Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Khủng hoảng năng lượng kéo theo khủng hoảng lương thực ở châu Âu

Biên phòng - Gần đây, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, châu Âu đối mặt với giá năng lượng tăng vọt trong khi phải vật lộn để khắc phục hệ lụy từ đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời chịu nhiều ảnh hưởng từ bất ổn an ninh quốc tế. Việc châu Âu phải trải qua khủng hoảng năng lượng tàn khốc sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái lớn.

Nông dân lái máy kéo gieo lúa mì trên cánh đồng ở vùng Hauts-de-France, miền Đông nước Pháp. Ảnh: Reuters

Điều này dường như đã xảy ra khi những ngày qua, truyền thông quốc tế đăng tải nhiều thông tin cho thấy, châu Âu có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực.

Trang thông tin năng lượng phổ biến nhất thế giới Oilprice mới đây cho hay, tình trạng lạm phát giá năng lượng ngày càng tăng đang tàn phá ngành công nghiệp của châu Âu. Các nhà máy nhôm và thép buộc phải đóng cửa vì chi phí năng lượng; các nhà sản xuất hóa chất phải di dời đến Mỹ; công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF của Đức cũng dự định thu hẹp quy mô sản xuất… Các ngành công nghiệp tương ứng khác theo đó cũng đối diện với sự suy yếu. Điển hình là các công ty sản xuất phân bón buộc phải đóng cửa, trong khi nhập khẩu phân bón giảm do các vấn đề chính trị.

Tình hình thiếu hụt nguồn cung phân bón đã tác động tiêu cực đến an ninh lương thực của châu Âu, thậm chí có nguy cơ dấy lên một cuộc khủng hoảng mới, trong bối cảnh chi phí năng lượng đắt đỏ cũng đã buộc người nông dân các quốc gia châu Âu thu nhỏ quy mô chăn nuôi và trồng trọt.

Tờ báo kinh doanh quốc tế Finacial Times dẫn lời Giám đốc điều hành của Công ty phân bón Yara International (Na Uy) bày tỏ, những chuỗi giá trị được tạo ra trong nhiều thập kỷ vốn từng tồn tại thông suốt ngay trong Chiến tranh lạnh thì đến nay đều đã thay đổi hoàn toàn, dòng chảy kinh doanh ngưng trệ chỉ sau vài ngày.

Tương tự sự khan hiếm về nguồn cung khí đốt, châu Âu phải đối mặt với sự khan hiếm về nguồn cung phân bón sau những bất ổn an ninh, chính trị nhiều tháng qua. Thiếu hụt nguồn nhập khẩu cộng hưởng với việc suy giảm sản xuất trong nước dẫn tới các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn tới sự thiếu hụt lương thực.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu nói châu Âu đã khủng hoảng lương thực sẽ có phần là “nói quá”, nhưng chắc chắn, “lục địa già” đang đối mặt với “cú sốc” về lương thực. Điều đáng bàn, châu lục này đang bộc lộ nhiều yếu điểm và dường như không có giải pháp tức thì khắc phục hiệu quả những thách thức. Việc đa dạng hóa nguồn cung phân bón phục vụ nông nghiệp có thể được giải quyết với nỗ lực đủ lớn, song, khi có các nguồn cung mới, chắc chắn giá cả sẽ cao hơn rất nhiều. Điều này vốn đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng năng lượng, khi chuyển đổi từ khí đốt sang khí hóa lỏng (LNG). Những yếu tố này sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát gia tăng.

Báo cáo của Viện Chính sách thương mại và nông nghiệp (IATP) nhận định, phân bón đang trở nên đắt đỏ. So với năm 2020, tiền nhập khẩu các loại phân bón chính trong năm 2021 ở các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã tăng gần gấp đôi và có thể tăng gấp 3 trong năm 2022. Nguyên nhân chính của việc tăng giá phân bón là do lạm phát chi phí năng lượng vì sản xuất phân bón là quy trình sử dụng nhiều năng lượng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, có nhiều liên kết giữa cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực. Đối với năng lượng, con người đã “nghiện” nhiên liệu hóa thạch. Tương tự đối với lương thực, con người đã “nghiện” phân bón hóa học trong nhiều thập kỷ. Tại châu Âu, cả 2 nguồn cung này đều phụ thuộc từ bên ngoài.

Trước yêu cầu của thời đại là phải tự chủ với chính “nguồn sống” của mình, chắc chắn, việc thay đổi là điều phải làm nhưng khó có thể làm ngay một cách đột ngột. Vì vậy, châu Âu được dự báo vẫn sẽ phải sống trong những ngày tháng khó nhọc khoảng 1 tới 2 năm trước khi có được sự thay đổi mang tính căn bản và tạo được một nền tảng cho những bước phát triển mới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO