Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Kiên quyết xử lý nghiêm ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài

Biên phòng - Từ cuối năm 2016 đến hết năm 2017, BĐBP Cà Mau đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ tàu, thuyền trưởng cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 5 tỷ đồng. Với biện pháp mạnh đó, từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân ở địa phương này đã giảm đáng kể. Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

h1bg_7a
Đại tá Lương Hoàng Đông. Ảnh: Lê Khoa

PV: Thưa đồng chí, thời gian qua BĐBP Cà Mau đã làm gì để làm giảm tình trạng tàu cá ngư dân trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép thủy, hải sản?

Đại tá Lương Hoàng Đông: Thời gian qua, BĐBP Cà Mau đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều biện pháp để xử lý tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm các quy định trong đánh bắt khai thác thủy sản. Đồng thời, từ năm 2016 đến nay, các đồn Biên phòng trong tỉnh đã phối hợp mở hàng trăm lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; đặc biệt tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về chấp hành các quy định khi đánh bắt trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh việc mở các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền tập trung, hằng ngày, khi làm thủ tục cho ngư dân ra vào hoạt động trên biển, cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát đều tuyên truyền và phát tờ rơi cho ngư dân trên các phương tiện nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật để ngư dân chấp hành nghiêm.

BĐBP Cà Mau còn thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, xử phạt... để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt tàu cá, đặc biệt đối với tàu đánh bắt xa bờ; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép.

Đến nay, BĐBP Cà Mau đã hướng dẫn, vận động hơn 2 nghìn chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ đăng ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Nhờ triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên biển nên tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý từ đầu năm 2018 đến nay đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

PV: Được biết, UBND tỉnh Cà Mau đã giao cho BĐBP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các huyện ven biển triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn vấn đề này?

Đại tá Lương Hoàng Đông: Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng phương tiện của ngư dân Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện ven biển cùng với BĐBP phối hợp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, các chủ tàu cá khai thác xa bờ làm cam kết không đưa tàu sang khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

UBND tỉnh Cà Mau giao cho BĐBP tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin - Truyền thông, Viettel Cà Mau triển khai lắp đặt hệ thống giám sát hành trình trên tàu cá. Vừa qua, lực lượng phối hợp đã thử nghiệm lắp đặt trên 10 tàu cá tại địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Đánh giá kết quả bước đầu cho thấy, ý thức chấp hành của một số chủ tàu chưa nghiêm, còn tắt thiết bị, hoặc gây nhiễu sóng vô tuyến điện. Nhưng qua kiểm định nhiều lần, đến nay, thiết bị này đã đảm bảo mọi thông số về kỹ thuật.

Lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh được thực hiện trong hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành trước ngày 15-9-2018 đối với nhóm tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài được chuộc về, chấp hành án xong được thả về và hiện đang hoạt động khai thác hải sản; nhóm tàu cá chưa vi phạm vùng biển nước ngoài mà thuộc quyền sở hữu của chủ tàu đã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; nhóm tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Giai đoạn 2 hoàn thành vào tháng 12-2018 đối với số lượng các tàu còn lại.

5b63356745571422210000dc
Tàu cá ngư dân Cà Mau chấp hành nghiêm quy định vùng tuyến đánh bắt. Ảnh: Lê Khoa 

PV: Theo đồng chí, việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá đã đem lại hiệu quả như thế nào trong công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản?

Đại tá Lương Hoàng Đông: Việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá đã phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản; đồng thời, hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Thiết bị này có độ phủ sóng rộng; có khả năng gửi nhật ký, báo cáo điện tử, nhận thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, có nút ấn khẩn cấp khi tàu gặp nạn.

Khi lắp đặt xong, thiết bị này sẽ cập nhật vị trí về Trung tâm quan sát đặt tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Nếu trung tâm phát hiện có phương tiện đang hành trình gần vùng biển giáp ranh với các nước, BĐBP sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho gia đình chủ phương tiện biết để kịp thời yêu cầu phương tiện quay trở lại. Nếu cố tình vi phạm, sẽ căn cứ vào dữ liệu để xử lý.

Với sự quyết liệt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, chúng tôi mong muốn ngư dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc khai thác thủy sản trên biển.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Khoa (Thực hiện)

Bình luận

ZALO