Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Kiếm tiền tỷ từ đội tàu lưới vây

Biên phòng - “Từ tay trắng, nhờ bắt mối “cầm lái” với đội tàu lưới vây tỉnh Bình Định, người đàn ông này đã làm chủ đội tàu lưới vây, tàu thu mua, xe ô tô mấy chiếc, hình thành chuỗi sản xuất và bán cá từ Nam ra Bắc” - Đó là nhận xét của Trung tá Dương Văn Tuấn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên về “đại gia” Lê Văn Tấn (sinh năm 1979), ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ông Lê Văn Tấn giới thiệu phương thức vận chuyển cá bằng thùng phi. Ảnh: Hải Luận

“Tui mới đi thành phố Hồ Chí Minh mua thêm 2 chiếc xe đông lạnh trị giá 1,6 tỷ đồng, đang chuẩn bị xe ô tô chở quà ra Bình Định tặng mấy chủ tàu và thuyền trưởng. Các ông ở ngoài đó đang muốn mượn thêm tiền trước khi vào mùa biển mới, họ đã mượn mấy tỷ đồng rồi, bây giờ cũng phải “bơm” thêm vài tỷ nữa. Số tàu bỏ nghề “chạy nợ” của tui cũng nhiều” - ông Tấn nói như phân trần.

Một tháng “bẻ giá” một lần

Lâu nay, phường Hòa Hiệp Trung nổi tiếng làm nghề lưới vây khơi, tàu dịch vụ hậu cần và buôn bán cá trên biển. Ông Tấn là người đầu tiên ở tỉnh Phú Yên sắm tàu hậu cần chạy theo “cầm lái” cho tàu lưới vây. Ông cũng nổi tiếng nhờ tính chịu khó, cần cù trong lao động, biết đúc rút kinh nghiệm để tạo những phương thức kinh doanh tốt nhất.

“Có ngày cao điểm, tui mua 500 tấn cá tại cảng, phải thuê thêm nhiều xe ô tô phân phối đi các tỉnh, thành phố cho kịp chợ. Điều quan trọng hàng đầu là phải biết cách bảo quản cá từ khi mới đánh bắt ở tàu vào đến chợ đầu mối vẫn còn tươi, thì chủ tàu đánh bắt, tàu hậu cần và vựa thu mua mới có đồng lãi. Nếu cá không tươi coi như “ôm nhau” chịu lỗ” - ông Tấn lập luận rất thực tế.

Bí quyết của ông Tấn là luôn lấy chợ làm “chuẩn” cho các hoạt động trên biển và đất liền, bởi vì tàu lưới vây chuyên đánh bắt cá nục, cá ồ, sọc dưa... Chỉ cần sơ sẩy trong khâu bảo quản là có nguy cơ giá trị cá bị giảm xuống còn một nửa. Hiện nay, ông Tấn có 6 chiếc tàu, trong đó, có 2 chiếc tàu làm nghề lưới vây, 4 chiếc tàu làm nghề dịch vụ hậu cần, ông còn hợp tác thu mua trực tiếp từ 40 chiếc tàu lưới vây của ngư dân 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Trên bờ, ông có 6 chiếc xe đông lạnh, hệ thống thu mua cá từ cảng cá Bình Định vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu, thị trường tiêu thụ từ chợ đầu mối Bình Điền (thành phố Hồ Chí Minh) đến Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Trước đây, những người kinh doanh cá như ông Tấn thường bảo quản cá bằng khay nhựa (khoảng 10kg/khay) xúc đá lạnh phủ lên trên, chất chồng đầy xe. Làm theo cách này, cá vào đến chợ đầu mối bị bạc nhợt, bán giá rẻ, đôi khi bán theo giá cá làm thức ăn chăn nuôi.

“Tôi mạnh dạn đổi mới phương thức vận chuyển cá bằng tàu hậu cần thay vì bằng xe ô tô. Cá tươi hơn nhờ được bảo quản trong thùng phi nhựa “lắc xê” (giống như ngâm bia lạnh trong thùng), sử dụng 100% nước biển. Cá vào đến chợ Bình Điền, thành phố Hồ Chí Minh còn tươi, bán cao hơn so với người khác. Từ đó về sau, nhiều người học làm theo, dù vận chuyển 3 ngày, cá vẫn còn tươi xanh, tăng thêm đồng lãi, người tiêu dùng cũng được ăn cá tươi hơn” - ông Tấn nêu bí quyết.

“Luật bất thành văn” đối với tàu lưới vây đánh trúng đàn cá, lập tức cào cá lên và chuyển sang cho tàu dịch vụ hậu cần bảo quản cá và chở vào bờ. Hằng ngày, người bán là chủ tàu cá và người mua như ông Tấn không cần hỏi giá bán - giá mua. Một tháng “bẻ giá” một lần (thanh toán tiền), tất cả đều chiếu theo giá bán ở chợ đầu mối làm chuẩn. Ông Tấn tâm sự: “Giả sử tui vô tình tính nhầm giá cá của chủ tàu thấp hơn 1 giá so với thị trường, 2-3 tháng sau, bà vợ chủ tàu cá có bằng chứng tui đã mua thấp hơn 1 giá tại thời điểm mua cá, tui phải hoàn trả đầy đủ tiền 1 giá đã bị tính nhầm. Chúng tui làm ăn với nhau phải “thật như đếm” mới tồn lại lâu dài”.

Tình nghĩa như anh em

Trước đây, tàu thu mua cá cứ chạy lòng vòng ngoài biển, gặp tàu nào bán cá, mực, là cặp mạn mua theo kiểu “tiền trao cháo múc” ngay giữa biển. Làm theo kiểu này, doanh thu của tàu thu mua lúc trồi, lúc sụt. Mấy chủ tàu lưới vây cũng “cô đơn”, mải lúi húi với lưới chài, sóng nước mà “quên mất” chuyện đi bán cá; vất vả đánh bắt nhưng phải bán giá thấp, vì bảo quản không tốt.

Cá được thu mua, bảo quản từ tàu hậu cần vào đến chợ vẫn còn tươi. Ảnh: Hải Luận

Ông Tấn vốn là tay buôn “chạy chợ” nhỏ, tìm gặp thuyền trưởng tàu lưới vây đặt thẳng vấn đề hợp tác làm ăn lâu dài. Sắm tàu đi theo “cầm lái” để cho tàu lưới vây yên tâm kéo lưới đánh bắt và thu mua cá tại chỗ. “Lúc đầu, tui chỉ hợp tác với một chiếc tàu lưới vây, sản lượng khai thác tăng vọt, tàu mình cũng có lãi khá hơn. Thấy hiệu quả, ngư dân ở tỉnh Bình Định tìm gặp tui bàn chuyện hợp tác. Đến nay, đã có 40 chiếc tàu của ngư dân hợp tác với tôi tình nghĩa như anh em” - ông Tấn nói về sự hợp tác.

Đầu mùa biển, sau Tết Nguyên đán, ông Tấn phải chuẩn bị lượng tiền lớn để cho các chủ tàu lưới vây mượn, người nhiều 1 tỷ đồng, người ít cũng 200 triệu đồng. Ông Tấn nhẩm tính: “Tiền mình cho chủ tàu mượn coi như “tiền chết” từ năm này qua năm khác, không có chuyện trừ nợ dần sau mỗi chuyến đi biển. Tàu đánh cá lên đà sửa chữa, họ lại gọi điện thoại mượn thêm vài trăm triệu đồng; gặp tháng biển làm khó khăn, chủ tàu cũng mượn thêm, khoản nợ cứ tiếp tục tăng. Đến khi nào họ giải nghệ thì trả tiền cho mình. Nếu họ “quên” trả nợ, coi như mình mất luôn hàng tỷ đồng”.

Tuy nhiên, vì đã “khóa chặt” với nhau bằng tình cảm không toan tính thiệt hơn mà bạn tàu lưới vây đánh bắt được bao nhiêu cá, thường chỉ bán cho ông Tấn.

Thượng tá Lê Văn Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên cho biết: “Nghề lưới vây thường đi đánh bắt theo đội nhóm với nhau, hoạt động xa bờ, ngư trường từ tỉnh Quảng Nam vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài khai thác thủy sản, đội tàu này rất tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhiều tàu đã cung cấp thông tin cho đơn vị về tàu nước ngoài xâm nhập vào vùng biển Việt Nam và tình hình an ninh trên biển... Ông Tấn là người thu mua thủy sản quy mô lớn ở tỉnh Phú Yên, có khả năng xâu chuỗi nhiều nhóm tàu đánh bắt, dịch vụ hậu cần ở trong tỉnh và ngoài tỉnh, đồng thời, là đầu mối thông tin rất quan trọng của BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO