Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Kiềm chế nguy cơ leo thang căng thẳng quốc tế tiềm tàng

Biên phòng - Đối thoại Mỹ - Ấn Độ 2+2 vừa diễn ra trong bối cảnh trật tự quốc tế được xem như đứng trước một ngã ba đường. Vì vậy, những “bước đi” của các cường quốc như Mỹ, Ấn Độ cũng trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế.

Các Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ tại cuộc họp báo chung sau Đối thoại Mỹ - Ấn Độ 2+2. Ảnh: Reuters

Cùng chung đánh giá với giới chức của Mỹ và Ấn Độ, giới quan sát chính trị quốc tế cho rằng, những bất ổn trên thế giới hiện hữu có nhiều liên quan mật thiết với các động thái chính trị của Mỹ và Ấn Độ. Kết quả từ Đối thoại Mỹ - Ấn Độ 2+2 đạt được những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, góp phần kiềm chế những nguy cơ leo thang căng thẳng quốc tế tiềm tàng. Đối thoại Mỹ - Ấn Độ 2+2 diễn ra tại Thủ đô Washington D.C. của Mỹ với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh.

Tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, bối cảnh thế giới chứng kiến những sự thay đổi vô cùng lớn nên quan hệ Mỹ - Ấn Độ thời điểm hiện tại ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Giới học giả chính trị cho rằng, những cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn đang tạo ra vô vàn tác động trên mọi khía cạnh quốc tế. Điển hình như căng thẳng Nga - phương Tây ở mức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh; cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang sâu sắc; trong khi thế giới ngày càng đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng chính trị ở nhiều quốc gia có vị trí địa lý chiến lược, kinh tế suy yếu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh hoành hành...

Giới chuyên gia nhận định, Đối thoại Mỹ - Ấn Độ 2+2 là một bước tiến tích cực, phần nào xoa dịu những căng thẳng hiện hữu về mặt chính trị, an ninh quốc tế, đồng thời kiềm chế những nguy cơ tiềm tàng có thể lan rộng. Trước hết, “điểm cộng” lớn trong cuộc đối thoại vừa qua là sự đẩy mạnh các nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 giữa hai cường quốc. Về chính trị, hai quốc gia nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương, thay vì những lo ngại có thể leo thang căng thẳng.

Về kinh tế, thương mại, giới chức hai nước cũng đạt được sự đồng thuận đối với các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện như cam kết khởi động các tiến trình đối thoại thương mại trong năm nay và cam kết hợp tác tăng nguồn cung lương thực cho thế giới... Về quân sự, hai nước đạt được nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hợp tác phát triển công nghệ, sản xuất và cung ứng vũ khí, tác chiến chung...

Trên bình diện quốc tế, hai nước thống nhất đề cao hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh về dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu, bình ổn trật tự quốc tế, duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh, thịnh vượng...

Bên cạnh hàng loạt tiến triển tích cực, giới chuyên gia chính trị nhìn nhận, Mỹ và Ấn Độ vẫn hiện hữu một số bất đồng, khác biệt chưa thể giải quyết “tận gốc”. Điển hình như lập trường, quan điểm trung lập của Ấn Độ trước các bất ổn an ninh quốc tế; các lệnh trừng phạt quốc tế của Mỹ; vấn đề đa dạng hóa nguồn cung năng lượng...

Dẫu còn nhiều điểm chưa đồng nhất giữa Mỹ và Ấn Độ, giới chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, chính những điểm này sẽ là “động lực” để Mỹ và Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác, không chỉ giữa hai cường quốc mà còn cả những quốc gia liên quan khác. Điều này cũng sẽ giúp chủ nghĩa đa phương, tinh thần đoàn kết quốc tế có thêm những triển vọng phát triển, từng bước giải quyết căn nguyên của những bất đồng, bất ổn quốc tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO