Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 04:17 GMT+7

Kiên định và hiện thực hóa: “Ðộc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội”

Biên phòng - Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. 74 năm qua, dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh hùng hồn với thế giới rằng: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy…”.

i48e_3c
Lực lượng BĐBP phối hợp với Cảnh sát Biển phối hợp tuần tra trên vùng biển Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: CTV

Thấm thoắt đã 74 mùa Thu Cách mạng, đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, 33 năm (1986-2019) đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Thành tựu hơn 30 năm qua giúp chúng ta ngày càng nhận thức rõ con đường đi lên CNXH, ngày càng thấy rõ tính đúng đắn của công cuộc đổi mới đất nước, một công cuộc đổi mới mang tính tổng thể, sâu sắc và được chuẩn bị hết sức bài bản với những bước đi được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với đặc điểm tình hình của Việt Nam. 

Đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã phát huy sức mạnh tổng hợp là độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc được giữ vững; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình; tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc. Thành tựu ấy, không chỉ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia mà mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đều ghi nhận qua cuộc sống hằng ngày, qua bộ mặt của các địa phương và cả nước.

Đặc biệt, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, Đại hội XII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội... Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. 

Về đối ngoại, Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Qua đây cho thấy, Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam là một quốc gia đa dạng văn hóa, rộng mở, bao dung, truyền thống này rất thích hợp với yêu cầu hội nhập của xã hội hiện đại. Chủ nghĩa Mác-Lênin ăn sâu bám rễ được ở Việt Nam, hòa quyện với văn hóa Việt Nam chính nhờ tinh thần bao dung này.

Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay, thực hiện tư tưởng của Người, cách mạng Việt Nam đi theo đường lối độc lập, tự chủ thì chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế phải lấy sức mạnh bên trong làm điểm tựa, “tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao”; “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ khác nhau với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ...

Những thành công trong hợp tác quốc tế đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhanh chóng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đại hội XII đã xác định “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hội nhập quốc tế đạt được những kết quả nổi bật như: Góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển. Giữ vững môi trường chính trị xã hội ổn định và quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam. Đây là thành tựu rất quan trọng, mang tính nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước.

Với sự ổn định về chính trị, những thành tựu về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... của đất nước và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, có thể khẳng định rằng: Mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là sự lựa chọn đúng đắn, sự kiên định và sáng tạo của Đảng ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Giành độc lập đã khó, giữ gìn độc lập còn khó hơn nhiều”. Muốn có độc lập, tự do lâu dài thì phải lao động quên mình để đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngày nay, trong một thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân tộc.

Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chống phá cách mạng nước ta trên các mặt: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... cùng với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: Tội phạm xuyên quốc gia, các thảm họa thiên tai, môi trường... đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải thật sự thấm nhuần bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. “Phát huy vai trò quyết định nội lực”. Nội lực bao gồm cả “sức mạnh cứng” bao gồm thực lực kinh tế và quốc phòng lẫn “sức mạnh mềm” bao gồm trí tuệ con người, đường lối chính sách đúng đắn, thể chế phù hợp, năng lực quản trị quốc gia...

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), mỗi người dân Việt Nam lại thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, tự do, độc lập và sự bình yên, phát triển của cuộc sống hôm nay; càng thêm tin vào Ðảng Cộng sản Việt Nam và kiên định chân lý: “Ðộc lập dân tộc gắn liền với CNXH”.

Nguyễn Văn Thanh

Bình luận

ZALO