Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 05:38 GMT+7

Kiên định “mục tiêu kép”

Biên phòng - Việt Nam đang ứng phó với làn sóng dịch Covid-19 lớn nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào đầu năm 2020, với sự xuất hiện của các biến chủng virus đến từ Anh, Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng ở nhiều địa phương. Trong khi nguy cơ dịch bệnh thâm nhập qua biên giới và những rủi ro về việc lây nhiễm từ người nhập cảnh vào Việt Nam cũng rất lớn.

Trong thời điểm cuộc chiến phòng chống dịch đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế đất nước 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi và đạt được những kết quả tích cực: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 468.088 tỷ đồng, bằng 41,9% so với dự toán, bằng 105,9% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất công nghiệp ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 206,51 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước...

Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 19.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với tổng số vốn đăng ký mới là 627.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho 340.300 lao động.

Theo nhiều chuyên gia, những chỉ số tăng trưởng ấn tượng trên cho thấy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước tăng lên. Đây là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm, cả nước cũng ghi nhận 51.500 doanh nghiệp thất bại, rời khỏi thị trường (tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020). Điều đó cho thấy, bài toán phát triển kinh tế trong đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều thách thức.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lời giải thành công phụ thuộc vào quyết tâm, kiên định của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã điều hành linh hoạt nền kinh tế ứng phó đại dịch, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh...

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 tiếp tục gia hạn thời hạn nộp các loại thuế với tổng cộng khoảng 115.000 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh về thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đẩy nhanh thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19...

Cùng với hoạt động xuất khẩu tiếp tục khởi sắc; bình ổn giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu; đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động..., các giải pháp hỗ trợ đang thực sự tiếp sức hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Song song với đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công. Phê bình người đứng đầu các địa phương xảy ra ổ dịch, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, dao động, mất bình tĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ.

Rõ ràng, để tránh những tác động tiêu cực lớn đến đời sống và hoạt động kinh doanh, nhiệm vụ quan trọng nhất, cần ưu tiên cao nhất hiện nay là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để dập dịch Covid-19. Cùng với công tác kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn triệt để người xuất, nhập cảnh trái phép, các địa phương cần khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi và hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị xáo trộn lớn, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO