Biên phòng - Chiều 8-5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm, đối thoại trực tuyến “Cuộc chiến chống ma túy: Thấy gì từ các vụ án khủng?”. Khách mời là Đại tá Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP; Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an. Thông qua buổi tọa đàm, các khách mời đã cung cấp cho người xem bức tranh toàn cảnh về tình hình tội phạm ma túy hiện nay. Đồng thời, để xã hội nhìn thấy những khó khăn, gian khổ, hi sinh của các lực lượng chức năng trên mặt trận đấu tranh với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp
Từ những tháng cuối năm 2018 đến những tháng đầu năm 2019, lực lượng BĐBP đã phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài nước đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, chặt đứt các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, thu giữ số lượng lớn ma túy.
Cụ thể, ngày 20-3-2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và các lực lượng chức năng đã đấu tranh thành công Chuyên án 218 LP, bắt giữ 11 đối tượng, trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam, thu giữ 300kg ma túy tổng hợp dạng đá.
Trước đó, nằm trong chuyên án này, ngày 27-2-2019, tại khu vực cầu tàu 2, km số 79, quốc lộ 8A, thuộc địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh và Hải quan Hà Tĩnh bắt quả tang đối tượng Vàng chu-giang Bria-chơ, sinh năm 1994, trú tại bản Vàng Ban, huyện Xay Chăm Phon, tỉnh Bô-ly-khăm-xay, Lào đang vận chuyển 294kg ma túy tổng hợp dạng đá...
Nói về tình hình tội phạm ma túy thời gian gần đây, Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết, mỗi năm các lực lượng chức năng của Việt Nam bắt giữ khoảng 20.000 vụ/30.000 đối tượng liên quan đến ma túy. Có những thời điểm, các trại tạm giam, trại giam có gần 50% số đối tượng, phạm nhân liên quan đến ma túy.
Hiện nay, toàn quốc có khoảng 250.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, con số này tăng gấp đôi so với 10 năm về trước. Cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên địa bàn nước ta đang ngày càng trở nên khốc liệt khi Việt Nam được xác định là địa bàn trung chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng đi các nước thứ ba tiêu thụ.
Nói rõ hơn vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn chứng, theo số liệu của các tổ chức quốc tế cung cấp, trong năm 2018, khu vực Tam giác vàng có khoảng 85.000ha trồng cây thuốc phiện, từ đó cung cấp ra thị trường khoảng 250 tấn ma túy đá, 300 tấn heroin, 3 tỉ viên ma túy tổng hợp, thu về khoảng 20 tỉ USD lợi nhuận cho các đường dây, tổ chức tội phạm.
Trong khi đó, nước ta có đường biên giới dài tiếp giáp với các nước Lào, Campuchia, lại có nhiều cửa khẩu thông thương, nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng, đường dây, tổ chức tội phạm lợi dụng thẩm lậu ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Cam-pu-chia vào nước ta rồi qua các nước khác tiêu thụ.
Liên quan đến địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy, Đại tá Nguyễn Ngọc Cảnh chỉ rõ: Trước đây, các đường dây, tổ chức, đối tượng thường lợi dụng khu vực biên giới các tỉnh Tây Bắc để thẩm lậu ma túy vào nước ta, phức tạp nhất phải kể đến khu vực biên giới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La khi xuất hiện các nhóm tội phạm có vũ trang. Từ năm 2009 đến 2019, UBND tỉnh Sơn La đã triển khai kế hoạch SH 09 phối hợp với 5 tỉnh Bắc Lào đẩy lùi ma túy trên tuyến biên giới.
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch 1048 về giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Mộc Châu, Sơn La... Nhìn chung, các kế hoạch trên đều tập trung vào 4 nhóm giải pháp cơ bản: Chính trị, nghiệp vụ, vũ trang và hợp tác quốc tế. Qua nhiều năm triển khai các biện pháp nghiệp vụ đồng bộ, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới tỉnh Sơn La cơ bản được kiểm soát, đẩy lùi.
Qua nắm bắt tình hình, có thể nhận thấy, hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới tỉnh Sơn La đã giảm 70-80% so với những năm trước. Tuy nhiên, tội phạm ma túy qua biên giới lại đang có sự dịch chuyển địa bàn từ Tây Bắc vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên của nước ta.
Tăng cường hợp tác quốc tế, ngăn chặn ma túy từ xa
Nói về cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy, Đại tá Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định, đây là dạng tội phạm ẩn, chúng sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau. Từ việc sử dụng ngụy trang, đến mua chuộc và chống trả quyết liệt lực lượng chức năng, nên đây là trận tuyến mà cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ thường xuyên phải đối diện với nguy hiểm, hi sinh.
Quá trình thực tế chiến đấu, lực lượng BĐBP ghi nhận, gần như 100% vụ án liên quan đến ma túy được khám phá thì đối tượng đều trang bị vũ khí nóng. Trên thực tế, có nhiều cán bộ, chiến sĩ các lực lượng làm nhiệm vụ đã hi sinh, bị thương khi đối đầu với tội phạm ma túy. Đó là liệt sĩ Lù Công Thắng, BĐBP Sơn La, hay gần đây nhất là Đại úy Nguyễn Đình Tài, BĐBP Nghệ An bị các đối tượng bắn bị thương trong khi truy bắt tội phạm ma túy.
Khi được hỏi về khả năng đề kháng lại những “viên đạn bọc đường” tấn công vào lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy, Đại tá Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định: Trải qua 14 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng đấu tranh với tội phạm của BĐBP luôn xác định phương châm hành động cho cán bộ, chiến sĩ là “quyết tâm cao, nghiệp vụ giỏi và bàn tay sạch”. Việc lựa chọn, đào tạo cán bộ, chiến sĩ vào đội ngũ đấu tranh tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng luôn nhận được sự quan tâm rất đặc biệt.
Khi đứng vào hàng ngũ, họ là những người có bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng và phải biết chấp nhận gian khổ, hi sinh, thiệt thòi trong cuộc sống vì mục đích chung là sự bình yên cho xã hội. Cùng với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng thường xuyên có những chính sách quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt là tội phạm ma túy.
Đại tá Nguyễn Ngọc Cảnh cũng nhấn mạnh: Tội phạm ma túy đang ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Do đó, để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm ma túy, cần thay đổi tư duy, biện pháp, cách làm trong công tác đấu tranh, chú trọng nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng làm nhiệm vụ. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực biên giới, để họ không tiếp tay, bao che, bị mua chuộc tham gia vào các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới.
Chú trọng, nâng cao hiệu quả phối hợp quốc tế để đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, trước khi vào biên giới nước ta. Kiên quyết không để các đường dây, tổ chức tội phạm quốc tế xem Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi các nước khác. Hiện nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đang phối hợp với lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công tội phạm ma túy trên tuyến biên giới miền Trung và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Viết Lam