Biên phòng - Kỹ thuật đánh cá điêu luyện đạt sản lượng cao, mới thành công 50%. Bí quyết của ngư dân Phú Yên luôn lấy chợ làm “chuẩn” cho mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh. Họ đã nghĩ ra cách bảo quản cá tươi nhất, phối hợp nhịp nhàng cả trên mặt biển và trên bộ để kịp đưa cá vào bán ở chợ sớm nhất. Từ đó, tàu khai thác, tàu hậu cần, chủ vựa thu mua... đều có lãi cao.
Bài 2: Thống trị thị trường
“Thị trường tiêu thụ thủy sản giống như “bóng hơi”, thoạt nghe có vẻ dễ kiếm ăn, nhưng coi chừng bán nhà trả nợ khi mới vào nghề. Thực tế, đã có nhiều người dính đòn rồi, họ mới vào nghề đang “cô đơn” cả người bán và người mua cá, bắt đầu sinh chuyện mua cao - bán thấp. Chủ vựa nào có vốn lớn, kinh nghiệm nhiều, bạn hàng rộng, chỉ cần hạ giá bán xuống 2-3 giá so với mặt bằng chung. Chỉ cần vài ngày thôi, đối phương không cầm cự nổi, âm thầm rút lui khỏi cuộc chơi. Biển cả và đất liền đều nghiệt ngã như nhau” - ông Năm Quang, người kinh doanh có tiếng ở thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên nói lên sự thật.

Tình anh em giữa biển khơi
“Thương trường là chiến trường” quả không sai, người dân biển vốn thật thà, họ mua bán với nhau đôi khi không cần sổ sách ghi nợ, một tháng “bẻ giá” (thanh toán tiền) một lần. Ai đó nhảy vào phá vỡ trật tự cả chuỗi vận hành từ biển khơi đến các chợ, họ phải có “vũ khí” để bảo vệ thị trường như câu chuyện ông Quang mới kể ở trên.
Trong nghề khai thác thủy sản, có những “luật ngầm” tồn tại giữa chủ tàu và chủ vựa thu mua cá, họ tương trợ và níu kéo lẫn nhau. Thông thường, chủ vựa thu mua hay rót vốn cho chủ tàu lưới vây mượn 100-300 triệu đồng không lấy lãi, có người mạnh tay cho ứng trước vốn để đóng tàu mới.
“Tết năm nào vợ chồng tui cũng chở cả xe tải quà ra Bình Định tặng các chủ tàu, thuyền trưởng đánh cá lưới vây. Cả năm người bán và người mua gắn bó với nhau trên biển như anh em, mà chưa gặp nhau uống ly bia. Cứ đầu mùa đi biển, nhà tui phải chuẩn bị vài tỷ đồng, sẵn sàng “châm” thêm vốn cho chủ tàu mượn sửa chữa tàu, mua dầu... Mọi người đều hiểu với nhau đó là tiền “giữ chân”, đến khi nào giải nghệ, họ mới trả lại cho mình” - ông Lê Văn Tấn, ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa chia sẻ.
Ông Tấn, chủ 6 chiếc tàu lưới xa bờ và dịch vụ hậu cần trên biển, một thương lái có tầm ảnh hưởng lớn trong thị trường kinh doanh cá biển ở miền Trung; vậy mà ông vẫn luôn “chiều” các chủ tàu đánh bắt, ngược lại, chủ tàu luôn “chiều” tàu thu mua. Vì sự khắc nghiệt của biển cả và cuộc sống thực tiễn đã “dạy” cho ngư dân biết cách bám chặt vào nhau để phát triển. Trước đây, tàu thu mua cứ chạy lòng vòng ngoài biển, gặp tàu nào bán cá, bán mực thì mua, theo kiểu “tiền trao cháo múc” ngay giữa biển. Làm theo kiểu này, sản lượng lúc trồi, lúc sụt, sau một năm tính sổ lời lãi chẳng đáng bao, đôi khi bị thua lỗ nặng.
“Mấy ông tàu lưới vây đi “cô đơn” một mình, lúc thả lưới xuống biển gặp gió thổi, nước chảy mạnh, đưa đẩy chiếc tàu “chồm” lên giàn lưới, đàn cá vây được nó chạy thoát ra ngoài sạch trơn, rồi giàn lưới rách be bét. Lúi húi với lưới chài, “quên mất” chuyện đi bán cá, đã làm ít cá rồi, còn bán mất giá nữa. Từ lúc tàu lưới vây và tàu thu mua bắt tay hợp tác làm ăn, ông nào cũng được lợi. Một ông lo đánh bắt, một ông cho “chạy chợ” bán cá, lời lãi tính toán với nhau” - chủ tàu và thuyền trưởng Lê Tuấn Anh, ở phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa thông tin chi tiết.
Nhờ hợp tác đôi bên cùng có lợi, tại thị xã Đông Hòa đã hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần mấy trăm chiếc chuyên “chạy chợ”. Nhiều ông chủ “thiệt ăn, thiệt làm” đóng 1 chiếc tàu lưới vây và 1 chiếc tàu dịch vụ, trên bờ có thêm 2-3 chiếc xe đông lạnh. Coi như tự hình thành chuỗi khép kín, từ khai thác ở biểnđến bán hải sản ở chợ. Còn phần đông họ sắm tàu dịch vụ đi làm với tàu lưới vây.
Điều tiết thị trường linh hoạt
Đánh trúng đàn cá mới chỉ bước đầu, nếu như không có kinh nghiệm trong khâu bảo quản, cá cập cảng sẽ bị ươn, bán theo giá “cá phân” chỉ 5.000 đồng/kg. Bảo quản cá tốt, đến các chợ đầu mối còn tươi xanh sẽ bán từ 25.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng, giá lên 60.000 đồng/kg. Người dân thị xã Đồng Hòa sử dụng cách bảo quản cá trong thùng phi nhựa dưới dạng “lắc xê” (giống như ngâm bia lạnh), dùng 100% nước biển. Làm theo cách này, cá vào đến các chợ ở thành phố Hồ Chí Minh còn tươi xanh, bán giá cao.

Muốn có cá tươi, họ cùng hợp sức tác chiến trong khai thác thủy sản để tăng sản lượng và tăng khả năng bảo quản cá tốt, phải có đội tàu “chạy chợ” bán cá thật nhanh. Đây là những điều căn cốt mà tàu lưới vây và tàu hậu cần ở tỉnh Bình Định, Phú Yên phát triển nhiều năm qua.
“Đoạn dây chì cuối cùng được kéo lại “khóa” chặt đàn cá trong giàn lưới, thuyền trưởng gọi điện vào bờ thông báo cho gia đình biết sản lượng cá đánh bắt được, tàu hậu cần cập vào mạn tàu lưới vây nhận cá đưa vào thùng đá lạnh, rồi chạy vào cảng cá gần nhất tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa... Lực lượng trên bờ chuẩn bị đoàn xe ô tô, dọn sẵn điểm tập kết, gọi điện thoại rảo giá ở chợ đầu mối các tỉnh, xem chợ nào mua giá cao sẽ “chốt” giá bán và số lượng cá khi tàu đang ở ngoài khơi” - thuyền trưởng Tuấn Anh tâm sự.
Muốn có thông tin thị trường tốt ở dải đất miền Trung, các nhà kinh doanh lớn vừa có tàu đánh bắt, vừa có tàu hậu cần, vừa là nhà đầu tư thu mua cá từ tàu lưới vây. Họ luôn nuôi “cò” tại các cảng cá Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... Nhiệm vụ của “cò” là nắm chắc số lượng tàu đánh cá ở các địa phương xuất bến ra khơi, khi tàu cập bến, nắm sản lượng cá nhiều hay ít. Từ đó, các chủ kinh doanh lớn tại Phú Yên sẽ điều tiết thị trường linh hoạt thông qua điện thoại di động. Ví dụ, cảng cá Nhật Lệ (Quảng Bình) đang khan hiếm cá, họ sẽ điều động 3-5 xe tải chở cá từ Phú Yên ra Quảng Bình. Hoặc có thể chở cá từ Khánh Hòa lên Tây Nguyên, có thời điểm sẽ chở cá từ Bình Thuận ra bán ở Khánh Hòa.
“Những năm gần đây, nhiều chủ tàu đánh cá xa bờ ở thị xã Đông Hòa đã đầu tư tiền tỷ mua máy siêu dò cá đặt trên tàu lưới vây. Loại trung bình có giá từ 2-3 tỷ đồng/máy, loại cao từ 4,8-6 tỷ đồng/máy, tầm quét vòng tròn, có thể phát hiện đàn cá ở cách xa tàu 3 hải lý. Sử dụng công nghệ cao vào khai thác thủy sản đã góp phần tăng sản lượng, là xu hướng phát triển của người dân ở đây” - Thiếu tá Võ Vân Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên thông tin.
Hải Luận