Biên phòng - Thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã tấn công quyết liệt đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiệu quả đấu tranh chưa tương xứng với thực trạng tình hình, chưa đánh trúng các tổ chức, đường dây buôn lậu có quy mô lớn, xuyên quốc gia.
Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng... với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Các đối tượng lợi dụng triệt để những kẽ hở trong cơ chế chính sách biên mậu và quản lý, tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng để buôn lậu, mua bán, vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ, tạo nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu, lũng đoạn thị trường, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Đối với đường dây buôn lậu quy mô lớn, có tính chuyên nghiệp, đối tượng trong nước thường móc nối với đối tượng ở nước ngoài để thỏa thuận thực hiện giao hàng, sang mạn trên vùng biển tiếp giáp, chuẩn bị hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu... Nhiều vụ tàu nước ngoài vận chuyển xăng dầu với số lượng lớn (hàng triệu lít) từ nước ngoài (Dominica, Singapore...) vào vùng biển tiếp giáp và lãnh hải Việt Nam chờ thời cơ đưa tàu sang mạn, nhập lậu xăng dầu vào nước ta tiêu thụ.
Một số doanh nghiệp lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu để quay vòng hóa đơn, hợp thức hàng lậu với phương thức: Sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu, trên đường vận chuyển về kho thì bán luôn lô hàng mới nhập, sau đó quay lại địa điểm hẹn trước để bơm xăng dầu phù hợp với số lượng, chủng loại ghi trong hóa đơn lô hàng đã được nhập khẩu để che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Thủ đoạn nữa của các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển là lợi dụng triệt để điều kiện tự nhiên (nhiều cửa sông, cửa lạch, đảo, vịnh, âu tàu...) và đặc điểm, điều kiện nhân dân khu vực biên giới biển để lôi kéo, thuê họ vận chuyển xăng dầu trái phép hoặc lợi dụng sự quen biết, tìm cách móc nối với những cán bộ biến chất của lực lượng chức năng và doanh nghiệp xăng dầu để buôn lậu.
Từ đầu năm 2016 đến nay, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phát hiện, bắt giữ 120 vụ với 351 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển; tịch thu hơn 22 triệu lít xăng dầu với số tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện, bắt giữ 41 vụ với 92 đối tượng, tịch thu 7,2 triệu lít xăng dầu.
Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai 5 kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu (trong đó, 2 kế hoạch về đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biển, 1 kế hoạch chuyên đề về xăng dầu). Đồng thời, chỉ đạo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP thực hiện 12 kế hoạch nghiệp vụ về chống buôn lậu xăng dầu trên biển, trong đó tập trung tuyến biển miền Trung và Tây Nam.
Bộ Tư lệnh BĐBP còn thành lập các tổ công tác, trực tiếp nắm tình hình, đấu tranh chống buôn lậu ở những địa bàn trọng điểm, trong đó tập trung vào các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, khoáng sản... Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình, hướng dẫn điều tra, xác minh, xử lý vụ việc; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Biển, Công an, Hải quan đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển. Chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới biển; các hải đoàn, hải đội Biên phòng tổ chức nhiều biên đội hoạt động dài ngày trên biển và tăng cường trên các vùng biển được phân công, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu.
Mai Anh