Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 08:28 GMT+7

Kích cầu tiêu dùng

Biên phòng - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để xây dựng nghị định quy định việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất 10% xuống 8% kể từ tháng 2-2022.

Kích cầu tiêu dùng góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Ảnh: minh họa

Đây là một trong những quy định tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp thuế VAT 8% trong năm 2022. Bên cạnh đó, nghị định cũng hướng dẫn thực hiện trừ các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ không được hưởng ưu đãi này như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, nhóm hàng hóa liên quan kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không thuộc diện được hưởng ưu đãi.

Đánh giá về những tác động của chính sách mới, nhiều chuyên gia nhận định, do giảm thuế về nguyên tắc là thuế nằm trong giá bán của sản phẩm, cho nên đương nhiên giá bán các sản phẩm trước kia phải chịu thuế 10% sẽ giảm theo và người tiêu dùng sẽ được lợi.

Việc giảm thuế VAT sẽ xử lý đồng bộ cả hai khía cạnh, doanh nghiệp giảm được chi phí trong tiêu thụ hàng hóa; các hoạt động sản xuất, kinh doanh có thêm dòng tiền để mở rộng thêm nguồn cung xã hội. Người tiêu dùng mua được sản phẩm dịch vụ với giá rẻ hơn sẽ kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trước đó, 2 tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 7% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ hẹp hơn để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trước các tác động tiêu cực lớn từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Giải thích về sự điều chỉnh lần này, quan điểm của Bộ Tài chính là cả doanh nghiệp, cả người dân đều rất mong muốn việc giảm thuế, nhưng phải hài hòa mục tiêu xã hội, mục tiêu doanh nghiệp rồi mục tiêu của ngân sách quản lý nhà nước.

Nếu ngân sách bị thâm hụt quá lớn sẽ gây ra áp lực lạm phát tiền tệ và nợ công, có thể gây ra tiêu cực xấu đến môi trường đầu tư, thậm chí người tiêu dùng cũng sẽ bị thiệt. Do đó, mức giảm thuế VAT 2% là đã có sự cân nhắc việc cân bằng các mục tiêu tối ưu.

Thực tế, dự kiến các chính sách giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Số này bao gồm 49.400 tỷ đồng từ chính sách giảm thuế VAT và 2.000 tỷ đồng từ chính sách khấu trừ chi phí tài trợ, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Rõ ràng, gói hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ rất đúng lúc, kịp thời và mang tính nhất quán trong chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, phục hồi và kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thực hiện trong suốt 2 năm qua. Đặc biệt, việc giảm thuế VAT với nhóm đối tượng thụ hưởng mở rộng hơn là một trong những biện pháp trực tiếp để tăng cầu xã hội.

Thực thi hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng nền kinh tế lên mức 6,5 - 7%/năm như mục tiêu của Chính phủ đề ra cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO