Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Kiếm tiền tỷ từ nghề lưới vây (bài 1)

Biên phòng - Nghề lưới vây ở khắp các tỉnh, thành phố ven biển, nhiều nơi đang lâm vào cảnh khó khăn vì sản lượng đánh bắt giảm sút, thậm chí chủ tàu kêu bán tàu đánh cá. Tỉnh Phú Yên có 2 phường mà ngư dân chuyên làm nghề lưới vây, bà con đã ứng dụng công nghệ hiện đại, phạm vi hoạt động rộng, đoàn kết hợp tác trong khai thác và làm chủ thị trường tiêu thụ.

Bài 1: Tập trung đấu trí “cá điểm”

“Năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cá giảm, tàu cá của ngư dân ít đi khai thác ở những tỉnh xa, cộng sổ lại, tàu của tôi có doanh thu khoảng 6 tỷ đồng. Mấy hôm rồi biển êm, cho tàu xuất bến vào vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận đánh bắt, doanh thu ngoài 1 tỷ đồng rồi. Tàu lưới vây cứ tập trung đánh bắt, ghé vào cảng nào sẽ có người nhà đưa xe ô tô đến chở cá vào thẳng các chợ đầu mối của các tỉnh bán luôn”.

Đó là chia sẻ của thuyền trưởng Trà Chí Tịnh, ở phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Gia đình ông Tịnh đã từng “cắm” mấy ngôi nhà làm tài sản thế chấp ngân hàng vay thương mại mấy tỷ đồng để đóng chiếc tàu lưới vây cỡ lớn. Sau mùa cá năm 2020 và 2021, ông Tịnh đã cơ bản giải quyết xong món nợ ngân hàng.

Chỗ khoanh tròn (phía trên, bên trái) được máy siêu dò cá phát hiện là đàn cá dày đặc dưới biển. Ảnh: Hải Luận

Cài cắm “tình báo” trên tàu

“Sắm chiếc tàu và giàn nghề lưới vây trị giá trên dưới 10 tỷ đồng, ra biển trời thương gặp trúng “cá điểm” cô đặc, biết cách vây lưới có thể kiếm 2-3 tỷ đồng. Dân lưới vây chúng tôi hay gọi đó là “thời vận”, bởi vì khu vực “cá điểm” có cả trăm chiếc tàu chen nhau trong không gian vừa phải để tìm vận may. Chỉ cần sơ sẩy, tàu đâm va vào nhau ngay, nhưng chỉ có 1-2 chiếc tàu trúng đàn cá thôi” - ông Tịnh xởi lởi.

Dân lưới vây 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên gọi “cá điểm” là những đàn cá nục khoảng 100-200 tấn, di chuyển thành khối đặc, nếu như tàu nào gặp may mắn bao trọn đàn cá này coi như “thời vận” đã tới. “Cá điểm” thường xuất hiện ở các vùng biển có nhiều rạn đá san hô, nằm rải rác từ thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đến đảo Hòn Hải (tỉnh Bình Thuận).

Nhóm tàu đánh cá của ông Tịnh có 21 chiếc tàu lưới vây và kèm theo 21 chiếc tàu hậu cần luôn đi theo để hợp tác đánh bắt. Tôi đi theo tàu đánh cá của ông Tịnh để chứng kiến cảnh vây đuổi cá cực kỳ hấp dẫn, chưa có phim ảnh nào mô tả được. Cabin tàu chưa đầy 3m2, vừa lái tàu, vừa quan sát màn hình máy siêu dò cá, máy đo dòng nước, màn hình radar, kèm theo 7 máy thông tin liên lạc, ban đêm lúc nào cũng có đèn đỏ chớp chớp hoạt động.

“Thông thường, những chiếc tàu đánh cá xa bờ có 3 máy thông tin liên lạc. Tàu anh sắm đến 7 máy thông tin, quá thừa?” - tôi hỏi ông Tịnh. Như kích đúng “ngòi nổ” người truyền thưởng dày dạn biển cả, ông Tịnh chia sẻ: “Ban đêm, biển rộng mênh mông không biết đâu có đàn cá, tất cả các tàu lưới vây đều phải chạy đi tìm “cá điểm”. Thông thường, một chiếc tàu phát hiện “cá điểm”, họ sẽ lên máy thông tin thông báo địa điểm đang xuất hiện “cá điểm” cho các tàu trong cùng tập đoàn biết. Có hai máy thông tin đặc biệt chuyên “nghe trộm” thông tin của nhóm tàu khác, một máy gọi nội bộ trong nhóm tàu của mình với nhau. Còn các máy khác làm nhiệm vụ trao đổi với tàu hậu cần, mua bán cá với người trong đất liền, rồi còn máy dự phòng”.

Trên tàu lưới vây có 15 lao động, số này họ có mối quan hệ bà con, bạn bè khăng khít với các tàu lưới vây khác, khi thấy tàu lưới vây gặp “cá điểm”, họ sẽ bí mật nhắn tin cho các thuyền trưởng khác biết. “Mỗi chuyến biển tôi phải chi gần 20 triệu đồng để cài cắm “tình báo” trên tàu khác, thông thường trả “tiền chết” 1 triệu đồng/người/tháng, mỗi tàu cài 1 người. Nếu họ nhắn tin làm cho tàu mình làm trúng đậm cá, tàu vào bờ điện thoại cho họ đến gặp riêng thưởng “nóng” 20-30 triệu đồng” - thuyền trưởng Tịnh tiết lộ thông tin.

- Liệu trên tàu anh có “tình báo” của tàu khác cài cắm không? - tôi hỏi.

- Chắc chắn là có rồi, nhiều khi tàu tôi trúng “cá điểm”, mấy chiếc “tàu lạ” chạy đến trước cả tàu trong tập đoàn mình.

- Có cách nào để khắc phục thông tin bị “lọt” sang tàu nhóm khác?

- “Luật bất thành văn” của các tàu trong tập đoàn, nếu tàu nào phát hiện “cá điểm” phải báo ngay lập tức về tọa độ vùng biển chính xác cho các tàu biết, từ đây thông tin sẽ bị “lọt” ra ngoài nhiều. Đầu giờ buổi sáng hằng ngày, 21 chiếc tàu của tập đoàn cũng “giao ban” qua máy thông tin nội bộ, mọi vấn đề được các thuyền trưởng đưa ra trao đổi. Chẳng hạn tối hôm qua, vì sao có “tàu lạ” đến sớm, nhóm tàu của mình ai trúng và ai không trúng. Rồi đề ra giải pháp cho tối hôm nay như thế nào?

Cuộc đua giữa các thuyền trưởng

Tàu nào gặp được “cá điểm” trước, chưa chắc đã đánh bắt được ngay, nhiều khi đàn cá đang còn nhát, nó chạy xuống dưới sâu qua khỏi sợi dây chì, hoặc gặp dòng hải lưu chảy quá mạnh bị trôi lưới... “Tàu nào phát hiện “cá điểm” trước, nếu có 5-10 tàu cùng tập đoàn với nhau chạy đến, phải đứng máy chờ cho tàu phát hiện ra “cá điểm” thả lưới bao vây đàn cá trước. Tàu trước đánh bị chệch đàn cá, các tàu khác có quyền truy bắt. Nhiều khi các tàu cứ giằng co nhau dưới biển, đàn cá biến mất, chẳng có tàu nào vây được” - thuyền trưởng Tịnh chia sẻ.

Ngư dân trên tàu lưới vây chuyển cá sang tàu hậu cần để chở vào bờ bán. Ảnh: Hải Luận

Tháng 6-2021, một chiếc tàu của tập đoàn ông Tịnh bao vây được “cá điểm”, nhưng đàn cá xuống sâu ra khỏi dây chì rồi trốn thoát. Tàu ông Tịnh quần đảo truy tìm một lúc mới phát hiện ra đàn cá. Ông Tịnh tường thuật: “Tàu trước thả lưới xuống biển, kéo lưới quá nhanh nên bị chệch, tôi rút kinh nghiệm để ngâm lưới lâu hơn, cho dây chì chìm xuống đất. Ai ngờ lưới bị mắc vào đá ngầm, rách lưới, khoảng 100 tấn cá thoát ra ngoài. Lần đó, tôi bị thiệt hại 500 triệu đồng làm lại giàn lưới, đêm hôm đó không ai bắt được đàn cá. Tối mai, cả 20 chiếc tàu bủa đi tìm đàn cá, có tàu đánh trúng một phát lưới đạt sản lượng 120 tấn, bán được trên 3 tỷ đồng”.

Xác suất tàu đánh cá trúng “cá điểm” tỉ lệ 1/100 - nghĩa là 100 tàu đến, chỉ có 1 chiếc tàu trúng đàn cá. Tàu nào cũng nghĩ “thời vận” sẽ đến với mình, nghe tin có “cá điểm”, dù tàu ở cách xa trên 100 hải lý, cũng tăng tốc chạy đến tìm vận may.

“Các thuyền trưởng nghĩ đến “cá điểm” - gắn liền có cơ hội trúng 2-3 tỷ đồng, họ bất chấp tất cả. Đó là đỉnh điểm cuộc đấu trí với các thuyền trưởng, may mắn một phần, còn phần lớn phải có kinh nghiệm phán đoán, trình độ cao tính toán các thông số trên máy dò cá... Hội tụ tất cả mới gọi là kỹ năng điêu luyện đánh “điểm huyệt” kiếm được tiền tỷ” - thuyền trưởng Lê Tuấn Anh, ở phường Hòa Hiệp Nam cho biết.

Bài 2: Thống trị thị trường

Hải Luận

Bình luận

ZALO