Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Không thể chủ quan, lơ là

Biên phòng - Những ngày qua, nắng nóng kéo dài, trên diện rộng, khiến nhiều địa phương trong tình trạng nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong đó các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định... có nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Phát dọn thực bì bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh minh họa

Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, ngay từ đầu năm, các chủ rừng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai các giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 72 vụ cháy rừng, với diện tích rừng bị thiệt hại là 204ha. Đáng lo ngại là chỉ tính riêng trong tháng 4, cả nước xảy ra 26 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại khoảng 47ha...

Theo các nhà khoa học, rừng Việt Nam luôn đặt trong tình trạng dễ cháy do nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng khô hạn và tác động của hiện tượng El Nino. Nền nhiệt trung bình ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, năm sau đều cao hơn năm trước, nắng nóng cũng gay gắt hơn, trong khi lượng mưa ngày càng thiếu hụt. Mặt khác, rừng trồng ở Việt Nam thường là các loại cây có tinh dầu hoặc nhựa rất dễ bắt lửa dưới tác động của nhiệt độ cao như bạch đàn, thông, tràm, khộp...

Nhưng thống kê cho thấy, nguyên nhân chính gây ra phần lớn các vụ cháy rừng trong thời gian qua xuất phát từ những hành động vô ý thức và sự bất cẩn trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Tại một số địa phương, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt nương làm rẫy, thậm chí đốt rừng làm nương rẫy, đốt quang thực bì, đốt cỏ khô, rơm rạ... rồi bất cẩn để lửa cháy lan không kiểm soát được. Nhiều vụ cháy rừng do con người vào rừng khai thác gỗ, củi, chăn thả gia súc, lấy mật ong... vô ý để lại các vật liệu bắt lửa như than củi, tàn thuốc... vào những tầng thực bì dễ cháy.

Xin đơn cử, 3,347 triệu ha rừng tự nhiên và 1,150 triệu ha rừng trồng tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được cảnh báo nguy cơ cháy rừng rất cao, cộng thêm áp lực từ hàng nghìn hộ dân vùng đệm cuộc sống còn phụ thuộc vào rừng qua các hoạt động săn bắt thú rừng, đốt lửa lấy mật ong, khai thác tài nguyên rừng, chăn thả gia súc... Riêng tại Ðắk Lắk, nơi có hơn 379.748ha rừng đang ở cấp cảnh báo đặc biệt nguy hiểm vẫn tồn tại nguy cơ gây cháy rừng từ hơn 500ha nương rẫy của người dân trong Vườn quốc gia Yok Ðôn...

Rõ ràng, chúng ta chưa giải quyết dứt điểm các nguy cơ gây cháy rừng. Trong khi đó, một số chủ rừng, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý công tác phòng, chống cháy rừng, lúng túng trong triển khai các biện pháp bảo vệ rừng.

Bài học đắt giá cho sự chủ quan, lơ là đã khiến 1.600ha rừng trồng tại khu vực Tây Nguyên bị thiêu rụi trong mùa khô năm 2019, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Theo dự báo, trong những ngày tới, nền nhiệt độ tại một số địa phương tại miền Trung và Tây Nguyên lên tới trên 40 độ C, cộng với mực nước tại các ao hồ, sông suối xuống thấp, nên nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn hằng ngày. Do vậy, ngoài các biện pháp cảnh báo, các địa phương và lực lượng kiểm lâm cần tăng cường kiểm tra, giám sát và triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống cháy rừng. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra, canh phòng ở những khu rừng trọng điểm, bảo đảm vật tư, trang thiết bị sẵn sàng xử lý tình huống cấp bách khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Để hạn chế đến thấp nhất nguy cơ cháy rừng, vấn đề mang tính quyết định là ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ rừng, đồng thời loại bỏ nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Chỉ khi người dân kiên quyết không để phát sinh nguồn lửa gây cháy từ những hoạt động như đốt nương làm rẫy, khai thác, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái pháp luật..., chúng ta mới giữ được những cánh rừng bền vững trong mùa khô năm nay.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO