Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 05:54 GMT+7

Không thể chờ hết Covid-19 mới có biện pháp ứng phó

Biên phòng - Mới đây, trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch toàn cầu Covid-19, cộng đồng quốc tế đã ghi một dấu mốc mới với Hiệp ước quốc tế về ứng phó với dịch bệnh, bảo vệ thế giới khỏi các cuộc khủng hoảng sức khỏe. Ủng hộ việc hình thành hiệp ước này có hơn 25 nhà lãnh đạo thế giới với mục tiêu củng cố kiến trúc y tế toàn cầu để giải quyết các đại dịch như Covid-19 một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy hợp tác trên toàn thế giới.

Một điểm tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại Mỹ. Ảnh: WHYY

Diễn giải về tính cần thiết phải hình thành hiệp ước quốc tế này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện nay, đã có nhiều lãnh đạo thế giới thừa nhận việc chưa có sự chuẩn bị tốt để đối phó với dịch Covid-19, thậm chí cũng có nhiều nước vẫn chưa thể có những bước chuẩn bị ứng phó với các đợt bùng phát dịch trong tương lai. Vì vậy, hiệp ước quốc tế này sẽ là một cam kết chung giúp thế giới an toàn hơn, ứng phó hiệu quả hơn với các đợt bùng phát dịch Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh tương tự trong tương lai.

Hiệp ước đặt ra mục tiêu then chốt là tăng cường khả năng ứng phó với các đại dịch thông qua hệ thống quốc tế về cảnh báo; chia sẻ dữ liệu; hoạt động nghiên cứu, sản xuất, phân phối vắc xin và thuốc điều trị; trang thiết bị y tế, bảo hộ... Hiệp ước cũng đề cao sự minh bạch và sự hợp tác toàn cầu.

Đánh giá về thực trạng của thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, WHO đã so sánh tình hình hiện tại với tình hình thế giới từng phải đối mặt sau Thế chiến thứ hai. WHO cho rằng, đại dịch là thách thức lớn nhất đối với cộng đồng toàn cầu kể từ những năm 1940.

Tổng Giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh: “Không thể chờ cho đến khi đại dịch Covid-19 hiện tại kết thúc để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thay mặt cho Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ ý tưởng nhấn mạnh rằng, hiệp ước quốc tế này sẽ là hành động cụ thể, giúp các quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung chủ động ứng phó với các loại đại dịch trong tương lai.

WHO khẳng định, không một chính phủ hoặc cơ quan đa phương nào có thể giải quyết mối đe dọa này một mình. Đồng thời, kêu gọi toàn thế giới chuẩn bị tốt hơn để ứng phó hiệu quả với các đại dịch theo một cách thức phối hợp chặt chẽ. Trong thông điệp của mình, WHO nhấn mạnh, dịch Covid-19 là một lời nhắc nhở rõ ràng và đau đớn rằng, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn.

Các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hiệp ước cho biết, cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và phổ biến các biện pháp y tế như vắc xin, thuốc điều trị, biện pháp chẩn đoán... một cách an toàn, hiệu quả với giá thành phải chăng, ngay từ dịch Covid-19 và các đại dịch khác có thể xảy ra trong tương lai.

WHO cho biết, hiện nay, các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia từng chịu tác động mạnh do đại dịch vẫn chưa tham gia sáng kiến này. Các cuộc đàm phán sẽ sớm bắt đầu với 194 quốc gia thành viên WHO để xây dựng một hiệp ước quốc tế chống đại dịch, có thể sẵn sàng vào tháng 5.

Theo giới chuyên gia y tế quốc tế, được sự ủng hộ của WHO, hiệp ước quốc tế này sẽ xua tan những cám dỗ của chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng khác như dịch Covid-19. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và giới chuyên gia cho rằng, đây này là một thành công quan trọng, song, sự thành công sẽ phụ thuộc vào sự tuân thủ các điều khoản quy định từ các thành viên.

Ý tưởng về một hiệp ước hoặc công ước toàn cầu về y tế đang ngày càng trở nên nổi bật tại thời điểm thiếu sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia, trong khi số số ca tử vong do dịch Covid-19 tiếp tục tăng lên con số 3 triệu trên toàn thế giới. Mặt khác, điều quan trọng của nhân loại hiện nay là cần thúc đẩy một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý sức khỏe cộng đồng toàn cầu nhằm tạo ra một cách thức chung về quản lý các mối đe dọa đối với người dân trên toàn cầu.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO