Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người

Biên phòng - Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm, nhưng tình hình tội phạm mua bán người (MBN) vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, khó lường. Trong thời gian tới, để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm MBN, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và chính người dân.

Đối tượng Đặng Tuấn Mạnh bị bắt trong chuyên án mua bán người mang bí số A1220.P do Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP bắt giữ ngày 24-12-2020. Ảnh: Ban Chuyên án cung cấp

Tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp

Theo điều tra của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm MBN ở các địa phương của nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp. Đối tượng phạm tội chủ yếu là các đối tượng có tiền án, tiền sự về MBN, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt, đưa nạn nhân ra nước ngoài bán. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em, những năm trước đây, đối tượng của loại tội phạm này còn hướng tới cả nam giới và trẻ sơ sinh.

Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai... Đặc biệt, thời gian gần đây, lực lượng chức năng còn phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng, trở về móc nối với một số đối tượng là người dân tộc Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ... (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép. Một số đối tượng xấu giả danh là Công an, Biên phòng trên mạng xã hội Zalo, Facebook... để kết bạn, làm quen với phụ nữ, hứa hẹn, sau đó, lừa bán sang Trung Quốc...

Từ đầu năm đến hết tháng 6-2021, các đơn vị BĐBP đã triển khai gần 50 kế hoạch nghiệp vụ, phát hiện, bắt giữ trên 20 vụ với gần 20 đối tượng phạm tội MBN; giải cứu, tiếp nhận trên 30 nạn nhân (tăng 5 vụ, 15 đối tượng, 16 nạn nhân so với cùng kỳ năm trước). Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm MBN trên toàn tuyến biên giới (từ ngày 25-5 đến ngày 25-6), các đơn vị BĐBP đã tổ chức tuyên truyền trên 13.880 buổi với hơn 382.100 lượt người tham gia; xây dựng và tổ chức đăng, phát hơn 1.000 tin, bài viết, phóng sự về phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát trên 4.600 tờ rơi và tổ chức cho gần 4.700 hộ dân ở khu vực biên giới ký cam kết tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đối với cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, biển đảo trong phòng, chống tội phạm MBN. Các đơn vị BĐBP cũng tiếp nhận nhiều thông tin có giá trị, từ đó, giúp các đơn vị xác lập các chuyên án để đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm MBN và bắt giữ các đối tượng phạm tội đạt hiệu quả.

Cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng BĐBP cho thấy, từ năm 2016 đến hết năm 2020, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phối hợp xác lập và đấu tranh thành công hơn 60 chuyên án, 15 vụ án, triệt phá các đường dây MBN (trong đó, BĐBP chủ trì 59 chuyên án, 11 vụ án, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đấu tranh 3 chuyên án, 1 vụ án). Chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng trong và ngoài nước giải cứu, tiếp nhận, trao trả và xử lý trên 300 vụ với hơn 200 đối tượng, liên quan đến gần 630 nạn nhân. Tính riêng năm 2020, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 36 vụ với 21 đối tượng và 55 nạn nhân (4 nạn nhân nam và 51 nạn nhân nữ). Trong đó, chủ trì, bắt giữ, giải cứu 12 vụ, 16 đối tượng và 24 nạn nhân; phối hợp bắt giữ, giải cứu 14 vụ với 4 đối tượng và 17 nạn nhân; tiếp nhận 9 vụ, 13 nạn nhân do Công an Trung Quốc trao trả.

Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm MBN trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tại các khu vực trọng điểm tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các tỉnh Tây Nam Bộ, các đối tượng cư trú trong nội địa đã câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới và đối tượng người Việt Nam cư trú tại nước ngoài, tạo thành đường dây khép kín để tuyển mộ, vận chuyển nạn nhân đưa ra nước ngoài bán với nhiều thủ đoạn tinh vi, như: Cho nạn nhân sử dụng chất ma túy, sau đó khống chế, ép buộc lao động trên tàu đánh cá hoặc vừa mua bán trái phép chất ma túy, vừa MBN.

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người

Qua khảo sát, được biết, những năm gần đây, công tác phòng, chống tội phạm MBN luôn được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, tạo ra phong trào sôi nổi, rộng khắp và có sức lan tỏa tích cực trong toàn xã hội. Trong đó, BĐBP đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN. BĐBP cũng tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong phòng, chống MBN trên các tuyến biên giới và phối hợp xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nạn nhân. Đồng thời, tích cực thu thập thông tin, tài liệu của các đường dây tội phạm MBN trên không gian mạng cũng như nắm chắc tình hình các địa bàn, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng MBN...

Theo Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống MBN, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP: “Hiện nay, hoạt động của tội phạm MBN ngày càng tinh vi, như lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để đưa nạn nhân ra nước ngoài bán; môi giới cho, nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; môi giới việc làm để bán nam thanh niên cho các tàu đánh cá trên biển... Nạn nhân chủ yếu có độ tuổi từ 15 đến 28, hiểu biết hạn chế và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

Do đó, thời gian tới, BĐBP tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa cho người dân. Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm MBN, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới. Tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm MBN, nhất là các nhóm nguy cơ cao bị mua, bán. Các đơn vị BĐBP cũng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo việc làm cho cư dân khu vực biên giới, biển đảo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, chủ động nắm chắc tình hình tội phạm MBN trên các tuyến biên giới, biển, đảo, nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm MBN.

Ngoài ra, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở... kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động tội phạm MBN, xuất, nhập cảnh trái phép. Phối hợp với các lực lượng, trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình tội phạm MBN để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm MBN cũng như tiếp nhận, trao trả, bảo vệ và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán.

Hà Khánh

Bình luận

ZALO