Biên phòng - Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến mới để sửa đổi Hiến pháp của đất nước. Quyết định của ông N.Maduro đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng phái đối lập cũng như từ chính quyền tổng thống Mỹ Donal Trump.

Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Venezuela, Quốc hội lập hiến được bầu mới sẽ có toàn quyền sửa đổi hiến pháp hiện hành và thiết lập các quy định pháp lý mới. Bên cạnh đó, Quốc hội lập hiến cũng có quyền tự giải thể và thay đổi các bộ luật. Tuy nhiên, quyết định bầu Quốc hội lập hiến đã vấp phải phản ứng của phe đối lập. Trong hơn 1 tháng, đường phố Venezuela tràn ngập các cuộc biểu tình kêu gọi tổng thống Maduro giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và phản đối việc bầu cử, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Trước đó, ngày 16-7, liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập đã tổ chức trưng cầu dân ý nhằm phản đối việc thành lập Quốc hội lập hiến. Gần 7,6 triệu người Venezuela đã tham gia cuộc bỏ phiếu, trong đó có 98% bỏ phiếu chống lại kế hoạch sửa đổi hiến pháp của chính phủ và ủng hộ tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn.
Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố những người ủng hộ phe đối lập kiểm phiếu không đúng quy trình. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng cuộc trưng cầu dân ý trên chỉ mang tính biểu tượng do thiếu hệ thống kiểm phiếu và cơ sở hạ tầng để trở thành cuộc bỏ phiếu chính thức. Một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, tổng thống Maduro lên tiếng kêu gọi gặp mặt đối thoại hòa bình với MUD để đưa ra được một thỏa thuận quốc gia về hòa bình.
Trở ngại tiếp tục chồng chất lên Chính phủ Venezuela khi ngày 17-7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela nếu Quốc hội lập hiến được bầu ra. Tổng thống Maduro đã triệu tập cuộc họp với các quan chức quốc phòng, đồng thời tuyên bố trên trang mạng cá nhân của ông rằng sẽ đáp trả sự đe dọa của Mỹ.
Thu nhập của Venezuela phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ và 1/3 số lượng dầu thô được xuất sang Mỹ. Hiện tại, đất nước Nam Mỹ này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, khan hiếm lương thực và thuốc men, đồng thời tình trạng lạm phát tăng lên gấp 3 lần. Kinh tế Venezuela suy thoái một phần cũng bắt nguồn từ việc giá dầu thế giới giảm thấp. Tuy nhiên, phe đối lập Venezuela cáo buộc chính quyền ông Maduro kiểm soát phân phối lương thực và áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ. Còn tổng thống Maduro cho biết chính quyền của ông đã bị ảnh hưởng bởi “cuộc chiến” kinh tế từ phe đối lập dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
Quan hệ Venezuela và Mỹ căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, cả hai nước đều không thiết lập cơ quan đại sứ quán tại lãnh thổ của nhau kể từ năm 2010. Ngoài sự phản đối từ Mỹ, kế hoạch sửa đổi hiến pháp của chính phủ Venezuela còn nhận được sự phản đối từ các nước như Argentina, Brasil, Canada, Mexico và một số quốc gia Mỹ La tinh khác, cũng như các tổ chức từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bolivia là một trong số ít những nước ủng hộ Venezuela. Tổng thống Bolivia Evo Morales cho rằng ông Donald Trump đang vận động để can thiệp vào cuộc sống người dân Venezuela.
Trước những đe dọa của phe đối lập kêu gọi đình công toàn quốc nhằm lật đổ chính phủ, Tổng thống Maduro tiếp tục khẳng định bản hiến pháp mới là con đường duy nhất để khôi phục hòa bình và phục hồi kinh tế đất nước. Ngày 30-7 tới đây, khoảng 20 triệu người dân Venezuela sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 364 người đại diện cho các địa phương trong Quốc hội, cùng với 181 ứng cử viên sẽ được bầu chọn từ các ngành nghề khác nhau trong xã hội, nâng tổng số ghế trong Quốc hội lập hiến là 545 ghế.
Một số chuyên gia nhận định, áp lực quốc tế và trong nước đang gây trở ngại đối với chính trị Venezuela, lựa chọn tốt nhất cho ông Maduro hiện nay là tìm kiếm một giải pháp đàm phán hòa bình với phe đối lập để có thể ngăn chặn nguy cơ mất khả năng kiểm soát đất nước một cách đột ngột.
Hà Thu