Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Kích cầu du lịch nội địa: Động lực khôi phục du lịch Việt Nam

Biên phòng - Với thị trường gần 100 triệu dân, du lịch nội địa có tiềm năng rất lớn để phát triển. Trong bối cảnh dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, sẽ không là quá sớm để bàn tới việc xây dựng các phương án phục hồi ngành du lịch, trước hết là du lịch nội địa - động lực để khôi phục du lịch Việt Nam.

Các khu du lịch, đặc biệt là ở ven biển được dự báo sẽ đông khách trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Ảnh: Bích Nguyên

Đại dịch Covid-19 đã gây tác động tiêu cực chưa từng có tới các mặt của nền kinh tế, trong đó, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt người, giảm gần 80% so với năm 2019, khách nội địa đạt 56 triệu lượt người, giảm hơn 34% so với năm 2019. Tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỉ đồng, giảm 58,7%. Nhiều lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Nhiều khách sạn, công suất sử dụng phòng giảm xuống mức rất thấp. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động - một “cuộc khủng hoảng” chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch.

Thị trường tiềm năng bị bỏ ngỏ

Bước sang năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Cả du lịch nội địa và quốc tế tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm. Trong đó, khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng của năm 2021 ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Trong gần 2 năm qua, ở những thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong nước, thị trường du lịch nội địa trở nên sôi động đã là một tín hiệu tích cực khiến người ta tin tưởng hơn vào khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch. Đã có những thời điểm, các khu du lịch nổi tiếng tấp nập trở lại, thậm chí cháy phòng khách sạn.

Có một điều dễ nhận thấy là bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch Covid-19 đã giúp ngành du lịch nhận ra được những “khiếm khuyết” của mình. Đó là sự đầu tư mất cân đối giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Thực tế cho thấy, du lịch Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ khách quốc tế. Trong khi đó, một thị trường khách nội địa khổng lồ với gần 100 triệu dân chưa được quan tâm khai thác tương xứng với tiềm năng của nó.

Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ quan tâm tới phát triển hệ thống dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ khách quốc tế mà gần như bỏ quên nhu cầu, sở thích của khách nội địa. Trong khi đó, tiềm năng phát triển du lịch nội địa là rất lớn. Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng, trong khi chưa mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, thì du lịch nội địa chính là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp du lịch tận dụng để phục hồi và bứt phá.

Một điều đáng lưu tâm nữa là, theo thống kê, lượng khách nội địa đi du lịch đã tăng 3 lần từ năm 2011 tới năm 2019, đạt 85 triệu lượt khách. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Tình hình thực tế cho thấy, đã tới lúc các địa phương, doanh nghiệp du lịch phải tái cơ cấu lại thị trường du lịch, biến du lịch nội địa trở thành sản phẩm chính của du lịch, đồng thời là chủ đạo trong cơ cấu du lịch trong bối cảnh mới. Tinh thần chủ đạo là ngành du lịch không phải phụ thuộc, chờ đợi vào khách quốc tế mà phải xác định du lịch nội địa là động lực, là cứu cánh để phát triển du lịch.

Cứu cánh để phát triển du lịch

Hướng đến một thị trường đầy tiềm năng mà trước đây chưa được tính đến, tỉnh Cao Bằng, địa phương duy nhất không có dịch Covid-19 đã ban hành nhiều chính sách kích cầu du lịch nội tỉnh như tạm dừng thu phí tham quan tại một số điểm du lịch; có các ưu đãi về giá cả dịch vụ... Các dịch vụ cao cấp trước đây chủ yếu dành cho khách nước ngoài thì nay được giảm giá từ 20-40% để khuyến khích người dân địa phương trải nghiệm.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, 8 tháng của năm 2021, tổng lượng khách du lịch đạt hơn 345.000 người, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa đạt gần 344.000 lượt, tăng 4,23%, khách quốc tế giảm 87%, doanh thu từ du lịch tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Phong cảnh tuyệt đẹp là một trong những lợi thế của du lịch Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên

Hiệp hội Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, với mục tiêu luôn tận dụng mọi thời điểm, cơ hội, điều kiện an toàn để phát triển du lịch thì du lịch nội tỉnh chính là bước đi phù hợp, hiệu quả của ngành du lịch để tái khởi động hoạt động du lịch trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu được khám phá, tham quan của người dân.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống dịch, một số ngành kinh tế, trong đó có dịch vụ - du lịch đã xây dựng các kế hoạch phục hồi. Một số địa phương đã thử nghiệm mô hình du lịch “bong bóng khép kín”, tức là du khách chỉ được đi đến những điểm trong vùng xanh, tuân thủ các biện pháp phòng dịch để từ đó có thể nhân rộng.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, trong ngắn hạn, việc phục hồi ngành du lịch có thể được thông qua thúc đẩy người dân du lịch nội tỉnh, du lịch nội vùng - ở những khu vực, tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19. Còn về lâu dài, để phát triển bền vững du lịch nội địa, cần phải có sự đầu tư tính toán bài bản. Đầu tiên, phải xây dựng sản phẩm phù hợp trên cơ sở hiểu rõ nhu cầu của du khách quốc nội. Bên cạnh đó, cần triển khai loại hình du lịch khai thác được tiềm năng của địa phương mà vẫn đảm bảo thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách.

Cùng với đó là làm mới các sản phẩm hiện có theo hướng gia tăng trải nghiệm cho du khách đối phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh. Trong đó, nên ưu tiên đầu tư tới loại hình du lịch được người Việt ưa thích như du lịch đêm, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... Các địa phương không nên xây dựng sản phẩm du lịch đơn lẻ mà nên xây dựng sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng đặc sắc, hấp dẫn. Sau tất cả, quan trọng nhất vẫn là cần sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho du khách nhằm tạo điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO