Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Kiên định lập trường về JCPOA

Biên phòng - Kế hoạch Hành động chung toàn diện năm 2015, hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết giữa Iran với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ) và Liên minh châu Âu (EU). Kể từ năm 2018, Mỹ rút khỏi JCPOA đã kéo theo hàng loạt diễn biến phức tạp về sự thất bại của thỏa thuận này. Thời gian gần đây, các quốc gia đều nhấn mạnh lập trường rằng, JCPOA cần được khôi phục thay vì được thay thế bằng một thỏa thuận mới.

Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: REUTERS

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã có cuộc điện đàm thảo luận về triển vọng nối lại đàm phán khôi phục JCPOA. Trong đó, cả Nga và Iran đều giữ vững lập trường rằng, JCPOA cần được “hồi sinh” ở định dạng ban đầu thay vì được thay thế bằng một thỏa thuận mới.

Công bố về nội dung cuộc thảo luận của hai Ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các bên đã kêu gọi khôi phục JCPOA ở cấu hình ban đầu, như đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Các bên khẳng định đây là cách đúng đắn duy nhất để đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên tham gia thỏa thuận toàn diện được tôn trọng.

Bộ Ngoại giao Iran cho biết, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nhấn mạnh, Mỹ và các nước châu Âu cần có cách tiếp cận mang tính xây dựng và thực tế, tránh đưa ra những yêu cầu quá đáng, vượt khỏi những điều khoản đạt được vào năm 2015 trong JCPOA. Đặc biệt, Ngoại trưởng Iran khẳng định, Iran sẽ khôi phục việc tuân thủ hoàn toàn JCPOA nếu Mỹ có hành động tương tự và không đưa ra thêm những đòi hỏi khác.

Các bên tham gia JCPOA đã tổ chức 6 vòng đàm phán khôi phục thỏa thuận những đến nay hầu như chưa đạt được kết quả nào. Iran cáo buộc các cường quốc phương Tây đã đưa ra những yêu cầu quá mức trong các cuộc đàm phán. Đến giữa năm nay, các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại vào cuối thời kỳ của chính quyền Iran tiền nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Chính quyền của tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhậm chức từ tháng 8 vừa qua đang khởi động lại tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA. Dẫu vậy, những mâu thuẫn chính giữa các bên vẫn duy trì và chưa có những tín hiệu lạc quan.

Điển hình như trong cuộc điện đàm mới nhất với Ngoại trưởng Nga, Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh rằng, Iran sẽ theo đuổi các yêu cầu của mình một cách mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Ở bên đối lập, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẵn sàng tái gia nhập JCPOA sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi vào năm 2018. Tuy nhiên, Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ sẽ quay lại JCPOA nếu Iran đồng ý chấp hành các giới hạn nghiêm ngặt đối với các hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Theo giới quan sát khu vực, đây là một trong những mâu thuẫn chính khó hóa giải. Bởi, Iran muốn dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi siêu cường này rút khỏi JCPOA.

Dự kiến, vào cuối tháng này, các vòng đàm phán khôi phục JCPOA sẽ được nối lại với trọng tâm chính là thảo luận về việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Giới chuyên gia nhận định, việc khôi phục JCPOA là điều không dễ dàng, nhất là khi còn tồn tại quá nhiều bất đồng, đối lập. Tuy nhiên, việc các bên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán một cách kiên trì thay vì không đối thoại cũng cho thấy, JCPOA có vai trò rất quan trọng đối với tất cả các bên. Nếu như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, JCPOA thực chất không còn hiệu quả và cần có một thỏa thuận mới, thì nay, việc tạo ra một thỏa thuận mới được chứng minh là điều vô nghĩa. Bởi lẽ, để đạt được một thỏa thuận như JCPOA vốn là điều không hề dễ dàng và thực tế cũng trải qua nhiều lần “thử lửa”.

Ở góc độ lạc quan, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khôi phục JCPOA là cần thiết và sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian nhanh hay chậm. Song, chắc chắn, các bên sẽ đều mong muốn khôi phục JCPOA sớm nhất có thể, bởi đây sẽ là nền tảng quan trọng thiết lập ra môi trường phát triển chung cho Iran và các quốc gia liên quan.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO