Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:29 GMT+7

Khủng hoảng năng lượng - thách thức mới của thế giới

Biên phòng - Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra khắp nơi, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội toàn thế giới. Trước “căn bệnh trầm kha” về khan hiếm nguồn năng lượng, thế giới vẫn chưa thể tìm ra “thuốc giải” hiệu nghiệm.

Nhóm công nhân làm việc trên 1 tháp truyền tải điện ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu điện tăng vọt thời kỳ phục hồi hậu Covid-19. Ảnh: BLOOMBERG

Hàng loạt diễn biến tiêu cực đối với an ninh năng lượng ở nhiều quốc gia đã diễn ra trong những tháng gần đây, tạo nên mối nguy khan hiếm năng lượng nghiêm trọng, nhất là ở thời điểm sắp bước vào mùa Đông với nhu cầu năng lượng lớn nhất trong năm. Nổi bật có thể kể đến như việc Trung Quốc đã bắt đầu phải cắt điện luân phiên; các nhà máy tại Ấn Độ đang chật vật tìm nguồn nhiên liệu than; giá nhiên liệu tăng vọt tại châu Âu, Đông Á, Mỹ;...

Tại châu Âu, giá khí đốt thiên nhiên đã tăng tới 130% kể từ đầu tháng 9 và tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Chi phí tăng phi mã đã khiến khách hàng lâm cảnh nợ hóa đơn và các tổ chức ủng hộ người tiêu dùng tại châu lục này đã kêu gọi thực hiện biện pháp cấm cắt nguồn năng lượng khi khách hàng chưa thể thanh toán. “Lục địa già” đã từng phải sử dụng toàn bộ kho khí đốt thiên nhiên vào đầu năm nay. Giới chuyên gia kinh tế châu Âu đánh giá, tốc độ tăng vọt chi phí ở châu lục này là chưa từng có trong lịch sử.

Giá năng lượng tăng cao cũng xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Đông Á, nơi giá khí đốt tăng 85% kể từ đầu tháng 9. Điển hình tại Trung Quốc, khi nhu cầu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng ngày càng gia tăng, thị trường toàn quốc đã không thể lấp đầy các khoảng trống và tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia xuất khẩu khí đốt trên thế giới đang có xu hướng giảm xuất khẩu. Các nhà quan sát an ninh năng lượng chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ nhu cầu sử dụng năng lượng tăng đột biến. Trong khi đó, hệ thống an ninh năng lượng của thế giới hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế gây nên những nguy cơ dễ bị gián đoạn bởi diễn biến bất thường của thời tiết, cũng như sự cố kỹ thuật.

Việc tăng giá là lẽ tất yếu khi nguồn cung khan hiếm. Dẫu vậy, mức tăng giá ở khu vực châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ. Dù là nước xuất khẩu ròng khí đốt thiên nhiên, song, Mỹ vẫn đang ghi nhận mức tăng giá tới 47% từ đầu tháng 8 - mức tăng cao nhất trong 13 năm qua. Đối với dầu, Mỹ cũng ghi nhận mức tăng cao nhất trong 7 năm qua và dự báo mùa Đông sắp tới sẽ tiếp tục tăng mạnh. Các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ cho rằng, hiện thị trường năng lượng đang không tuân theo các nguyên tắc cơ bản của cung - cầu.

Các nhà phân tích kinh tế chỉ ra rằng, kinh tế - xã hội toàn cầu vốn đã suy yếu trong gần 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đến nay, việc giá năng lượng tăng cao tất yếu sẽ gây nên lạm phát và thời kỳ khủng hoảng này sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Trong khi đó, các chính phủ hiện chỉ có thể áp dụng những biện pháp mang tính cục bộ, chưa ở mức hệ thống đồng bộ để đối phó với mối nguy chung hiện hữu. Một trong những biện pháp phổ biến nhất là nỗ lực kiềm chế mức tăng phi mã chi phí tiêu thụ năng lượng.

Giới phân tích chỉ ra rằng, để thế giới tìm được giải pháp căn cơ trước những thách thức hiện nay là điều không dễ dàng và không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Trước những diễn biến tiêu cực về khủng hoảng năng lượng toàn cầu, giới chuyên gia dự báo, sẽ có những cuộc cải cách, cải tổ thị trường sâu, rộng khắp từ cấp quốc gia, khu vực đến toàn cầu trong thời gian tới.

Trước mắt, thế giới, nhất là những quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt sẽ tiếp tục “vật lộn” để ứng phó với tình trạng khan hiếm và tăng giá năng lượng trong nhiều tháng tới đây. Sự khắc nghiệt bất thường của thời tiết trong những tháng cuối năm cũng sẽ khiến tình trạng tiêu cực ngày càng trầm trọng hơn. Sự thật đáng buồn này cũng sẽ khiến quá trình phục hồi hậu Covid-19 trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là tại châu Âu.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO