Biên phòng - Dịch cúm gia cầm đang tái phát tại nhiều địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và các ngành chức năng đang triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm chống dịch. Trong lúc nóng bỏng này, một vấn đề cần được chú ý ở mức cần thiết, đó là việc kiểm soát tình trạng đưa vịt đàn, trong đó có vịt do người Việt nuôi từ Cam-pu-chia về "chạy đồng" ở Việt Nam trong đợt thu hoạch lúa đông xuân.
![]() |
Một đàn vịt chạy đồng ở Tân Hồng, Đồng Tháp. |
Vào thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" của dịch cúm gia cầm như hiện nay, nhiều người dân ở khu vực biên giới Tây Nam vẫn vô tư "đổ" những đàn vịt lên các thửa ruộng vừa thu hoạch. Mặc dù lệnh cấm gây lại đàn vịt đang được ngành chức năng thắt chặt, thậm chí có tỉnh còn văn bản sẽ kỷ luật những Chủ tịch UBND xã, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng vịt chạy đồng trên địa bàn quản lý, nhưng ở nhiều nơi, tình trạng đưa vịt đi mót lúa vẫn còn tồn tại với mỗi đàn có từ 300-500 con, đa số là vịt 10-20 ngày tuổi. Theo quan sát của phóng viên, tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), một số tắc ráng trọng tải lớn mang biển số đủ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long len lỏi theo các ngả kênh ghé đổ từng đàn vịt lên những thửa ruộng còn trơ gốc rạ. Trong khi đó, nhiều chiếc khác ngược theo sông Sở Hạ, Sở Thượng để đổ vịt ở dọc đường biên, sau đó lùa qua các cánh đồng đã gặt xong bên Cam-pu-chia để chăn thả. Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do đưa vịt qua biên giới, bà Trương Thị Lành, chủ một đàn vịt, hiện đang sinh sống bên Tà-keo (Cam-pu-chia) cho biết, nhiều người Việt hiện đang mưu sinh ở bên nước bạn bằng nghề chăn nuôi gia cầm, trong đó có vịt. Do vụ lúa đông xuân năm nay đang rộ nên nhiều chủ vịt tranh thủ cho chúng chạy đồng. "Cơ quan chức năng địa phương có đến hỏi chúng tôi xem vịt đã được tiêm phòng hay chưa? Phải thừa nhận là chưa, vì bên Cam-pu-chia, người nuôi vịt không có vắc-xin để tiêm phòng. Tôi cũng được biết, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã qua thống nhất với phía Prây-veng bàn biện pháp cùng nhau phối hợp ngăn chặn nạn đưa gia cầm qua lại biên giới và phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, khi được cảnh báo, người nuôi vịt đã đưa những đàn vịt còn khỏe mạnh trở lại bên đó, chớ không phải chúng tôi né tránh sự kiểm soát của cơ quan Thú y…" - Bà Lành cho biết, đồng thời khẳng định rằng sẽ chấm dứt tình trạng cho vịt chạy đồng theo kiểu "xuyên quốc gia".
Cũng như ở Tân Hồng, hiện nay, huyện Tháp Mười đang thu hoạch lúa đông xuân năm 2013-2014, lượng vịt chạy đồng từ các địa phương lân cận di chuyển về đây khá nhiều. Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Thú y các huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý đàn vịt chạy đồng, thường xuyên kiểm tra việc tiêm phòng cúm gia cầm trên đàn vịt vừa di chuyển tới, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi không được chủ quan, lơ là, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng ở các chợ và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin khác để tăng sức đề kháng cho vịt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra.
![]() |
Tiêm vắc-xin phòng tránh dịch cúm H5N1 cho vịt. |
Giám sát toàn bộ đàn gia cầm hiện có
Đó là chủ trương của tất cả địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là một trong những "vựa gia cầm" lớn nhất cả nước. Liên quan đến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm có thể lây lan qua biên giới, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên (An Giang), địa phương này đang tăng cường huy động lực lượng kiểm soát ngăn chặn vịt chạy đồng qua lại biên giới. Theo đó, với những đàn vịt được chủ đưa qua Việt Nam với mục đích "chạy đồng" đều sẽ bị giữ lại tại Trạm kiểm dịch cửa khẩu để lấy mẫu kiểm nghiệm và xem xét hồ sơ tiêm chủng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm thì cho tiêu hủy ngay. Trên bình diện toàn vùng, theo thông tin chúng tôi có được, trước tình hình nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 được phát hiện, bên cạnh việc nhanh chóng tiêu hủy các đàn gia cầm nhiễm bệnh, các địa phương đang tăng cường theo dõi, kiểm tra các hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung để kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; đồng thời chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan, phát tán, lây nhiễm cho người và động vật. Tại tỉnh Cà Mau, sau huyện Thới Bình xảy ra dịch cúm gia cầm tại xã Tân Phú, mới đây hai xã thuộc huyện Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau đã xảy ra dịch cúm gia cầm với hơn 200 con gia cầm bị tiêu hủy, ngành Thú y địa phương tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại ổ dịch và những vùng lân cận nhằm bảo vệ các khu vực chăn nuôi, tránh lây lan, phát tán nguồn dịch bệnh ra cộng đồng.
Thông tin từ Cục Thú y cho biết, tới thời điểm hiện tại, đã xuất hiện dịch cúm gia cầm tại 11 tỉnh với tổng cộng 24 ổ khiến gần 24 nghìn con gia cầm chết và mắc bệnh, hơn 30 nghìn con phải tiêu hủy. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, dịch đang tiếp tục có nguy cơ lan ra diện rộng và hiện chưa đạt tới đỉnh. |
Tại Tiền Giang, ngành Thú y cũng đã phát hiện ba ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim cút ở huyện Châu Thành và Chợ Gạo. Các địa phương đã lập tức tiến hành tiêu hủy đàn chim cút bị bệnh, phun thuốc tiêu độc, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh ở ba trại nuôi chim cút và các khu vực lân cận; đồng thời tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1cho đàn gia cầm trong khu vực có đàn chim cút bị bệnh. Ở Đồng Tháp, tỉnh đầu tiên xảy ra ca tử vong do nhiễm cúm A/H5N1, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tỉnh phối hợp với các địa phương và các ngành có liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1, phân công cán bộ bám sát địa bàn, chủ động tiêm phòng đàn gia cầm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Nếu có phát hiện nghi cúm thì mọi người phải báo ngay cho cơ quan Thú y khống chế dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng.