Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Kiểm soát thương mại điện tử

Biên phòng - Thương mại điện tử (TMĐT) đang là “mảnh đất” màu mỡ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí hàng cấm. Đặc biệt, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài đã phát sinh bất cập trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng do các yếu tố về địa lý, về quyền tài phán và rất nhiều yếu tố khác.

Cần phải khẳng định, TMĐT phát triển mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí... Nhưng chính yếu tố trực tuyến đã tạo ra những thách thức cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Tình trạng kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được bày bán công khai trên các website, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội đến mức báo động, gây ảnh hưởng đến xã hội và niềm tin của người tiêu dùng.

Thực tế, bình quân mỗi năm, Bộ Công thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó, trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn TMĐT xử lý trên 17 nghìn gian hàng và gần 33 nghìn sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng. Đáng lưu ý, hầu hết các vụ khiếu nại đều liên quan chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ...

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng rất khó xử lý các sai phạm TMĐT do tính chất của TMĐT người mua và người bán không gặp nhau. Hoạt động kinh doanh online không cần cửa hàng, không rõ kho hàng đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý.

Mặt khác, khi xử lý các vụ TMĐT phải có chứng cứ cụ thể, nhưng hiện nay 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ. Trong khi đó, kinh doanh qua mạng xã hội chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam như facebook, Zalo.

Thế nên, việc Bộ Công thương trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT (Nghị định 52 sửa đổi) được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và ủng hộ, bởi những quy định mới liên quan đến trách nhiệm của chủ các sàn TMĐT trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, chất lượng hàng hóa, cũng như quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.

Theo các chuyên gia, Nghị định 52 sửa đổi sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TMĐT trong bối cảnh lĩnh vực này ngày càng chiếm tỷ trọng ngày cao trong cơ cấu thương mại. Đồng thời, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng giữa các mô hình phân phối hàng hóa và giữa các chủ thể trong và ngoài nước.

Điểm đáng chú ý là việc bổ sung thêm quy định minh bạch hóa thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT theo hướng quản lý chặt hơn đối với hàng hóa công khai trên website. Thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch TMĐT phải có các biện pháp loại bỏ website những thông tin mua bán hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ pháp luật cấm, gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thay mặt cho thương nhân, tổ chức nước ngoài giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng...

Rõ ràng, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong nước sẽ được bảo vệ tốt hơn khi chúng ta siết chặt trách nhiệm của những thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT qua biên giới. Cụ thể, khoản tiền thanh toán trực tuyến sẽ được giữ lại trong tài khoản trung gian một thời gian nhất định để giảm thiểu rủi ro của người tiêu dùng trong việc mua hàng online. Người mua hàng có thể đòi lại quyền lợi của mình nếu không nhận được các sản phẩm đúng như cam kết.

Tin tưởng rằng, khi Nghị định 52 sửa đổi được thông qua vào đầu năm 2021, sẽ “bịt” kín những kẽ hở hiện nay trong các giao dịch TMĐT, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình kinh doanh, thương mại.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO