Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 02:52 GMT+7

Khu vườn ký ức bên làng biển An Ninh Đông

Biên phòng - Bên ngôi làng biển đẹp như tranh ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên, tôi ngỡ ngàng trước một khối đồ sộ đến vài ngàn chiếc cối đá xếp xen kẽ lên nhau cao rộng như núi trong vườn của một khu trưng bày ngoài trời. Đây là bộ sưu tập cối đá gia dụng đã qua sử dụng từ các gia đình ở Tuy An nhiều đời nay - một lời giới thiệu để nhà sưu tầm trẻ Nguyễn Minh Nghiệp, một người dân quê sinh cư lập nghiệp ở Tuy An dẫn dắt du khách vào khu vườn mê hoặc của anh - tôi mạo muội nói thế!

pkw3_8a
Nguyễn Minh Nghiệp và bộ sưu tầm cối đá cũ. Ảnh: TTH

Nguyễn Minh Nghiệp thích gọi khu trưng bày văn hóa đá của mình là vườn xưa. Đơn giản đó là một bộ sưu tầm các hiện vật của đời sống đã từng chứng kiến hàng ngàn năm thăng trầm lịch sử của xứ Nẫu. Tôi khâm phục cái cách bền bỉ nhặt nhạnh của anh - khác gì ve chai đồng nát - mà hình thành được bộ sưu tập đồ sộ. Anh nói không hề giấu giếm: “Tôi mong sớm hoàn thiện thủ tục và điều kiện để có thể làm một cái bảo tàng tư nhân. Lúc đó sẽ có nhiều hiện vật rất quý mà giờ tôi không thể trưng ra được. Tôi cần được đảm bảo pháp lý. Điều đó nó đi ngược với khát khao của tôi là tôi có tài sản quý gì tôi chỉ muốn sớm trưng ra chia sẻ với mọi người. Kiếm được du khách nào có hiểu biết, có kiến thức về văn hóa và yêu mảnh đất Phú Yên này đàm đạo chia sẻ với tôi thì tôi cũng sung sướng như là sưu tầm được một đồ vật quý vậy”.

Minh Nghiệp nói, xuất phát điểm của mình là một thanh niên làng biển vật lộn tìm kế sinh nhai cho mình. Anh chế tác các đồ vật lưu niệm bằng vỏ ốc, đá, gốm... với nhiều kích cỡ, kiểu dáng mang đi bán cho khách du lịch. Lời ra được bao nhiêu cũng chỉ đủ thỏa mãn cái thú sưu tầm đồ cổ của mình. Anh chỉ mua, cất giữ, tích trữ lại chứ chưa mua đi bán lại bao giờ. Điều này nằm ngoài phỏng đoán anh là một kẻ sừng sỏ buôn đồ cổ. Cho đến nay, vốn liếng hàng tỉ đồng nằm đó – anh chỉ quanh khu vườn hồn xưa mà UBND tỉnh Phú Yên đồng ý cho anh xây dựng khu trưng bày. Một mặt, chính quyền địa phương muốn có thêm một nơi tham quan khi du khách đến với gành Đá Đĩa ngày một đông, mà khu vực này lại quá buồn tẻ, hoang dã. Ngoài gành đá đẹp trứ danh và độc đáo ra, không có thêm một chỗ dừng chân nào cho du khách trong cái nắng chang chang như nung quanh năm suốt tháng này. Mặt khác, đó cũng là cơ hội để Nguyễn Minh Nghiệp thử nghiệm sức trình diễn của anh. 

Anh cùng với các đồng sự tạo dựng 4 chủ đề trưng bày: Văn hóa đá, nhà sàn các dân tộc thiểu số, không gian trình diễn bài chòi và văn hóa làng biển. Trong đó có các bộ sưu tập kỳ công và giá trị lớn là các hiện vật gốm cổ của làng gốm Quảng Đức, Phú Yên. Gây ngạc nhiên thú vị là ông chủ khu trưng bày sở hữu rất nhiều bộ đàn đá nguyên sơ chưa gọt giũa. Minh chứng của mảnh đất Phú Khánh xưa được xác lập là địa danh duy nhất trên cả nước có mỏ đá om – bí mật của các thanh đá phát ra tiếng kêu có thể dùng làm nhạc cụ. Một mình với chiếc xe máy cà tàng khắp các làng biển, khu dân cư lâu đời, anh phát hiện ra các cối đá xay bột cũ họ vứt lăn lóc, các máng đá đựng thức ăn gia súc, anh mua về. Anh cảm nhận được hình ảnh của đời sống, văn hóa, cách nghĩ, nét sinh hoạt của người dân làng biển gửi cả vào những vật dụng bằng đá đó. Đá với những nơi khác là vô tri giác, nhưng đá ở Tuy An là hồn đất, tình người – Minh Nghiệp bày tỏ. 

Ngoài tứ thập – tuổi chín của một người đàn ông, tuổi bắt đầu vào chuyên nghề của một nhà sưu tầm, lấy văn hóa để tạo dựng cơ nghiệp, Nguyễn Minh Nghiệp muốn trưng trổ khả năng tạo ra trên nền những hiện vật văn hóa sưu tầm được một đời sống khác. Tức là anh muốn tổ chức các đêm hội bài chòi, tổ chức biểu diễn cồng chiêng – trong đó có nhiều bộ cồng chiêng bằng đồng trắng, thứ đồ cổ rất hiếm và đắt đỏ mà ai cũng muốn nghe thấy âm thanh của nó từ bàn tay nghệ nhân biểu diễn. Ngoài ra, giá trị gia tăng của bộ sưu tập này sẽ là cơ hội du khách thử làm gốm theo lối cổ của làng gốm Quảng Đức, thử chơi đàn đá, tham gia chơi hội bài chòi... Đó là một giấc mơ trong tầm với.

Ngay lúc chúng tôi trò chuyện bên đống cối xay đá hàng ngàn chiếc mà Minh Nghiệp nói chưa có chỗ để trưng bày hết bộ sưu tập, có nhiều du khách cũng kỹ lưỡng tham quan và nhận xét. Họ dừng lâu ở những chiếc cối đá mòn vẹt vì đã được sử dụng quá nhiều. Không biết bao nhiêu bữa ăn của các gia đình đã ra đời từ món đồ gia dụng tưởng chừng như bỏ đi này. Ký ức của đời sống hiển hiện. Họ chụp ảnh và say sưa với những hiện vật, như đang tìm lại ký ức cho chính mình. Ngay gần đó, một chiếc giếng xây dựng theo lối xếp đá gan gà – một kỹ năng xếp đá đào giếng của riêng người dân làng biển An Ninh Đông mà thoạt nhìn du khách tưởng đó là một chi tiết trang trí. Ít ra khi rời khỏi khu trưng bày, vốn tri thức về người dân làng biển của khách tham quan cũng đã được mở rộng. 

Sự thật là anh đang trưng bày miễn phí cho du khách tham quan. Bước vào cơ ngơi đồ sộ sức lao động này, mọi người được đón tiếp niềm nở và không thu phí, chỉ hy vọng du khách mua mấy món đồ lưu niệm và nước uống để lấy phí duy trì trông coi, thuyết minh khu trưng bày. Nhưng đó không phải là bài toán lâu dài. Nguyễn Minh Nghiệp muốn khu vườn này phải đẹp hơn, đầu tư nhiều hơn xứng đáng như một bảo tàng tư nhân. Vốn văn hóa thời nào cũng vậy, phần nhiều ẩn mình trong dân chúng. Tụ lại thành bộ nhóm trưng bày cũng là hiếm có. Không những sự thất thoát, chảy máu cổ vật thuyên giảm, mà thái độ trân trọng vốn xưa, làm dày thêm và lan tỏa văn hóa gốc của ông cha đã là một hành vi đáng quý trọng. 

Mới chỉ mở ra dịp Tết âm lịch năm nay, Nguyễn Minh Nghiệp nghe ngóng thái độ và phản hồi của khách du lịch. Anh ân cần giải thích rằng khối lượng lớn những cối xay đá mà mỗi chiếc lại khác nhau này đều là cối đã cũ, thậm chí rất cổ trong các gia đình nhiều thế hệ. Những chiếc đó mua còn rẻ hơn chế tác mới một chiếc cối đá bây giờ, tính theo giá đồ gia dụng. Vậy nên nhiều người nói anh đặt làm một loạt cối đá mang về đây xếp là chưa hiểu về văn hóa đá trong đời sống người dân xứ Nẫu. 

Một khu vườn đầy dấu tích xưa như Nguyễn Minh Nghiệp nói, vẫn đang ở điểm khởi đầu. 

Thụy Văn 

Bình luận

ZALO