Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 11:37 GMT+7

Kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh:

Khúc tráng ca tháng Tư

Biên phòng - Đến ngày 30-4-1975, đất nước mới hoàn toàn thống nhất, nhưng 3 năm trước đó (ngày 24-4-1972), với chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, thì trừ vùng lõm trung tâm tỉnh lỵ, tỉnh Kon Tum coi như đã không còn chịu sự kiểm soát của chính quyền ngụy Sài Gòn nữa! Và như vậy, Kon Tum đã có một "Tháng Tư kép" trong lịch sử của mình! Năm ấy, ta mở chiến dịch lớn trên 3 mặt trận: Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Trị - Thiên nhằm phá tan âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.

wvd4_9
Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Ảnh: CTV

Tham gia chiến dịch lớn ấy tại chiến trường Kon Tum có một người chiến sĩ thuộc đơn vị C150 trinh sát kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 đã viết nên bài thơ dài như một khúc tráng ca ngay sau chiến thắng. Đó là nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn (sau làm Phó Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam).

Bài thơ "Chiến sĩ Tây Nguyên" dài 473 câu, được viết bằng nguồn cảm hứng thăng hoa của người trong cuộc, như cuốn phim quay chậm đặc tả những sự kiện, hình ảnh chân thực và sinh động, mang đậm âm hưởng sử thi. Phần lớn dung lượng bài thơ tập trung khắc họa hình ảnh, ý chí, tâm tư của người chiến sĩ B3 trong chiến trường ác liệt nhưng cháy bỏng niềm tin tất thắng và khát vọng tương lai.

Không nằm ngoài mô-típ và âm hưởng chung của dòng thơ ca Trường Sơn thời đánh Mỹ, bài thơ cũng cho bạn đọc thấy bao gian lao, vất vả của người lính Trường Sơn: "Gốc cây làm gối/ Lá khô làm giường"; "Rau tàu bay lót lòng/ Lá sung già thay muối"; "Lại lá sung già thay muối/ Rau tàu bay lót lòng"; "Cơn sốt đầu tiên gối mỏi mắt hoa/ Đắp chăn vẫn rung giường, rung võng"; "Gục dưới gốc cây, đi rồi lại gục/ Ngất giữa sườn đồi, ngất tỉnh lại đi"... Và, bằng một tứ thơ đột khởi, bài thơ đã hóa giải những gian nan, làm bật sáng ý chí, lý tưởng của người chiến sĩ trên chiến trường: "Vào rừng chim lạc lối bay/ Riêng đường ta đi thẳng hướng"!

Bài thơ cũng lọc ra những chi tiết độc đáo hiến cho bạn đọc một phần nhỏ thực tế sinh động của người chiến sĩ Tây Nguyên: "Có tiếng cười đâu đó giòn tan/ Chợt thấy tim mình ấm lạ/ Chưa biết tên nhưng chắc người quen cả/ Bạn Trường Sơn thường là thế thôi!"; "Ai đề trên cây/ Bài ca dao chiến sĩ:/ Đi đường hái ít lá chua/ Đến nơi bắt mấy chú cua bỏ vào!"; "Nhìn suối biết suối nào nhiều cá/ Nhìn cây biết quả nào ngon.../ Chiến sĩ Trường Sơn/ Có khi trở thành nhà sinh vật!"...

Giữa lòng thiên nhiên hùng vĩ, tâm hồn người lính ngày như mỗi thêm trong trẻo hơn, thanh tú hơn và... lãng mạn hơn! Không lãng mạn sao được giữa cảnh: "Trường Sơn mây núi chập chùng/ Lên cao rồi lại mấy từng lên cao". Từ trên mấy từng cao mây ấy, tứ thơ bỗng trở nên đắc địa: "Đặt gùi, lau giọt mồ hôi/ Dưới chân có dải mây trôi lững lờ"! Những lúc ấy người chiến sĩ còn hứng khởi ngỡ mình là "thiên sứ" (vì đang ở... gần trời!): "Ngả mũ tai bèo gió vờn mái tóc/ Hạ ba lô nắng sưởi áo xanh/ Giang tay mây lượn vòng quanh/ Chiến sĩ bỗng trở thành sứ giả!".

Trong khung cảnh và tình cảnh ấy dễ khiến con người trở thành... thi sĩ! Thì đây, người chiến sĩ Trường Sơn đã thành thi sĩ thật: "Chàng chiến sĩ đường dây/ Đứng giữa Cổng Trời làm thơ ngẫu hứng!"... Và, thơ ấy thế này: "Vít trời viết một vần thơ/ Chẳng đi đánh Mỹ bao giờ đến đây!"... Đó là tinh thần "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" (Tố Hữu)!

Bài thơ có những câu khái quát như một tuyên ngôn, một triết lý về người lính và chiến tranh, rất cô đúc và sắc sảo: "Những đứa con xa họp lại một nhà/ Dựng cái lán/ Ấy là tiểu đội!"; hay: "Là con của mọi nhà/ Là chủ của mọi nơi ấy là chiến sĩ!"; hoặc: "Chiến sĩ - trở thành điều đơn giản/ Thức là đi, chợp mắt là nhà!"... Cái chất khái luận, triết lý ấy cũng được thể hiện ngay cả khi cao hứng bốc đồng, các chiến sĩ trẻ đùa tếu trong niềm lạc quan trong sáng: "Đánh Mỹ như thế đó/ Dễ hơn đào củ rừng!". Kiểu nói ngoa ngôn này là có cơ sở từ cuộc chiến chính nghĩa sáng soi và niềm tin tất thắng: "Đế quốc gieo bom, bọn chúng đâu ngờ/ Cùng lúc chiến sĩ mình gieo mầm hạnh phúc.../ Giôn-xơn biết nơi này trong gió/ Có tiếng Tơ-rưng rung khoảng trời chiều"...

Phần hào sảng nhất của bài thơ, tác giả dụng công tường thuật không khí của trận đánh, tinh thần chiến đấu và diễn biến chiến trường. Hơi thơ vừa sâu lắng vừa dồn dập, khắc họa rất ấn tượng toàn bộ trận đánh như một cách luận giải cho chiến thắng sau đó. Tinh thần, khí thế của chiến sĩ thì: "Chiến sĩ bình tĩnh lạ thường/ Ung dung vào thế trận"; "Cứ đi, cứ cắt rừng/ Cứ khiêng và cứ vác/ Ngày hay đêm cũng mặc/ Lệnh trên là khẩn trương"... Còn sự điềm tĩnh, mưu trí của cấp chỉ huy thì: "Trong hầm tác chiến/ Đồng chí Tư lệnh mái tóc pha sương/ Tham mưu trưởng lặng im/ Râu một tuần không cạo"; "Trong hầm đèn đỏ/ Đỏ đêm.../ Con mắt thâm quầng mà sáng!"; "Khoanh trên bản đồ/ Những vòng cung đỏ thắm..."; "Im lặng/ Chỉ có ngọn đèn dầu tỏa sáng/ Với những nét chì hối hả trong đêm"...

"Những nét chì hối hả trong đêm" của người chỉ huy và "Ngày hay đêm cũng mặc/ Lệnh trên là khẩn trương" của chiến sĩ là để kịp hòa nhịp cùng "Tin chiến thắng Bình Long gọi tới/ Tin chiến thắng Quảng Trị báo về"; để kịp thế trận đang tưng bừng, khẩn trương triển khai về hướng Đăk Tô - Tân Cảnh: "Hôm nay/ Chư Mom Ray/ Đỉnh cao ngàn tám/ Chiến sĩ/ Những người lăn lộn/ Từ Plei Me, Đăk Tô/ Từ Ngọc Rinh Rua/ Về ngã ba biên giới/ Họ mới từ nương rẫy/ Về đây cho ngày trẩy hội/ Rất vội mà vui...; "Lại cùng lúc với những ngày hôm ấy/ Chiến sĩ quật tơi bời cứ điểm Đăk Sang/ Cùng lúc với những quả đạn 105/ Từ Ngọc Rinh Rua bắn vào Tân Cảnh..."; "Đăk Tô - Tân Cảnh/ Lửa cháy sáng trời/ Đạn đại bác từ muôn nơi/ Dội về xối xả/ Xích sắt xe tăng chồm lên giận dữ/ Đạn hỏa tiễn rạch không khí đỏ lừ/ Bộ binh dòng thác đổ/ Chỉ còn lại một màu cờ đỏ/ Rải từ Ngọc Bờ Biêng/ Trùm về Võ Định"...

Với khí thế trúc chẻ, ngói tan ấy, ngày 24-4-1972, chiến thắng đã thuộc về người chiến sĩ Trường Sơn, dọn đường đến thẳng "Mùa xuân đại thắng" 1975.

Khúc tráng ca 473 câu thơ "Chiến sĩ Tây Nguyên" của Trương Vĩnh Tuấn viết về chiến thắng Đăk Tô-Tan Cảnh đã góp thêm một tác phẩm văn học vững vàng cho dòng thơ ca kháng chiến Kon Tum và sẽ khó vắng mặt trong các hợp tuyển văn học Tây Nguyên và trong trí nhớ của bạn đọc.

Tạ Văn Sỹ

Bình luận

ZALO