Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Kiểm soát mặt hàng phòng, chống dịch

Biên phòng - Mới đây, Tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện 2 đối tượng đi trên xe ô tô 21A-13021 vận chuyển 400 hộp thuốc điều trị Covid-19 được mua gom ở khu vực biên giới, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bộ kit test nhanh Covid-19 Humasis. Ảnh: Minh họa

Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát hiện ô tô 24H-004.86 từ Lào Cai đi Hà Nội vận chuyển hơn 2.300 sản phẩm bộ van máy thở, 6.700 kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Liên tiếp các vụ việc buôn bán, vận chuyển, nhập lậu trang thiết bị y tế liên quan đến phòng chống dịch bị các cơ quan chức năng Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ trong thời gian gần đây đang báo động hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm pháp diễn biến rất phức tạp.

Theo các lực lượng chức năng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như: đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... Cùng với hoạt động mua bán, vận chuyển hàng lậu, nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu.

Theo quy định, mặt hàng thuốc điều trị Covid-19, kit test nhanh Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Các mặt hàng trôi nổi, nhập lậu chưa được kiểm định chất lượng và chưa được phép lưu hành tại Việt Nam thực sự là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với công tác phòng, chống dịch. Người sử dụng những trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng không những bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, mà còn gây nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Trước tình trạng trên, Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng như: thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo các chuyên gia, trước nhiều bất cập và sai phạm trong công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua, các cơ quan chức năng cần phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch Covid-19; xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19; chấn chỉnh hoạt động tiến hành đánh giá, việc cấp chứng nhận chất lượng cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn quốc tế...

Một tín hiệu tích cực là Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiệu lực từ ngày 21-2. Theo đó, mức giá trần mới sẽ giảm cao nhất khoảng 30% so với giá hiện hành; xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn có mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.

Tuy nhiên, để loại bỏ các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thiết bị y tế, mỗi người dân phải nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật; kiên quyết không bao che, tiếp tay cho hoạt động tiêu thụ, sử dụng hàng hóa chưa được kiểm định, cấp phép ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn mua các sản phẩm trang thiết bị y tế, trong đó có các kit test nhanh và kit test kháng nguyên virus SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được phép lưu hành đang được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO