Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 08:43 GMT+7

Kiên quyết ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới

Biên phòng - Chiều 2-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 và 11 tháng năm 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.

s863_a1
 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Viết Hà

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, thuận lợi hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát. CPI tháng 11-2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. “Giá thịt lợn tăng rất cao, do nguồn cung thiếu hụt dẫn đến tình trạng thiếu hụt khoảng 340 nghìn tấn, do dịch tả lợn châu Phi cả nước phải tiêu hủy 5,9 triệu con và tình trạng buôn lậu thịt lợn diễn biến phức tạp” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp vì thiếu nguồn cung thịt lợn, các phóng viên đã có những câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về thực trạng và những giải pháp cân đối cung-cầu thịt lợn dịp cuối năm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mới đây Chính phủ đã có cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6-2019 đến nay, số lợn buộc tiêu hủy là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10-2019 và giảm 88% so với tháng 5-2019. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

“Chúng tôi đã có 6 hội nghị để chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn để nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp và các tỉnh, thành áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế dịch tả lợn châu Phi. Nhiều địa phương đã chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường. Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây. Đồng thời, có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia đã ký hiệp định song phương với nước ta về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối lượng thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã có các giải pháp tập trung làm tới cùng công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiến hành tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, gia trại, hộ gia đình. Nhân rộng nhanh các mô hình an toàn sinh học trong sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đảm bảo ba nguyên tắc, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, cân đối cung cầu, đảm bảo an sinh. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, những giải pháp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Ngăn chặn không cho lợn và sản phẩm lợn bán bất hợp pháp qua biên giới và nhập lậu lợn và sản phẩm lợn vào Việt Nam.

 

za61x32lpq-22440_f_k3oeot5g1_a2
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn dịp cuối năm. Ảnh: Viết Hà

Để làm rõ thêm vấn đề, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Bộ Công Thương luôn coi thịt lợn là những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Vì vậy, Bộ luôn theo dõi sát thị trường, cung - cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung để đưa ra các giải pháp ổn định thị trường. Bước vào tháng cuối năm, nhu cầu thực phẩm lớn, nếu chúng ta không cẩn trọng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thiếu nguồn cung thịt lợn ra thị trường, giá cả tăng cao sẽ ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, làm tăng chỉ số CPI và sự ổn định của nền kinh tế.

“Bộ đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía Bắc và Tây Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc xuất khẩu trái phép lợn sang nước khác, ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung thịt lợn trong nước đang ngày càng thiếu hụt. Đặc biệt, kiểm soát lợn nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam vì đây là hai quốc gia không nằm trong 24 quốc gia được Việt Nam cho phép nhập khẩu thịt lợn. Nếu để tình trạng nhập khẩu trái phép lợn vào Việt Nam dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Viết Hà

Bình luận

ZALO