Biên phòng - Vận tải thông qua Biển Đông chiếm tới gần 2/3 sản lượng vận tải thương mại trên thế giới bằng đường biển nên vấn đề Biển Đông luôn là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trong khu vực và các cường quốc thế giới. Vì vậy, việc thượng tôn luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là nền tảng tối quan trọng để đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Nền tảng của hòa bình
Xuyên suốt nỗ lực tạo dựng Biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, hầu hết các quốc gia liên quan liên tục nhấn mạnh rằng, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế tạo ra cơ sở bền vững cho hợp tác, thúc đẩy các hành động hợp pháp, giúp đạt được kỳ vọng của các quốc gia dựa trên chuẩn mực quốc tế và phải giải quyết bất đồng bằng giải pháp hòa bình. Cùng với đó là phải đẩy mạnh sự đoàn kết, đồng thuận cao, hợp tác chặt chẽ theo tinh thần của chủ nghĩa đa phương vì lợi ích chung, bền vững.
UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế thiết lập trật tự pháp lý trên biển và đại dương. Công ước có tầm quan trọng mang tính toàn diện, chiến lược cũng như tính thống nhất, toàn vẹn. Tại Biển Đông, UNCLOS là nền tảng quan trọng để kìm hãm và thu hẹp những yêu sách quá đáng, đảm bảo sự công bằng, văn minh và hài hòa lợi ích của từng nước nói riêng cũng như quốc tế nói chung.
Lý giải về UNCLOS, giới chuyên gia quốc tế khẳng định, UNCLOS có giá trị cao hơn tất cả các quy định pháp luật quốc tế khác như Công ước, Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế, tập quán quốc tế về biển,... Chính nhờ tầm quan trọng mang tính chiến lược cũng như tính thống nhất, toàn vẹn của UNCLOS, Công ước rất cần được tiếp tục duy trì.
UNCLOS quy định rõ quy chế pháp lý của các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Điều này giúp UNCLOS là cơ sở để xác lập phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ven biển, kể cả quốc gia quần đảo (gồm nội thủy, vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (gồm Biển cả hay còn gọi là biển quốc tế, Vùng đáy biển quốc tế và tài nguyên khoáng sản ở đó là di sản chung của nhân loại). UNCLOS cũng quy định mọi hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phải được phép của quốc gia đó; mọi hoạt động không được cấp phép đều là bất hợp pháp, vi phạm một cách rõ ràng các quy định của Công ước;...
Kể từ khi có hiệu lực vào năm 1994 đến nay, Việt Nam luôn tích cực tham gia và thực thi UNCLOS thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào trật tự pháp lý công bằng về biển. Nỗ lực và sự nghiêm túc chấp hành quy định luật pháp quốc tế của Việt Nam luôn được quốc tế đánh giá rất cao, thể hiện rõ nét ở việc quốc tế ngày càng ghi nhận uy tín của Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam luôn được khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam được cộng đồng ASEAN ca ngợi những nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của khu vực. Việt Nam cũng đã từng ngày nỗ lực dẫn dắt sự đoàn kết của Cộng đồng ASEAN để đưa ra những quan điểm chung, thống nhất cao chống lại những hành động gây hấn tại khu vực. Trên cương vị là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, quốc tế cũng thấy rằng, Việt Nam đã và đang làm mọi cách để khẳng định vị thế và trên thực tế đã giành được sự ủng hộ của hầu hết cộng đồng thế giới với chính sách mở cửa và đa phương, tạo nên thành công và có uy tín cao.
COC và những giá trị cốt lõi
Từ năm 2002 đến nay, các quốc gia trong khu vực đang thực hiện các quy tắc trong Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trên cơ sở những thành quả của DOC, các bên liên quan đang nỗ lực thực hiện các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để thay thế DOC.
Giới chuyên gia luật biển chỉ ra rằng, điều quan trọng nhất là phải đạt được một COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, qua đó thực sự đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Trong đó, COC phải nhấn mạnh tính ràng buộc pháp lý, trong đó các nước ký kết phải chịu ràng buộc toàn bộ bởi COC mà không có quyền bảo lưu.

Xét về bản chất, COC cần phải là là “luật cứng” dù có tên gọi là “Bộ Quy tắc”. Bởi trên thực tế, để giải quyết tranh chấp phát sinh trong thực thi COC, Việt Nam đã đề xuất các biện pháp hữu nghị như đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải hoặc các cơ chế giải quyết tranh chấp theo các điều khoản liên quan của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Đặc biệt là không có điều khoản nào trong COC ngăn cản việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình.
Cũng theo giới chuyên gia quốc tế, COC sẽ là một bản thỏa thuận bao gồm tất cả các giá trị cốt lõi của các bên liên quan như: Chuẩn hóa cách ứng xử trong mọi tình huống; xác định nhận thức chung; phân biệt hành vi vô ý và cố ý;... Đây là những yếu tố giúp xây dựng nhận thức, quan điểm, sự hiểu biết lẫn nhau, lòng tin và lợi ích chung. Tiến trình này chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai. Song, để có được những giá trị cốt lõi này, COC sớm tiến độ chưa hẳn đã cần thiết và sẽ cần thêm nhiều thời gian, công sức để đạt được COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, tránh tình trạng “nóng vội” để rồi đưa ra một bản COC “yếu kém” với nhiều “kẽ hở”.
Thanh Trúc