như trao đổi nắm tình hình trên biển.

Thượng tá Phùng Đức Hưng kết luận buổi kiểm tra tại Đồn Biên phòng Khánh Hội. Ảnh: Lê Khoa

Qua kiểm tra thực tế, Thượng tá Phùng Đức Hưng yêu cầu Đồn Biên phòng Khánh Hội và Đồn Biên phòng Sông Đốc thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chống khai thác (IUU) theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Phùng Đức Hưng yêu cầu, đối với các trường hợp mất kết nối giám sát hành trình, cơ quan chuyên môn phối hợp địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm cụ thể lỗi mất tín hiệu, mất kết nối từ nhà cung cấp, thiết bị hư hỏng hay cố ý từ chủ tàu để có biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định.

Các đơn vị tiếp tục phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về việc khai thác hải sản. Thường xuyên kiểm tra, xác minh các phương tiện mất tín hiệu để khắc phục, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Tuyệt đối không giải quyết bất kỳ trường hợp nào không đảm bảo thủ tục theo quy định ra biển.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO