Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Khu vực miền núi phía Bắc thiệt hại 1.300 tỉ đồng do thiên tai trong năm 2020

Biên phòng - Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021 do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức sáng 27-4. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bích Nguyên

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực miền núi phía Bắc.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2020, tại khu vực miền núi phía Bắc, thiên tai không diễn ra khốc liệt như một số năm trước song hết sức cực đoan, dị thường với sự xuất hiện của 13/21 loại hình. Trong đó, đã xảy ra 109 trận dông, lốc sét, 56 trận mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 2 đợt rét hại, 74 trận động đất và dư chấn.

Thiên tai đã làm 56 người chết và mất tích, 118 người bị thương; 1.693 nhà sập đổ, hơn 56.000 nhà hư hỏng, tốc mái, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 1.300 tỉ đồng.

Những tháng đầu năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá. Thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương, 320 nhà bị hư hại, tốc mái, gần 1.100 con gia súc bị chết, thiệt hạ về kinh tế ước tính là 25 tỉ đồng.

Bàn về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm PCTT trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ cụ thể hóa chiến lược phòng, chống thiên tai trong 5 năm, 10 năm nhằm đánh giá các nguồn lực, mức độ rủi ro, cơ sở hạ tầng, các phương tiện... để ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

“Bà con hiện sống theo tập quán ở ven các khu vực sông suối, những chỗ rất nhạy cảm, khi có bất kỳ một biến động nào về thời tiết xảy ra thì chỗ đó là chỗ xung yếu, nhạy cảm nhất. Do đó cần xem lại quy hoạch không gian sống, quy hoạch khu vực sản xuất của người dân. Cái đó mới là hướng căn cơ, lâu dài” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Hơn 400 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phía Bắc tham dự hội nghị. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới phải nâng cao năng lực ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, giải quyết hậu quả thiên tai để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các mô hình PCTT hay, thiết thực để áp dụng cho những năm về sau.

Tại hội nghị, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong năm 2021, dự kiến khu vực miền núi phía Bắc sẽ có lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20%, tập trung từ tháng 6 đến tháng 9. Các đợt lũ lớn tập trung vào các tháng 8, 9.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Có khả năng xảy ra dông mạnh kèm theo lốc, sét và mưa đá tại các địa phương trong khu vực vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7.

Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trong năm 2021 dự báo tương đương trung bình nhiều năm (khoảng 12-14 cơn hoạt động trên Biển Đông và 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta). Hoàn lưu sau bão, áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn cho khu vực miền núi phía Bắc.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO